Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Di dời cầu Long Biên: Bài toán vẫn còn bỏ ngỏ

(DS&PL) -

(ĐSPL) - "Là con dân của Hà Nội, khi nghe việc di dời cầu Long Biên, cảm xúc đầu tiên của tôi là rất buồn" - TS Nguyễn Hồng Thục nói.

(ĐSPL) - "Là con dân của Hà Nội, khi nghe việc di dời cầu Long Biên, cảm xúc đầu tiên của tôi là rất buồn" - TS Nguyễn Hồng Thục nói.

Chủ trương di dời cầu Long Biên của Bộ GTVT để thay thế một cây cầu mới phục vụ nhu cầu phát triển đô thị nhận được rất nhiều sự quan tâm của giới chuyên môn. Trong buổi tọa đàm về bảo tồn cầu Long Biên tại trường Đại học Phương Đông chiều 25/2, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch đô thị có nhiều ý kiến đan xen, trái chiều...

Loay hoay bài toán bảo tồn

Tại hội thảo, GS Nguyễn Tài, trường Đại học Phương Đông nhấn mạnh, bằng mọi giá phải bảo vệ cầu Long Biên.  

GS Tài phân tích, mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển luôn tồn tại âm ỉ trong quá trình phát triển đô thị. Mâu thuẫn này sẽ bùng phát gay gắt hay được hóa giải nhẹ nhàng phụ thuộc vào sự “khôn ngoan” của các chính sách phát triển đô thị, các giải pháp kiểm soát và quản lý đô thị. Những ứng xử trân trọng với di sản của các nhà quản lý và cộng đồng sẽ giúp bảo tồn và duy trì những di sản vô giá của quá khứ, làm cho hài hòa với sự phát triển của đô thị đương đại. Di sản đô thị nếu được quản lý và ứng xử phù hợp sẽ không cản trở sự phát triển đô thị mà ngược lại sẽ góp phần phát triển kinh tế đô thị, làm dày dặn thêm di sản đô thị. Vì vậy, giữa bảo tồn và phát triển cần phải có sự hài hòa.

Theo PGS. TS Nguyễn Hồng Thục, cầu Long Biên là một cây cầu có giá trị của sự trường tồn, là nhân chứng lịch sử mãi mãi của hai cuộc kháng chiến trong một quá khứ rất dài cùng  dân tộc, đồng hành với sự thăng trầm của lịch sử Hà Nội. Trong vòng một tháng nay, Cầu Long Biên trở thành sự kiện nóng sốt. Tại sao khi có chủ trương di dời cây cầu này, người ta lại tranh luận lớn như vậy trong toàn xã hội?

“Là con dân của Hà Nội, khi nghe việc di dời cầu Long Biên, cảm xúc đầu tiên của tôi là rất buồn. Theo dõi từ góc độ chuyên môn, tôi không nghĩ cầu Long Biên đang bị 'bức tử'”, TS thục nói.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thục: Cầu Long Biên đang bị bức tử

TS Hồng Thục bày tỏ, cầu Long Biên là một biểu trượng của kỹ thuật công nghệ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Cây cầu do người Pháp xây dựng bắc qua một con sông Hồng, bên lở bên bồi và sau 100 năm, vẻ đẹp của nó vẫn làm rung động hàng triệu người. Đây là một chứng tích và người Pháp đã xử sự hết sức văn minh, nó có thể sánh ngang với tháp Eiffel của Paris.

Cầu Long Biên là tiềm năng du lịch di sản đô thị, nơi lưu thông huyết mạch cho nền kinh tế, nhà nước. Theo đó, Bộ GTVT đưa ra 3 phương án di dời cầu Long Biên, đồng thời xây dựng cầu đường sắt mới vượt sông Hồng trên tim cầu cũ là quá vội vàng, hời hợt, thiếu tư duy nghệ thuật, thiếu tầm nhìn đối với đô thị.

Đồng tình với quan điểm trên, GS Hoàng Đạo Kính cho rằng cả 3 phương án mà Bộ GTVT đưa ra đều không hợp lý, có thể gây hủy hoại cây cầu có giá trị lịch sử văn hóa. Ông cho hay, cầu Long Biên là một kỳ công về xây dựng, kỳ quan đô thị, kỳ tích về kỹ thuật. Các nhà quản lý phải làm sao để chuyển cầu Long Biên từ giá trị giao thông thành giá trị lịch sử, không thể tính toán lợi ích kinh tế mà “bức tử” tận cùng cây cầu này.

Tuy nhiên, vấn đề được nhiều người quan tâm đó là cây cầu hàng trăm năm tuổi cho đến nay vẫn chưa được công nhận là di sản, vì vậy bài toán bảo tồn cầu Long Biên dường như vẫn còn đang bỏ bị ngỏ, vẫn phải chờ để nghiên cứu thêm.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm bức xúc, tại sao cầu Long Biên không được công nhận là di sản, vì chúng ta không đấu tranh hay vì các nhà quản lý thiếu tầm, thiếu tâm. Cá nhân ông cho rằng, cần nghiên cứu thật kỹ lưỡng xem có nên bảo tồn hay không, bảo tồn để làm gì, bảo tồn và phát huy giá trị bằng cách nào.

Phá vỡ kiến trúc phố cổ Hà Nội

Trái chiều với những quan điểm của các chuyên gia kiến trúc, ông Phan Xuân Đại, kỹ sư cầu, nguyên chuyên viên cao cấp (CVCC), Bộ GTVT thẳng thắn: "Cầu Long Biên cũ nhiều năm nay là cản trở cho giao thông đường thủy từ Yên Bái xuôi dòng sông Hồng về Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình vì đáy dầm quá thấp, các tàu chở khách không đủ tĩnh không để chui dưới cầu được. Nếu cải tạo nâng cấp cầu phải nâng trụ mố cầu lên khoảng 3m cho phù hợp khổ tĩnh không dưới cầu theo qui định và đồng bộ với các cầu Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Phù Đổng hiện nay, phải phá bỏ các trụ tạm hiện có để mở nhịp thông thuyền yêu cầu lớn hơn 60m.

Ông Phan Xuân Đại nêu quan điểm cần phải khai thác và bảo tàng cầu để phù hợp với kiến trúc đô thị Hà Nội.

Theo quy hoạch giao thông đường sắt vào nội đô Hà Nội, đoạn đường sắt Yên Viên - Ngọc Hồi sẽ là đường sắt trên cao với đôi tàu nhẹ chở khách từ Lào Cai, Lạng Sơn, Thái Nguyên và các tỉnh phía Bắc vượt qua sông Hồng vào ga Hà Nội ở tầng hai, đi trên cao suốt đến ga Ngọc Hồi thì thấp xuống bằng mặt ray hiện nay; còn tất cả các hàng hóa chở nặng thì đi vượt sông trên cầu Thăng Long, từ nhiều năm nay đều phải đi theo tuyến bao quanh Hà Nội và vào ga Ngọc Hồi. Nếu vượt sông Hồng để vào ga Hà Nội vẫn đi theo đường cũ thì sẽ thiết lập đường sắt đi trên cao, móng trụ đỡ đặt dọc trên nền đường sắt hiện có (tức là dọc theo phố Phùng Hưng).

Như vậy, việc giải phóng mặt bằng và đền bù giải tỏa là ít nhất so với việc tìm vị trí khác vượt sông Hồng để vào ga Hà Nội; với đặc điểm kỹ thuật tuyến đường sắt khác hẳn tuyến đường ô tô nên việc dịch tuyến đường sắt ở một vị trí khác cầu Long Biên hiện nay đều phá vỡ toàn bộ kiến trúc của phố cổ Hà Nội.

Bác bỏ những nhận định trên, tiến sĩ khảo cổ học Vũ Thế Long cho rằng, Hà Nội có rất nhiều đường đi, không nhất thiết phải làm đường sắt chạy qua. Nếu cho rằng giao thông đường thủy bị cản trở không qua được, chúng ta có thể áp dụng nhiều cách khác, không nhất thiết phải phá cầu đi. “Đà Nẵng, Hải Phòng đều có cầu quay. Tại sao cầu Long Biên không thể quay? Chẳng qua là các nhà quản lý không muốn làm” - nhà khảo cổ học Vũ Thế Long nói.

Cũng theo tiến sĩ khảo cổ, trong lịch sử có chuyện dại dột phá cầu Hiền Lương, sau này người ta mới nhận ra sai lầm, phải làm cầu giả để cấy vào nhưng làm cầu giả không khác gì dùng đổ rởm, không còn giá trị.

Xung quanh những tranh cãi về bảo tồn cầu Long Biên, bà Nguyễn Nga - KTS Quy hoạch đô thị cho rằng, chủ trương di dời cầu Long Biên không phải hôm nay mới có mà từ nhiều năm trước đã có chủ trương tháo dỡ. Vì nhiều người vẫn còn quan niệm, cầu Long Biên là của Pháp, do người Pháp xây để khai thác thuộc địa nên không thiết tha với việc bảo vệ, không cần phải giữ làm gì. Tuy nhiên, thực tế, người dân Việt Nam cũng đóng góp một phần rất lớn, đó là công sức lao động và cả sự sáng tạo của bản thân mỗi người thợ.

Cầu Long Biên là biểu tượng của thời đại, được cả thế giới biết đến trong thế kỷ XX. Chúng ta có quyền tự hào khi nói Cầu Long Biên là do “Pháp xây dựng, Mỹ bắn phá, Việt Nam hàn gắn”. Vì vậy nên ứng xử thế nào để đáp ứng được tất cả mọi vấn đề về biểu tượng, lịch sử, văn hóa, giao thông, kinh tế xã hội chứ không đơn thuần chỉ là phê phán hay bác bỏ.

Đỗ Việt

Tin nổi bật