Nữ diễn viên Từ Hy Viên qua đời ở tuổi 49 trong chuyến du lịch tại Nhật Bản do cảm cúm và viêm phổi. Theo ETtoday, cô sẽ được hỏa táng tại Nhật Bản trong vài ngày tới trước khi người thân đưa tro cốt về Đài Loan (Trung Quốc).
Sự ra đi đột ngột của nữ minh tinh không chỉ khiến công chúng xót xa mà còn dấy lên lo ngại về mức độ nguy hiểm của cúm.
Từ Hy Viên qua đời do cúm.
Vào những ngày cuối năm 2024, Nhật Bản ghi nhận số ca mắc cúm hàng tuần cao nhất kể từ khi bắt đầu ghi chép số liệu vào năm 1999.
Cụ thể, Nhật Bản đã lập kỷ lục mới với 317.812 ca cúm hàng tuần trong thời gian từ ngày 23- 29/12/2024 theo số liệu từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, dựa trên báo cáo từ 5.000 cơ sở y tế được chỉ định trên cả nước. Đây là tổng số cao nhất kể từ khi phương pháp lưu giữ hồ sơ hiện tại được đưa ra vào tháng 4/1999.
Sang đầu năm 2025, tình hình dịch cúm tại Nhật Bản tiếp tục diễn biến phức tạp, trong đó Bệnh viện Shizuoka đã phát hiện một số trường hợp nhập viện với các triệu chứng bệnh liên quan đến não hoặc viêm phổi sau khi mắc cúm, thậm chí đã có ca tử vong ở trẻ em.
Tại các trung tâm đô thị lớn như Tokyo, Osaka và Hokkaido, số ca mắc đã tăng gấp đôi trong vòng một tuần. Tỉnh Nara ghi nhận mức tăng cao nhất, với số ca chẩn đoán tăng gần 300%.
Cuộc khủng hoảng này còn cho thấy những điểm yếu trong cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe của Nhật Bản. Đặc biệt, tình trạng khan hiếm thuốc giảm ho và thuốc kháng sinh càng làm trầm trọng thêm vấn đề.
Hơn 1.400 trường học trên khắp Nhật Bản đã phải tạm thời đóng cửa và tạm dừng các lớp học. Các biện pháp này nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch cúm, vốn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ em trong độ tuổi đi học. Bộ Giáo dục Nhật Bản báo cáo rằng Tokyo, Osaka và Nara là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Ở các vùng nông thôn, tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn do năng lực hạn chế của các bệnh viện địa phương trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Các thị trấn nhỏ báo cáo gặp khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là do thiếu thuốc cơ bản.
Mặc dù là căn bệnh phổ biến và quen thuộc, cúm vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe con người. Ảnh: Theprint.
Cúm mùa là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây ra, lây lan nhanh chóng và có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt ở những người có hệ miễn dịch yếu.
Virus cúm được chia thành bốn chủng chính: A, B, C và D. Trong đó, cúm A và B là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh ở người, thường liên quan đến các đợt dịch cúm mùa hàng năm. Cúm C thường gây bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng rõ rệt, trong khi cúm D chủ yếu ảnh hưởng đến gia súc và chưa ghi nhận gây bệnh cho con người.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em trên toàn thế giới nhiễm cúm. Trong số này, có khoảng 500.000 ca tử vong liên quan đến các biến chứng nghiêm trọng của bệnh cúm như viêm phổi, suy hô hấp và các bệnh lý tim mạch. Các triệu chứng phổ biến của cúm bao gồm sốt cao liên tục, đau đầu, rét run, sổ mũi, đau họng, đau cơ và mệt mỏi.
Tạp chí Tri Thức dẫn lời bác sĩ Xuân Anh, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết virus cúm thường bùng phát mạnh vào mùa thu và mùa đông, với dịch đạt đỉnh vào các tháng 3, 4, 9 và 10. Tuy nhiên, cúm vẫn có thể xuất hiện quanh năm, đặc biệt là trong mùa đông - xuân do điều kiện thời tiết thuận lợi cho virus phát triển.
Thực tế cho thấy dịch cúm đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Đầu tháng 1/2025, Trung Quốc ghi nhận tình trạng quá tải bệnh nhân nhập viện do nhiễm virus HMPV, loại virus gây viêm phổi trên người có biểu hiện giống cúm. Cùng thời điểm, Nhật Bản cũng đang phải đối mặt với số ca nhập viện do cúm tăng cao kỷ lục trong 25 năm qua.
Virus cúm có thể lây lan từ người sang người chủ yếu qua các giọt bắn chứa virus khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, với phạm vi lây nhiễm khoảng 1,8 m. Ngoài ra, virus có thể tồn tại trên bề mặt các vật dụng và lây lan gián tiếp khi tay chạm vào bề mặt nhiễm virus rồi đưa lên mắt, mũi hoặc miệng. Các triệu chứng cúm thường xuất hiện sau khoảng 1-4 ngày kể từ khi virus xâm nhập vào cơ thể, trung bình là 2 ngày.
Ảnh chụp X-quang phổi của một bệnh nhân bị viêm phổi nặng do cúm. Ảnh: ETtoday.
Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) cảnh báo cúm có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là viêm phổi. Mối liên hệ giữa cúm và viêm phổi đã được ghi nhận từ đại dịch cúm năm 1958-1959, khi viêm phổi do cúm nguyên phát chiếm tới 18% số ca nhập viện liên quan đến biến chứng đường hô hấp dưới.
Hầu hết bệnh nhân khi đó đều trên 45 tuổi, có bệnh tim tiềm ẩn và xuất hiện các triệu chứng điển hình như sốt cao, ho khan kéo dài, đau nhức cơ thể. Các trường hợp nặng nhanh chóng diễn tiến thành suy hô hấp nghiêm trọng, gây khó thở và tím tái.
Nguyên nhân là virus cúm tấn công lớp niêm mạc đường hô hấp, làm suy yếu hệ miễn dịch, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào phổi và gây nhiễm trùng.
Trả lời phỏng vấn ETtoday, bác sĩ Đỗ Thành Triết cho biết viêm phổi có tỷ lệ tử vong lên đến 40% hoặc cao hơn, tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ và khả năng miễn dịch của bệnh nhân. Ngay cả ở những quốc gia có hệ thống y tế phát triển, tỷ lệ sống sót cũng không thể đạt 100%.
Vị bác sĩ này đưa ra ví dụ về một bệnh nhân 50 tuổi bị hen suyễn và hút thuốc lá thường xuyên. Ban đầu, người này chỉ ho nhẹ và không quan tâm nhiều. Tuy nhiên, sau khi ho ra máu và nhập viện cấp cứu, bệnh nhân được chẩn đoán mắc viêm phổi. Chỉ 3 ngày sau, bệnh nhân rơi vào tình trạng suy hô hấp nặng, phải chuyển vào khoa hồi sức tích cực. Dù được điều trị tích cực trong ba tháng, bệnh nhân không qua khỏi do nhiễm trùng huyết và suy đa cơ quan.
Bác sĩ Triết nhấn mạnh viêm phổi là căn bệnh nguy hiểm cần được theo dõi sát sao. Những dấu hiệu cảnh báo bao gồm: khó thở, thở gấp, tím tái, ho ra máu hoặc đờm đặc, đau ngực, rối loạn ý thức, huyết áp thấp hoặc sốt cao kéo dài trên 72 giờ. Khi xuất hiện các triệu chứng này, người bệnh cần đến cơ sở y tế lớn để thăm khám và điều trị kịp thời.
Nhóm có nguy cơ cao bao gồm: trẻ em từ 6 đến 59 tháng tuổi, người trên 50 tuổi, người mắc bệnh phổi mạn tính như hen suyễn, bệnh tim mạch, bệnh chuyển hóa (thận, gan, thần kinh, máu, tiểu đường). Ngoài ra, những người suy giảm miễn dịch do thuốc hoặc HIV, phụ nữ mang thai trong mùa cúm, trẻ em từ 6 tháng đến 18 tuổi dùng aspirin lâu dài, cư dân viện dưỡng lão và người béo phì cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.
Bên cạnh viêm phổi, cúm còn có thể gây viêm phế quản khi virus lan từ đường hô hấp trên xuống khí quản và phổi. Người mắc viêm phế quản do cúm thường có triệu chứng ho có đờm, thở khò khè, khó thở, kéo dài đến ba tuần.
Một biến chứng nguy hiểm khác là nhiễm trùng huyết, xảy ra khi phản ứng viêm lan rộng khắp cơ thể, có thể dẫn đến suy đa cơ quan và đe dọa tính mạng nếu không điều trị kịp thời. Ngoài ra, cúm còn có thể gây nhiễm trùng xoang, suy hô hấp và các vấn đề hô hấp khác.
Tamiflu, với hoạt chất oseltamivir, được sử dụng để điều trị cúm. Ảnh: Getty Images
Người nghi ngờ nhiễm cúm cần được cách ly y tế và đến bệnh viện để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.
Đối với trường hợp bệnh nhẹ, không có biến chứng, người bệnh có thể không cần thực hiện xét nghiệm hoặc điều trị tại cơ sở y tế. Bệnh nhân có thể điều trị tại nhà với các biện pháp như hạ sốt bằng thuốc Paracetamol khi sốt trên 38,5 độ; uống nhiều nước, đảm bảo cân bằng chất điện giải; đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý.
Đối với các trường hợp cúm có biến chứng, bệnh nhân cần được nhập viện điều trị và theo dõi. Các loại thuốc kháng virus như oseltamivir hoặc/và zanamivir thường được sử dụng trong trường hợp này. Ở bệnh nhân có suy hô hấp, hỗ trợ hô hấp bằng phương pháp thở oxy, CPAP hoặc thông khí nhân tạo. Sử dụng kháng sinh trong trường hợp bội nhiễm vi khuẩn.
Khi bệnh nhân hết sốt, hết các triệu chứng (trừ ho), tình trạng sức khỏe ổn định sau 48 giờ có thể xuất viện. Sau xuất viện vẫn nên cách ly y tế tại nhà cho đến hết 7 ngày, tính từ thời điểm xuất hiện triệu chứng đầu tiên.
Để phòng ngừa cúm hiệu quả, cần tập thói quen rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khi về đến nhà, trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
Tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc và nên bỏ thói quen hút thuốc lá.
Tiêm vaccine phòng cúm mùa hằng năm là phương pháp phòng bệnh chủ động hiệu quả nhất. Vaccine cúm có hiệu quả phòng bệnh lên đến 90%, giảm tỷ lệ tử vong và nguy cơ biến chứng, diễn tiến nặng khi đồng nhiễm cúm và các tác nhân gây bệnh khác, theo VTV News.