Thời gian gần đây, đề xuất thay đổi giờ làm lên 8h30 đã nhận được nhiều luồng ý kiến từ dư luận. Trao đổi với phóng viên, nhiều chuyên gia giao thông đều đánh giá đề xuất là hợp lý, khoa học nhưng cần phải có lộ trình và tính toán thận trọng.
"Đổi giờ làm lên 8h30 là hợp lý, khoa học"
Liên quan đến đề xuất thay đổi giờ làm việc lên 8h30 và thời gian nghỉ trưa kéo dài 1 tiếng đối với khối hành chính, dịch vụ công và khối giáo dục công lập ở các đô thị của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, trao đổi với PV báo Đời sống & Pháp luật, ông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, chuyên gia về giao thông đô thị - cho hay: "Quan sát và xem xét giờ làm việc của Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, tôi thấy việc thay đổi giờ làm là rất khoa học. Vấn đề này tôi nghĩ từ lâu rồi mà chưa có cơ hội nói ra, nay các đại biểu nói ra được, tôi rất hoan nghênh."
Đề xuất thay đổi giờ làm để giảm ùn tắc nhận được những ý kiến trái chiều từ dư luận. |
Lý giải quan điểm, ông Liên lấy dẫn chứng, hiện nay, tại các cơ quan, tuy 7h30 vào làm nhưng các cuộc họp phải đến 8h30 hay 9h mới bắt đầu. "Tôi dự các cuộc hội thảo chưa thấy ai đến đúng giờ, họ thường lấy lý do tắc đường. Vậy bây giờ mình lùi lại hẳn đến 8h30 thì cái lý do đến muộn sẽ không còn nữa", chuyên gia giao thông chia sẻ.
Ngoài ra, ông Liên khẳng định việc nghỉ trưa kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Với giấc ngủ trưa quá lâu, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái ngủ sâu. Lúc đó, nếu bị đánh thức hay buộc phải thức dậy, cơ thể sẽ mệt mỏi, đờ đẫn…hiệu quả năng suất lao động buổi chiều sẽ giảm sút.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải cũng cho rằng trong thời điểm hiện nay thì đề xuất của đại biểu Cảnh có tính hợp lý.
Theo TS Thủy, việc thay đổi thời gian làm việc sẽ khiến thời gian buổi sáng cho mỗi gia đình tăng lên, từ đó người lao động có thể lo những công việc trước khi đi làm như đưa con đến trường, đi chợ sắm sửa,..Bên cạnh đó, thời gian nghỉ trưa cũng đồng thời giảm xuống.
"Tôi thấy các nước châu Âu thời gian nghỉ trưa khá ít khoảng 1 tiếng hay thậm chí vừa ăn cơm trưa xong đã làm việc luôn chứ không nghỉ ngơi. Tôi cho rằng làm như vậy sẽ tốt hơn việc kéo dài thời gian nghỉ trưa bởi nó gây ra nhiều thói quen không tốt như rượu chè, trà nước,...ảnh hưởng đến công việc buổi chiều", ông Thủy nhận định.
Ông Thủy chia sẻ thêm, nếu thay đổi giờ làm được áp dụng đồng bộ với thay đổi giờ học và cách nhau khoảng nửa tiếng hoặc một tiếng thì sẽ tránh được trùng lặp, giảm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm.
Thay đổi giờ làm là bài toán khó, cần phải có tính toán và lộ trình
Thật ra việc điều chỉnh giờ làm việc để chống ùn tắc giao thông không mới, ở các nước trên thế giới cũng đã có nhiều thành phố áp dụng và cũng có nơi thành công. Tại TP HCM, năm 2003 và năm 2009 cũng đã có 2 lần việc điều chỉnh giờ làm được đem ra bàn và đã làm thí điểm trước khi giải pháp này được cất vào… ngăn kéo.
Cách đây 5 năm, Hà Nội cũng đã đề xuất 10 quận ở Thủ đô, hai huyện Từ Liêm (nay được chia tách thành hai Quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm), Thanh Trì thay đổi thí điểm để giảm tình trạng ùn tắc giao thông. Cụ thể: Các trường học bắt đầu từ 7h sáng, trường mầm non từ 8h, các cơ quan công sở làm việc từ 8h, còn trung tâm thương mại dịch vụ mở cửa từ 9h..nhưng không hiệu quả, làm xáo trộn việc đi lại của người dân.
Do đó, để tránh thất bại như những lần trước, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên cho rằng thứ nhất, các cơ quan chức năng, các nhà khoa học phải tuyên truyền những lợi ích của việc thay đổi giờ làm để người dân biết và hiểu mà chấp hành. Bởi lẽ, việc thay đổi ít nhiều ảnh hưởng đến thói quen bao lâu nay của một nhóm người. Và muốn thay đổi một thói quen cần có thời gian.
Thứ hai, phải có lộ trình, không phải nói là làm ngay. Thay đổi một cái mới liên quan đến nhiều bộ ngành như Bộ Giáo dục, Bộ Y tế, doanh nghiệp…Lập kế hoạch chu đáo, đồng bộ các ngành các cấp để có thể đạt được hiệu quả cao nhất.
Đánh giá, đưa ra giải pháp tương đồng với nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, TS Nguyễn Xuân Thủy cũng nhận định thêm: "Nếu chúng ta nghiên cứu kỹ và triển khai cũng phải mất vài ba năm nữa, thậm chí đến năm 2019-2020 mới chỉ thực hiện được từng thay đổi nhỏ. Đây là ý kiến cá nhân của tôi thôi. Các cơ quan, xí nghiệp liên quan trực tiếp đến giờ giấc hiện nay cần phải tính toán kỹ, xem việc thay đổi nó ảnh hưởng và không ảnh hưởng đến gì, tốt và không tốt chỗ nào. Đây là một bài toán khá khó".
Như đã đưa tin trước đó, ngày 31/10, thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) đã đề xuất Chính phủ cho nghiên cứu đánh giá tính hiệu quả việc thay đổi khung giờ làm việc đối với khối hành chính dịch vụ công và khối giáo dục công lập ở các đô thị.
Theo đó, giờ làm việc bắt đầu từ 8h30, kết thúc lúc 17h, thời gian nghỉ trưa kéo dài một giờ. Riêng khối sản xuất, doanh nghiệp ngoài nhà nước sẽ tự quyết định giờ làm cho phù hợp với điều kiện kinh doanh của từng đơn vị.
Phân tích tác dụng của việc thay đổi thời gian làm việc và nghỉ trưa, ông Cảnh cho rằng lợi ích trước tiên là về giao thông. Nếu làm 8h30 thì không cần phải bố trí làm việc lệch giờ để giải quyết vấn đề giao thông. Mọi người trong gia đình có đủ thời gian để đi học, đi làm mà không gây ùn tắc, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Bên cạnh đó, hiệu quả của phương tiện giao thông công cộng cũng tăng lên đáng kể do số lượng xe buýt tăng lên gấp rưỡi hoặc gấp đôi khi so sánh quãng thời gian xe buýt có thể phục vụ cho người dân từ 6h đến 8h30 so với khoảng thời gian từ 6h đến 7h hoặc 7h30 như ngày nay.
Đề xuất của ông Cảnh ngay sau đó nhận được những ý kiến trái chiều từ dư luận.
Nguyễn Hà