Theo bản tin phát lúc 18h chiều ngày 8/4 của Ban Chỉ đạo Quốc gia cho biết, đến chiều nay không ghi nhận ca bệnh mắc mới COVID-19. Số ca bệnh hiện vẫn là 251 trường hợp, trong đó 126 trường hợp đã khỏi bệnh/ra viện.
Tổng số ca mắc: 251 trường hợp (156 người từ nước ngoài chiếm 62,6%; 95 người lây nhiễm thứ phát)
Số ca măc mới ngày 8/4: 0 ca (tính đến 18h00)
Số người cách ly: Tổng số người được cách ly đến 6h ngày 8/4 là 74.626 người, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện là 509 người (1%)
- Cách ly tại nhà, nơi cứ trú là 43.558 người (58%)
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác là 30.559 người (41%)
Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
- 04 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 8/4, bao gồm: 01 bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi (TP Hồ Chí Minh); 03 bệnh nhân tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh);
Như vậy, đến thời điểm này số ca bệnh mắc COVID-19 đã được chữa khỏi/ra viện ở nước ta là 126 trường hợp, bằng trên 50% số ca mắc hiện tại.
- Số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2: 25ca.
- Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2: 17 ca.
Ngày 8/4, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thống nhất phải kiên định với 5 nguyên tắc đã được thực hiện ngày từ những ngày đầu thực hiện phòng chống dịch COVID-19: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Đây là chiến lược không thay đổi, chúng ta phải quyết liệt thực hiện, không được chủ quan, mất cảnh giác.
Đến giờ phút này chúng ta vẫn đang kiểm soát dịch bệnh theo kịch bản dự báo và tới đây sẽ xuất hiện thêm các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tất cả các ca này đều phải coi là ổ dịch tiềm năng (F0), cùng với việc xác định nguồn lây, quan trọng hơn là phải thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng các đối tượng F1, F2 và dập dịch.
Ban Chỉ đạo yêu cầu các địa phương tăng cường thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” mở rộng đối tượng rà soát. Trước hết là người nước ngoài vào Việt Nam đang lưu trú tại nhà nghỉ, khách sạn chứ không chỉ ở các khu dân cư; cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam; những người Việt Nam làm việc trực tiếp với người nước ngoài từ các ổ dịch; những người nước ngoài vào Việt Nam du lịch tự do… Đối với người Việt Nam là những người từ nước ngoài về; những người đi đến hoặc đi qua vùng có ca nhiễm bệnh trong nước; những người có liên quan dịch tễ đến các ca bệnh; những người sống lang thang, liên quan đến tệ nạn xã hội.
Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế tổ chức lại hệ thống trong bệnh viện, nâng cấp các biện pháp phòng, chống dịch nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng. Bảo đảm đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân đạt chuẩn cho tất cả nhân viên y tế khi khám và điều trị cho người nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19.
Tất cả những người đến khám có biểu hiện nghi ngờ hoặc tiền sử dịch tễ chưa rõ ràng đều cần được coi là có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 (F1). Trường hợp người bệnh cấp cứu chưa khai thác được yếu tố nguy cơ thì ê kíp cấp cứu phải mang đầy đủ trang phục phòng hộ cá nhân như khi cấp cứu người nhiễm COVID-19. Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố kiểm tra nghiêm túc việc thực hiện tại các cơ sở y tế.
Trừ trường hợp bệnh nặng, cấp cứu, người dân cần liên hệ với cơ sở y tế để được hướng dẫn, đặt lịch hẹn khám trước… và thực hiện đầy đủ các quy định phòng bệnh của bệnh viện.
Ban Chỉ đạo cũng thống nhất nguyên tắc phải tăng cường bảo vệ cho các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh không chỉ công an, y tế, quân đội mà cả thành viên Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ tham gia phòng, chống dịch tại địa phương.
Ban Chỉ đạo trân trọng cảm ơn tất cả những người tình nguyện hiến máu, đặc biệt Bộ Công an đã huy động cán bộ, chiến sĩ hiến máu ủng hộ trong thời điểm khan hiếm máu. Ban Chỉ đạo kêu gọi các lực lượng khác, nhất là thanh niên, tình nguyện hiến máu để có đủ nguồn máu dự trữ cho công tác điều trị bệnh nhân.