Một sinh viên Hòa Bình đang theo học tại trường Đại học Thương Mại bị phát hiện gian lận điểm thi năm 2018 đã chủ động viết đơn xin thôi học và được nhà trường trả lại học phí.
Tờ Dân Trí đưa tin, trong danh sách từ Sở GD&ĐT Hòa Bình gửi về trường ĐH Thương Mại có 1 thí sinh bị thay đổi điểm thi sau khi chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT.
Theo đó, điểm thực của thí sinh này thấp hơn điểm trúng tuyển vào trường. Được biết, thí sinh này đang theo học ngành Quản trị nhân lực.
Tuy nhiên, trước khi nhà trường nhận danh sách này, thí sinh đã làm đơn xin thôi học. Do vậy, nhà trường không có quyết định xử lý thí sinh nào ở tỉnh Hòa Bình.
Liên quan đến vụ việc trên, chia sẻ trên báo Lao Động, GS-TS Đinh Văn Sơn - Hiệu trưởng trường ĐH Thương mại cho biết về nguyên tắc khi sinh viên nào bị buộc thôi học thì nhà trường không có trách nhiệm phải thanh toán các khoản tài chính mà sinh viên đã nộp cho trường. Nhưng với trường hợp thí sinh này, nhà trường quyết định trả lại toàn bộ các khoản chi phí (học phí, các loại quỹ) mà thí sinh đã đóng từ đầu năm học đến nay.
Liên quan đến vụ án sửa điểm thi ở Hòa Bình, nhiều cán bộ ngành giáo dục đã bị khởi tố. |
Trước đó, trường ĐH Y Hà Nội đã xóa tên 1 thí sinh Hòa Bình học ngành Y Đa khoa vì điểm thực sau khi chấm thẩm định không trúng tuyển vào trường.
Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cũng đã xóa tên 2 sinh viên Hòa Bình không đủ điểm trúng tuyển vào trường.
Tương tự, Trường ĐH Ngoại thương đã ra quyết định xóa tên 2 sinh viên ở Hòa Bình và thu hồi quyết định trúng tuyển vì điểm thực không đủ điều kiện vào trường.
Liên quan đến vấn đề thí sinh “chạy điểm” chỉ bị trả về điểm thật mà không phải chịu kỷ luật gì khác, chia sẻ trên Vnexpress, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo), khẳng định xử lý gian lận thi cử phải đảm bảo hai yêu cầu là tạo sự công bằng và răn đe sai phạm.
"Thí sinh mang tài liệu vào phòng thi, chưa kịp sử dụng, nếu bị phát hiện thì lập tức bị đình chỉ, coi như hỏng thi năm đó. Trong khi đó, thí sinh được nâng điểm, kết quả gấp nhiều lần thực chất mà chỉ bị hạ điểm thì quá vô lý", ông Vinh nói.
Cũng chia sẻ với nguồn tin này, một lãnh đại đại học TPHCM quả quyết không thể nói thí sinh vô can trong gian lận thi cử, sửa điểm. "Ngay cả trường hợp tham gia thi nghiêm túc, cha mẹ hoặc người khác nâng điểm mà không hề hay biết thì đến lúc biết điểm thi, thí sinh dễ dàng nhận ra sự bất thường. Các em đã không dám tố cáo sai phạm nên có thể coi là đồng phạm", ông nêu quan điểm và đề nghị bất cứ bài thi nào bị phát hiện được nâng điểm thì phải hủy toàn bộ kết quả thi.
Hiện, thí sinh được nâng điểm chưa phải chịu bất kỳ hình thức kỷ luật nào. Phụ huynh, người thân - những người giao dịch, nhờ vả để nâng điểm cho con em - cũng vậy. Cơ quan công an mới khởi tố, tạm giam gần 20 người ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Họ là những cán bộ giáo dục, công an tham gia tổ chức thi THPT quốc gia 2018, từ chỉ đạo đến bảo quản bài thi, chấm thi...
Thu Hằng (T/h)