Liên quan đến việc nhiều người cho rằng nữ tài xế va chạm giao thông với nam thanh niên vào tối 5/3 đã đeo khẩu trang thổi nồng độ cồn, trao đổi với phóng viên Đời sống & Pháp luật, đại diện Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT, Công an Hà Nội) khẳng định, quá trình kiểm tra nồng độ cồn đối với nữ tài xế L.H.T. (SN 1988, ở Tây Hồ) được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
“Thông tin nữ tài xế vẫn đeo khẩu trang trong quá trình kiểm tra nồng độ cồn là thông tin không chính xác. Có thể do góc quay nên nhiều người cho rằng nữ tài xế đeo khẩu trang khi kiểm tra nồng độ cồn nhưng thực tế nữ tài xế này đã kéo khẩu trang lên khi thổi và cho ra kết quả nồng độ cồn là 0,573mg/lít khí thở”, đại diện Đội CSGT đường bộ số 6 thông tin.
Đeo khẩu trang có ảnh hưởng đến kết quả thổi?
Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, đeo khẩu trang khi thổi nồng độ cồn, đặc biệt là thay khẩu trang mới thổi chắc chắn sẽ làm giảm kết quả đo nồng độ cồn.
“Thậm chí đeo khẩu trang để thổi sẽ không ra hơi vào máy, vì khẩu trang cản được hơi nước và giọt bắn. Hơn nữa, bình thường khi đeo khẩu trang nhiều người có cảm giác khó thở. Chính vì thế, việc đeo khẩu trang sẽ giảm được hơi khi thổi vào máy khá nhiều”, BS Thiệu cho hay.
BS Thiệu phân tích, trong nhiều trường hợp, khi sử dụng rượu bia quá nhiều, sau đó đeo khẩu trang quá lâu rất có thể khiến khẩu trang ám hơi rượu, hơi cồn. Nên trong trường hợp này, rất có thể khi đeo khẩu trang thổi sẽ lên nồng độ cồn. Thậm chí khẩu trang đeo cả quá trình thì không những không giảm, còn có thể tăng do nồng độ cồn tích lũy trong quá trình hô hấp đọng lại trên bề mặt khẩu trang.
“Nên tùy vào trường hợp việc tăng giảm hay giữ nguyên là khó kiểm chứng”, BS Thiệu nói.
Đeo khẩu trang có làm giảm kết quả đo nồng độ cồn hay không còn phụ thuộc vào nhiều trường hợp. Ảnh minh hoạ
Vị bác sĩ cho hay, việc vừa sử dụng rượu bia trong vòng vài tiếng không thể xả hết được nồng độ còn trong cơ thể. Mặc dù rượu bia đào thải và chuyển hóa qua chính ở gan, nhưng có thể hỗ trợ quá trình chuyển hóa đào thải nhanh hơn qua phổi (khí thở) bằng cách nói nhiều hơn hoặc ca hát... ngoài ra kết hợp thêm bài tiết qua da, nước tiểu. Việc ngồi im 1 chỗ đeo khẩu trang vô tình làm quá trình chuyển hóa đào thải này lâu hơn...
“Nhưng hiện nay, vẫn chưa có ai cho đeo khẩu trang thổi. Trước đây mặc dù có đề xuất vì sợ lây các bệnh truyền nhiễm qua thổi. Tuy nhiên, đề xuất chỉ thay phễu thổi và không chấp thuận việc đeo khẩu trang khi thổi nồng độ cồn”, BS Thiệu nói.
BS Thiệu cho biết thêm, việc đeo khẩu trang thổi nồng độ cồn sẽ gây ra nhiều kết qủa không chính xác. Nhiều người cũng sẽ lợi dụng để thổi nhẹ hoặc giả vờ thổi. Như vậy nhiều trường hợp sử dụng rượu bia sẽ không được lực lượng chức năng phát hiện chính xác.
Nguyễn Lâm - Mộc Trà