Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Di sản về lý luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(DS&PL) -

Cuộc sống đời thường đến hoạt động cách mạng là minh chứng rõ nét nhất về việc hiện thực hóa lý tưởng, đạo đức cách mạng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo đuổi.

13 giờ 38 phút ngày 19/7, một trái tim vĩ đại đã ngừng đập. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi để lại sự mất mát to lớn, niềm tiếc thương vô hạn trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Không chỉ là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, có uy tín lớn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là một nhà lý luận uyên bác, một nhà khoa học với tầm nhìn xa và rộng, bám sát thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo có phẩm chất hết sức tiêu biểu, mẫu mực về sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; một nhà lãnh đạo hết lòng vì sự nghiệp chung của Đảng và nhân dân.

Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Thị Báo – nguyên Chánh Thanh tra, Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, là một nhà khoa học mẫu mực, nhà lý luận sâu sắc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp rất to lớn trong việc hoàn thiện, củng cố nền tảng lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, thể hiện qua một số điểm nổi bật sau:

Trước hết, nhận thức rõ lý luận là "bó đuốc" dẫn đường cho cách mạng, Tổng Bí thư luôn định hướng và chỉ đạo phải làm tốt công tác nghiên cứu lý luận của Đảng, nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng Việt Nam trong từng giai đoạn. Bản thân đồng chí từng có thời gian dài được giao trực tiếp phụ trách công tác lý luận của Đảng.

Đồng chí luôn nhấn mạnh việc phát triển lý luận dựa trên cơ sở thực tiễn, vừa bảo đảm tính kiên định với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vừa sáng tạo, phù hợp với tình hình mới.

Những tư tưởng này thể hiện rõ trong các bài nói, bài viết và các tác phẩm của đồng chí, nhất là cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam".

Cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tổng kết lý luận về đường lối đổi mới và những bài học kinh nghiệm, những vấn đề có tính quy luật từ thực tiễn công cuộc xây dựng, phát triển đất nước ta.

"Di sản mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại trong việc hoàn thiện và củng cố nền tảng lý luận của Đảng là vô cùng quan trọng, góp phần làm rõ lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, tạo sự thống nhất tư tưởng trong toàn đảng và toàn xã hội, "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt", phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc", PGS.TS Nguyễn Thị Báo nhấn mạnh.

Thứ hai, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò ưu tú, xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và chính đồng chí là người dành nhiều tâm huyết trong việc nghiên cứu, học tập và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam gần 3 nhiệm kỳ qua.

Trải qua các cương vị công tác khác nhau, nhất là ở cương vị người đứng đầu Đảng, đồng chí đã chỉ đạo đẩy mạnh việc nghiên cứu, bổ sung, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh lên một tầm cao mới, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và bối cảnh mới của Việt Nam hiện nay.

Đồng chí luôn nhấn mạnh vai trò của tư tưởng Hồ Chí Minh như là nền tảng tư tưởng của Đảng, là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng, đóng vai trò định hướng sự phát triển của cách mạng nước ta trong cả hiện tại lẫn tương lai. Điều này được thể hiện rõ nét trong các văn kiện của Đảng qua các kỳ đại hội.

PGS.TS. Nguyễn Thị Báo – nguyên Chánh Thanh tra, Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Thứ ba, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh và quan tâm đến việc tổng kết thực tiễn, đánh giá đầy đủ, chính xác thực tiễn, giải đáp kịp thời những vấn đề lý luận do thực tiễn đặt ra, từ đó xây dựng một nền tảng lý luận phù hợp với thực tiễn cách mạng.

Nhiều bài viết của đồng chí đã thể hiện sâu sắc những quan điểm mới mẻ mang định hướng công tác lý luận của Đảng. Nhiều tư tưởng của đồng chí đã được đưa vào trong các văn kiện của Đảng, khẳng định giá trị cả về lý luận và thực tiễn.

Nổi bật như tư tưởng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc chuyển đổi nền kinh tế trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế, việc cân bằng giữa phát triển kinh tế với bảo đảm công bằng xã hội,…

Hay như từ tư tưởng ngoại giao "dĩ bất biến, ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bối cảnh đất nước đổi mới và hội nhập ngày càng sâu rộng, đồng chí Tổng Bí thư đã thúc đẩy việc định hình trường phái đối ngoại, ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam".

Đó là vừa kiên định về nguyên tắc, vừa uyển chuyển về sách lược; mềm mại, khôn khéo nhưng cũng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức.

 

Thứ tư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm chăm lo đến công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, Đảng viên. Đồng chí hiểu sâu sắc, kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ là nhiệm vụ "then chốt" của công tác xây dựng Đảng, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng.

Để làm tốt công tác cán bộ, trước hết phải chăm lo giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào tiền đồ cách mạng.

Thứ năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo và trực tiếp tham gia vào việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đồng chí luôn nhấn mạnh sự cần thiết phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ bởi nếu sai về lý luận thì không khác gì con thuyền đã đi chệch hướng, càng đi càng xa rời mục đích ban đầu.

Trong đó, nổi bật là việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35 ngày 22/10/2018 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Tổng Bí thư đã nhiều lần khẳng định để xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh phải đấu tranh không khoan nhượng với mọi biểu hiện của sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", tham nhũng, tiêu cực. Đảng phải tự cường, thực sự trong sạch, vững mạnh trên tất cả các mặt về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ... để có khả năng tự bảo vệ mình.

Trên hết và hơn hết, theo PGS.TS Nguyễn Thị Báo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người nhất quán từ lời nói, tư tưởng đến cuộc đời hiện thực.

Từ cuộc sống đời thường cho đến hoạt động cách mạng của đồng chí Tổng Bí thư là minh chứng rõ nét nhất, hiện thực hóa lý tưởng, đạo đức cách mạng mà đồng chí theo đuổi. Đó thực sự là một người cộng sản chân chính, người cách mạng kiên trung, hết lòng phụng sự cho độc lập của dân tộc, ấm no, hạnh phúc của nhân dân và sự tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.

Đồng chí là người kế thừa trung thành, người học trò xuất sắc của các vị lãnh đạo tiền bối, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Chính con người, nhân cách của đồng chí Tổng Bí thư đã "gieo niềm tin" về Đảng, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đối với mọi người dân Việt Nam. Những đóng góp của cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ làm sáng rõ về lý luận đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta hiện nay mà còn góp phần biến con đường đó trở thành hiện thực sinh động.

Tin nổi bật