Hà Nội là Thủ đô của cả nước, có lượng ô tô, xe máy lớn. Khí thải mỗi ngày gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đặc biệt là không khí. Chính vì thế, câu chuyện kiểm soát khí thải là một vấn đề được quan tâm.
Trong kỳ họp thứ 15 HĐND TP. Hà Nội, Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Tổng biên tập báo Kinh tế và Đô thị - cơ quan ngôn luận của UBND TP. Hà Nội, tổ đại biểu Thanh Xuân) đã phát biểu thảo luận, trong đó có việc đề xuất Hà Nội cần ban hành một nghị quyết riêng quy định về kiểm soát khí thải ô tô, xe máy. Để hiểu rõ hơn về đề xuất này, PV tạp chí ĐS&PL đã phỏng vấn ông Nguyễn Minh Đức để làm rõ hơn về đề xuất này.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức. |
Là người cho rằng Hà Nội cần có nghị quyết riêng quy định về kiểm soát khí thải ô tô, xe máy, xin ông cho biết lý do nào mà ông đưa ra đề xuất này?
Ông Nguyễn Minh Đức: Đầu năm 2020, trên thế giới bùng phát đại dịch Covid-19. Trong những ngày giãn cách xã hội, các phương tiện ít đi lại trên đường, chúng ta thấy rõ được mức độ ô nhiễm không khí giảm rõ rệt. Từ đó, có thể thấy rất rõ khí thải từ xe máy, than tổ ong, đốt rơm rạ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường.
Cùng với thực hiện tốt thu gom rác, xử lý rác là vấn đề kiểm soát khói bụi từ đốt rơm rạ, than tổ ong và đặc biệt là khí thải từ ô tô, xe máy. Thành phố Hà Nội cần có kế hoạch sớm để thực hiện nội dung này. Về mặt pháp lý, nếu luật Giao thông đường bộ chưa có quy định thì Hà Nội cần ban hành một nghị quyết riêng quy định về kiểm soát khí thải ô tô, xe máy.
Đặc biệt, Hà Nội là thành phố lớn, nên việc kiểm soát khí thải là điều đương nhiên chúng ta phải làm.
Đề xuất kiểm soát khí thải ô tô, xe máy đã có ở các tỉnh, thành. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định việc kiểm định không khả thi do có nhiều xe đã quá cũ?
Ông Nguyễn Minh Đức: Thực trạng nhiều xe máy cũ gây ô nhiễm môi trường rất lớn thì ai cũng biết và rõ ràng việc kiểm soát xe máy cũ là cấp thiết. Trước hết cần xây dựng các quy chuẩn về khí thải ô nhiễm.
Nhiều người băn khoăn về việc kiểm soát xe máy cũ, vì họ cho rằng đa số xe máy cũ là phương tiện của người nghèo. Tôi nghĩ chúng ta đã hiểu sai về việc này. Không nên đánh đồng xe máy cũ là của người nghèo, và sợ người nghèo không có tiền mang xe đi kiểm định. Chúng ta cần học tập thế giới, thay đổi xe máy cũ bằng cách hỗ trợ người dân phương tiện đi lại. Trước kia, chúng ta đã từng làm, như việc hỗ trợ thay đổi xe công nông, xe ba gác thành xe chuyên dụng ít ô nhiễm khác. Chỉ cần chúng ta đồng lòng thì mọi chuyện ắt sẽ có cách giải quyết.
Hà Nội là cửa ngõ giao thông, việc kiểm soát khí thải phương tiện giao thông là rất cần thiết. |
Xe máy cũ là một vấn đề, còn việc Hà Nội là cửa ngõ giao thông, rất nhiều phương tiện ra, vào. Việc kiểm soát khí thải dường như là một điều vô cùng khó khăn?
Ông Nguyễn Minh Đức: Gần đây, Hà Nội đã và đang nỗ lực cải thiện chất lượng không khí. Ngoài việc hạn chế đốt rơm rạ tại các vùng ngoại thành, hay sắp tới sẽ tiến hành xóa bỏ bếp than tổ ong trong nội thành và các vùng, TP đã cho lắp đặt các trạm quan trắc đo đạc ô nhiễm không khí tại nhiều điểm quận, huyện để kiểm soát ô nhiễm.
Chính vì thế, tại Hà Nội, việc kiểm soát khí thải ô nhiễm môi trường ở các phương tiện cũng đang tiến hành, trước mắt như chúng ta đã thấy là việc kiểm định ô nhiễm khí thải ở ô tô từ đầu năm đến nay.
Ông có thể nói rõ hơn?
Ông Nguyễn Minh Đức: Việc kiểm soát khí thải ở xe máy muốn thành công thì cần có chế tài. Tôi được biết, bộ GTVT và bộ TN&MT đang nghiên cứu về việc này. Rõ ràng, chúng ta cần có quy định và quy chuẩn phù hợp với Việt Nam.
Người nghèo hay người giàu đều có nhu cầu như nhau, cũng được hưởng chung bầu không khí trong lành, đảm bảo sức khỏe. Đối với môi trường trong lành không phân biệt đối xử. Mỗi công dân tại Hà Nội cần có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn bầu không khí trong lành, đảm bảo sức khỏe cho mỗi người.
Việc đưa ra chế tài là một chuyện, nhưng nhận thức của người dân lại là chuyện khác. Có nhiều câu chuyện, khi đưa ra chính sách nhưng người dân không đồng thuận, thì không đạt được kết quả như ý muốn?
Ông Nguyễn Minh Đức: Ở các tỉnh thành khác thì tôi không dám nói, tuy nhiên ở Hà Nội người dân sinh sống ở đây hầu hết là những người có tri thức, có nhận thức cao. Chỉ cần cơ quan chính quyền tuyên truyền, vận động đúng cách thì mọi việc đều được đồng thuận.
Mọi câu chuyện đều xuất phát từ nhận thức, người dân Hà Nội đã đồng thuận với mục tiêu thì mọi chuyện sẽ rất dễ dàng. Tuy nhiên, nhận thức là một chuyện, việc còn lại là của các cấp chính quyền trong vấn đề đưa ra chính sách, đưa ra chế tài phù hợp với tình hình chung của cả nước, của Hà Nội.
Ông tự tin đề xuất này bao nhiêu phần trăm sẽ được thông qua?
Ông Nguyễn Minh Đức: Việc thông qua sẽ là câu chuyện dài, nhưng tôi rất mong mỏi bộ GTVT, bộ TN&MT cần ra chính sách sớm, sau đó mới tính đến chuyện tuyên truyền. Vấn đề nào cũng thế, ban đầu rất khó, nhưng chỉ cần có quyết tâm thì mọi chuyện sẽ thành công. Các cơ quan chức năng cần mạnh tay và quyết tâm thực hiện trên dưới đồng lòng thì khó mấy cũng sẽ hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!
Trên địa bàn TP.Hà Nội tính đến quý I/2019 đang có gần 6,7 triệu ô tô, xe máy, trong đó ô tô gần 740.000 chiếc và khoảng 5,7 triệu chiếc xe máy. Số liệu của CSGT Công an Hà Nội cho thấy, từ trong năm 2017, số lượng phương tiện tăng 5,3%; đến năm 2018 tăng 4,2% và năm 2019 so với 2018 tăng 1,5%. |
Lê Liên
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 5 (114)