Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đi tìm lý do 5 ca khúc sáng tác trước 1975 bất ngờ bị "tuýt còi"

(DS&PL) -

Mới đây, cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) đã quyết định tạm dừng việc lưu hành một số bài hát nổi tiếng được sáng tác trước năm 1975 khiến nhiều người bất ngờ.

Mới đây, cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) đã quyết định tạm dừng việc lưu hành một số bài hát nổi tiếng được sáng tác trước năm 1975 khiến nhiều người bất ngờ, bởi đã từ lâu, các ca khúc này, đặc biệt là ca khúc Con đường xưa em đi được nhiều nghệ sĩ biểu diễn, thậm chí ra MV, album... Nhạc sĩ Lê Tuấn Phương chia sẻ, thông tin này sẽ khiến nhiều nghệ sĩ bất ngờ, vì sau một thời gian lưu hành rộng rãi, nhiều người đã thuộc và yêu ca khúc này... Nhiều khán giả “ngơ ngác” không biết vì lý do gì mà các ca khúc ấy lại bị “tuýt còi”?

“Điểm mặt” những ca khúc bị tạm dừng lưu hành

Chia sẻ với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Đăng Chương – Cục trưởng cục NTBD - bộ VH-TT&DL cho biết, cục NTBD đã ra văn bản quyết định tạm dừng lưu hành 5 bài hát được sáng tác trước năm 1975 bao gồm: Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh – Minh Kỳ), Rừng xưa, Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ – Hồ Đình Phương). Các ca khúc này sẽ bị tạm dừng lưu hành để đơn vị này thẩm định lại về vấn đề ca từ và tác giả.

Theo đó, quyết định trên được cục NTBD đưa ra xuất phát từ đề xuất của sở VH&TT TP.HCM. Cụ thể, sở này đã chủ động gửi công văn lên cục NTBD để đề nghị việc xem xét lại nội dung một số ca khúc được sáng tác trước năm 1975.

Ca sĩ Dương Ngọc Thái – người chuyên hát nhạc bolero chia sẻ: “Khi nghe được thông tin tạm dừng lưu hành 5 ca khúc trên, tôi rất suy nghĩ, những ca khúc trên đã đi vào lòng người từ lâu lắm rồi. Khi còn nhỏ, tôi cũng đã từng được nghe những bài hát đó, rồi lớn lên hát trên sân khấu. Tôi không hiểu sao các ca khúc lại bị “tuýt còi”? Là một người chuyên hát nhạc bolero, tôi cho rằng, cũng nên có những giải thích thỏa đáng”.

Còn ca sĩ Thu Trang thì chia sẻ: “Tôi buồn vì những bài hát quen thuộc với nhiều thế hệ khán giả Việt Nam vừa bị tạm dừng lưu hành. Tôi thấy nhiều khán giả thích những bài như: Con đường xưa em đi hay Cánh thiệp đầu xuân lắm. Để ra một album, nghệ sĩ chúng tôi đã phải mất nhiều thời gian để xin cấp phép biểu diễn.

Ví dụ bản thân tôi năm vừa qua khi ra MV Tôi bước vào yêu cũng rất vất vả, phải đợi khá lâu mới được hát bài này. Tôi có trao đổi với phía cục NTBD thì họ nói vì ca khúc Tôi bước vào yêu chưa nằm trong danh sách ca khúc được cấp phép nên cần phải có thời gian để thẩm định bài hát...”.

Ca sĩ Thu Trang cho hay: “Những ca sĩ hát dòng nhạc bolero, nhạc xưa hiện tại nhiều khán giả nghe hơn, nên các bài hát cần phong phú để ca sĩ có một “kho” bài hát mới, muốn làm được điều này, thì các ca khúc phải được cấp phép. Hiện tại, chỉ có các ca khúc nhạc xưa nhất định nên nhiều nghệ sĩ phải đi xin phép phổ biến ca khúc. Chúng tôi mong rằng, cục NTBD sẽ tạo điều kiện cho chúng tôi để ca sĩ có thể hát và lưu giữ những ca khúc ấy. Hoặc nếu dừng ca khúc nào, cũng cần có lý do cụ thể…”.

Ca sĩ Hồ Quang 8 – người chuyên hát nhạc xưa cho biết: “Tôi có thể hiểu rằng, việc tạm dừng lưu hành 5 ca khúc này là do chưa thống nhất lời bài hát và hiện nhiều bản thu âm ca khúc bị sai lời. Bản thân tôi, 10 năm nay rồi là người trực tiếp đi xin phép phát hành nhiều ca khúc lắm.

Nam ca sĩ Hồ Quang 8.

Tôi đã từng đích thân vào TP.HCM để gặp nhạc sĩ Thanh Sơn, nhờ ông viết thư, làm giấy chứng nhận bài hát Trả lại thời gian và bài Tâm sự hai người lính là một. Trước năm 1975, nhạc sĩ Thanh Sơn để tên bài hát là Tâm sự hai người lính, sau giải phóng, chú ấy mới đổi thành Trả lại thời gian cho hợp xu thế. Thực tế hai bài hát này là một, đây là ví dụ về việc lời và tên bài hát có sự thay đổi. Tôi cầm thư tay của chú Thanh Sơn ra cục NTBD để xin cấp phép bài hát này mới được đồng ý và mới cấp phép cho ca khúc được lưu hành...”.

Ca sĩ Hồ Quang 8 chia sẻ thêm: “Có lẽ lời bài hát không còn nguyên bản gốc nên cục NTBD đối chiếu lại thật chính xác về ca từ mới cho phát hành. Có một thực tế là bài hát sáng tác đã lâu, nhưng khi ca sĩ hát đã làm sai lời khiến bài hát có nhiều dị bản. Có thể, đó là lý do mà nhiều bài hát bị dừng phát hành...”

Lãnh đạo cục Nghệ thuật biểu diễn lên tiếng

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Thu Đông – Trưởng phòng Quản lý băng đĩa, cục NTBD xác nhận: “Chúng tôi đã ra quyết định tạm dừng 5 ca khúc để xác minh và thẩm định thêm, tôi cũng nói trước là 5 ca khúc trên không gặp vấn đề gì nghiêm trọng về mặt nội dung, mà chỉ vì có sự chưa đồng nhất về mặt ca từ, không rõ về tên tác giả và có nhiều dị bản khác nhau, thậm chí nhiều bài được cho là phần lời không đúng với nguyên gốc.

Đơn cử như ca khúc Đừng gọi anh là chú... thường được chú thích là của nhạc sĩ Di An, nhưng trên thực tế đây lại là tác phẩm do nhạc sĩ khác sáng tác... Chính vì vậy, chúng tôi mới có văn bản để tạm dừng lưu hành các ca khúc này...”.

Theo ông Đông, việc thẩm định các ca khúc này cần có thời gian, vì phiên bản 5 ca khúc từng được đơn vị này cấp phép lưu hành với các bản nhạc gốc do các đơn vị, cá nhân cung cấp và các nguồn dữ liệu từ việc thu thập, sưu tầm. Việc cấp phép trở lại đối với 5 ca khúc này sẽ hoàn thành cho tới khi quá trình thẩm định này kết thúc.

Ca khúc "Con đường xưa em đi" cũng nằm trong số những ca khúc bị tạm dừng lưu hành.

Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng cục NTBD cho PV biết: “Việc thẩm định ca khúc là vì những ca khúc ấy bị vướng hai điều: Thứ nhất, các bài hát ấy được sở cấp phép khi chưa có Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012, nhưng khi rà soát lại thì ca từ của những ca khúc này không đúng với bản gốc. Thứ hai, tên tác giả không đúng.

Vì thế, chúng tôi tạm dừng lưu hành để xác minh lại. Nhiều ca khúc, khi được trình lên xin cục NTBD cấp phép biểu diễn, lời khác với bản gốc. Hay những bài hát chưa xác định được tác giả, nhưng khi đưa lên cục NTBD, các đơn vị lại đưa nhầm tác giả vì thế cũng cần thời gian xác minh lại. Nếu tìm được tác giả gốc, chúng tôi sẽ sớm công bố lưu hành bài hát thôi...”.

Ông Nguyễn Đăng Chương giải thích thêm, cũng theo quy định của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu thì tổ chức, cá nhân muốn phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 tại miền Nam, hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài phải nộp hồ sơ đến cục NTBD để xin cấp phép phổ biến.

Sau khi có đơn đề nghị của đơn vị sử dụng xin cấp phép phổ biến, cục NTBD sẽ thành lập hội đồng nghệ thuật của cục. Các thành viên này sẽ nghe, xem, đọc, phân tích và cho ý kiến đối với ca khúc. Nếu thấy cho phép phổ biến được thì có biên bản, sau đó căn cứ vào biên bản đó để ra quyết định cho phổ biến...

Trước câu hỏi vì sao nhiều ca khúc đã từng được cục NTBD cho phép phổ biến, nhưng sau đó lại bị thu lại, ông Nguyễn Đăng Chương lý giải: “Ở cục Điện ảnh, khi duyệt phim chiếu ra rạp thì hội đồng duyệt phim gồm nhiều thành viên, đến từ nhiều đơn vị nghệ thuật. Trong đó có cả những đạo diễn gạo cội nên việc thẩm định được chính xác và chuẩn chỉ hơn.

Đối với việc thẩm định bài hát bolero ở cục NTBD thì hơi khó, vì hội đồng thẩm định bài hát nhạc xưa không có mặt của cơ quan an ninh văn hóa, hay phía hội Nhạc sĩ Việt Nam, các nhạc sĩ gạo cội, nên đã xảy ra các trường hợp sai sót, bài hát được phép phổ biến, nhưng sau khi thẩm định thấy chất lượng không ổn thì bị thu lại... Đây cũng là một bất cập mà trong thời gian tới, chúng tôi sẽ hoàn thiện”.

Lạc Thành

Tin nổi bật