Sáng 27/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Phó đoàn Bến Tre) cho biết trên thực tế, lao động nữ mang thai được chỉ định khám thai định kỳ để đảm bảo sức khỏe trong suốt quá trình mang thai.
Tùy theo sức khỏe của thai phụ, sự phát triển của thai nhi, bác sĩ chuyên khoa sẽ có chỉ định 30 ngày một lần hoặc ngắn hơn. Tuy nhiên theo quy định hiện hành và dự thảo Luật, lao động nữ chỉ được nghỉ việc đi khám thai tối đa 5 lần.
"Nếu thai phát triển bình thường thì phù hợp, nhưng thai phát triển không bình thường thì bác sĩ chỉ định sau 1 tuần, 10 ngày, 15 ngày, phải đi tái khám để bác sĩ theo dõi", bà nói.
Do đó, quy định không quá 5 lần như dự thảo Luật là chưa phù hợp. Để đảm bảo điều kiện chăm sóc sức khỏe cho lao động nữ đang mang thai, đại biểu đề nghị xem xét lao động có thể lựa chọn nghỉ tối đa 5 lần, mỗi lần không quá 2 ngày hoặc nghỉ 9-10 lần trong thai kỳ.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến Nhi. (Ảnh: quochoi.vn)
Cũng thảo luận nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho biết, trong quá trình tiếp xúc cử tri, nhất là cử tri công nhân lao động đều đề nghị tăng số lần nghỉ khám thai.
Theo đại biểu, việc quy định này cần căn cứ vào những yêu cầu về chăm sóc và thăm khám sức khỏe thai kỳ theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Hiện nay, theo khuyến cáo thông thường, trong thai kỳ người phụ nữ cần đi khám thai ít nhất là 8 lần vào mốc thời gian nhất định.
Vì vậy, đại biểu đề nghị với nội dung này cần tham khảo thêm ý kiến chuyên gia quy định về số lần được nghỉ khám thai của lao động nữ và cần phải đảm bảo ít nhất số lần tối thiểu phải khám thai theo khuyến cáo của y tế. Điều này vừa mang tính nhân văn và vừa đáp ứng được đông đảo nguyện vọng của cử tri.
Đồng tình với quan điểm của 2 nữ đại biểu, ông Nguyễn Tri Thức (Đoàn ĐBQH TP.HCM) dẫn quy định Tổ chức Y tế thế giới và nêu rõ một chu kỳ khám thai gồm 5 lần.
"Dư thảo luật nên chia ra hai trường hợp là thai bình thường và thai bệnh lý. Với thai bình thường là 5 lần nghỉ, mỗi lần 2 ngày, nhưng có thể cho người lao động lựa chọn nghỉ liên tiếp hoặc cách ngày, do họ thường phải chờ kết quả xét nghiệm để khám tiếp", đại biểu góp ý.
Đối với trường hợp thai bệnh lý, ông Thức đề xuất dự thảo luật cho phép bác sĩ quyết định để thai phụ được nghỉ bao nhiêu lần để phù hợp với tình trạng bệnh.
Theo dự thảo, lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con 6 tháng. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con sẽ được nghỉ thêm một tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.
Lao động nam đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc; khi vợ sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi thì được nghỉ 7 ngày làm việc. Trường hợp vợ sinh đôi thì chồng được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc.
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tháng 10/2023, dự kiến thông qua ngày 25/6 và có hiệu lực từ 1/7/2025.