Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đề xuất sửa đổi quy định về khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến và không đúng tuyến

  • Việt Hương (T/h)
(DS&PL) -

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế đề xuất bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo được lên thẳng cấp chuyên môn cao.

Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng nay (24/10), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế.

Theo đó, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 40 điều về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật.

Dự thảo Luật thể hiện đầy đủ theo 4 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đó là: Điều chỉnh đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan. Điều chỉnh phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ bảo hiểm y tế và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn. Điều chỉnh các quy định bảo hiểm y tế có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Phân bổ sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, dự án Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định cần thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, khắc phục các bất cập của luật hiện hành có tính cấp bách, có đầy đủ thông tin, dữ liệu, đạt được sự đồng thuận.

Trong đó có các quy định về chuyển từ 4 tuyến khám bệnh, chữa bệnh sang 3 cấp chuyên môn kỹ thuật để kịp thời có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 đồng bộ với Luật khám bệnh, chữa bệnh.

Dự án Luật thể hiện rõ tinh thần cải cách hành chính, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh, giảm hồ sơ giấy tờ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phân cấp, phân quyền tối đa, tạo thuận lợi cho người dân, cơ quan, tổ chức (phân cấp phân quyền 3 nội dung, cải cách 9 thủ tục), bảo đảm bình đẳng giới, phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày tờ trình. (Ảnh: Media Quốc hội)

Về một số nội dung đáng chú ý, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay, dự thảo Luật sửa đổi quy định về khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến và không đúng tuyến (thông tuyến) được cập nhật theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.

Bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho quỹ.

Sửa đổi quy định về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế để đồng bộ với quy định về cấp chuyên môn kỹ thuật theo hướng tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và phân cấp, phân quyền cho Sở Y tế về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và phân bổ thẻ bảo hiểm y tế.

Bổ sung cơ chế thanh toán điều chuyển thuốc trong trường hợp đã mua sắm theo các quy định thuận tiện nhất của Luật Đấu thầu mới nhưng vẫn thiếu thuốc nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc và bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, không để người bệnh phải tự mua và được bảo đảm quyền lợi.

Điều chỉnh giảm 1% tỷ lệ chi phí quản lý quỹ bảo hiểm y tế từ 5% còn 4% để tăng chi trực tiếp cho khám bệnh, chữa bệnh từ 90% lên 91% từ đầu năm, tiết kiệm thủ tục, thời gian phân bổ, điều chỉnh kinh phí...

Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung và thấy rằng, nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với mục đích, yêu cầu xây dựng Luật.

Các điều khoản được sửa đổi bám sát với 4 chính sách đã được thông qua tại đề nghị xây dựng Luật.

Đối với những chính sách quy định mở rộng hơn so với chính sách được nêu tại đề nghị xây dựng Luật, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng, rà soát để hạn chế tối đa những nội dung còn nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau làm ảnh hưởng đến tiến độ thông qua dự án Luật.

Đồng thời, rà soát về văn phong, kỹ thuật soạn thảo văn bản để bảo đảm các quy định của dự thảo Luật rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng, đúng thể thức theo quy định; hạn chế việc quy định trong Luật những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành.

Tin nổi bật