(ĐSPL) - Việc tăng hạn mức cho một lần rút tiền tại ATM để giảm thời gian và chi phí rút tiền cho khách hàng...
Ngân hàng Nhà nước VN vừa đưa ra dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 36 quy định về trang bị, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động của máy giao dịch tự động ATM.
Dự thảo quy định các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không được áp đặt hạn mức cho một lần rút tiền tại ATM thấp hơn 5 triệu đồng đối với giao dịch nội mạng, quy định hiện nay là 2 triệu đồng.
Việc tăng hạn mức cho một lần rút tiền tại ATM để giảm thời gian và chi phí rút tiền cho khách hàng. Ngoài ra, tại nơi đặt ATM phải có số điện thoại và địa chỉ liên hệ của đơn vị quản lý vận hành ATM để khách hàng liên hệ khi gặp sự cố trong giao dịch.
Một trong những sửa đổi đáng chú ý nữa là quy định về thời gian phục vụ khách hàng của hệ thống ATM.
Theo đó Dự thảo Thông tư vẫn giữ nguyên quy định “Thời gian phục vụ khách hàng của hệ thống ATM là 24/24 giờ trong ngày và 7/7 ngày trong tuần” như hiện hành. Song bổ sung thêm quy định “Đối với máy ATM lắp đặt tại những địa điểm khách hàng chỉ có thể tiếp cận ATM trong những thời gian nhất định thì thời gian phục vụ của ATM tùy thuộc vào địa điểm lắp đặt ATM”.
Các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không được áp đặt hạn mức cho một lần rút tiền tại ATM thấp hơn 5 triệu đồng đối với giao dịch nội mạng. (Ảnh minh họa). |
Tại sao phải giới hạn số tiền rút?
Thông tin trên Trí thức trẻ, hiện nay, tùy thuộc vào chính sách của các ngân hàng mà họ giới hạn số tiền rút tối đa cho một lần giao dịch trên máy ATM. Có nhiều ngân hàng quy định cụ thể số tiền tối đa/tối thiểu cho mỗi lần giao dịch bằng thẻ ATM và số tiền tối đa/tối thiểu cho một ngày giao dịch bằng thẻ ATM. Thậm chí, có ngân hàng còn quy định số tờ tiền tối đa cho mỗi lần rút không phân biệt các mệnh giá.
Mục đích của việc quy định hạn mức sử dụng thẻ ATM còn là do các ngân hàng cố gắng hạn chế số lượng tiền rút ra của khách hàng. Ngân hàng mong muốn khách hàng để tiền trong tài khoản càng lâu và càng nhiều thì càng tốt. Đây là cách mà các ngân hàng muốn duy trì thanh khoản, đảm bảo ổn định nguồn tiền trong lưu thông.
Ngoài lý do tăng sự an toàn cho hệ thống ATM, tránh việc mất cắp như một số ngân hàng cho biết, thì việc quy định hạn mức thẻ ATM cũng là cách để ngân hàng thu thêm mức phí giao dịch của khách hàng.
Hiện nay, nhiều ngân hàng đã thu phí giao dịch ATM nội mạng. Các giao dịch ngoại mạng (liên ngân hàng) cũng đều mất phí giao dịch. Nếu khách hàng càng giao dịch nhiều lần, tức là thực hiện nhiều thao tác rút tiền thì mức phí phải trả cho ngân hàng càng lớn. Một số ngân hàng đang thu mức phí giao dịch nội mạng là 1.100 đồng/giao dịch và ngoại mạng là 3.300 đồng/giao dịch.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin