Theo VnExpress, thông tin được ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra tại Hội thảo lấy ý kiến chuyên môn để xây dựng Luật nhà giáo, do Bộ tổ chức sáng 19/1.
Ông Đức cho biết Luật nhà giáo dự kiến bao quát, đề cập 5 vấn đề: định danh nhà giáo; xác định tiêu chuẩn và chức danh; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh; quản lý nhà nước về nhà giáo.
Ông Vũ Minh Đức tại hội thảo góp ý xây dựng Luật nhà giáo, sáng 19/1. Ảnh: VnExpress
Trong đó, nhà giáo được định danh là người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo theo quy định, làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân (cả trường công, tư).
Chức danh là mức độ đạt được về phẩm chất và năng lực của nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp, dự kiến gồm 3 mức: giáo viên/giảng viên - giáo viên/giảng viên chính - giáo viên/giảng viên cao cấp. Nhà giáo được bổ nhiệm chức danh sau tuyển dụng, được xét lên hạng cao hơn, xét bổ nhiệm lại, xét chuyển chức danh khi thay đổi công việc.
Chuẩn nghề nghiệp được thể hiện qua giấy chứng nhận, do cơ quan có thẩm quyền cấp nhưng Bộ chưa nêu cụ thể.
Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo được cấp miễn phí, có giá trị trong toàn quốc và suốt quá trình làm việc của nhà giáo, trừ khi bị thu hồi hoặc đình chỉ (vi phạm kỷ luật, không hoàn thành nhiệm vụ hai năm liên tục,...). Giấy chứng nhận nghề nghiệp thay thế quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự và chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay.
Người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng yêu cầu sẽ được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp để hoạt động. Ảnh: VietNamNet
Ngoài ra, nhà giáo có thể dạy liên trường, dạy theo chế độ thỉnh giảng tại trường khác; khi thuyên chuyển đến nơi khác không phải tập sự. Giấy chứng nhận nghề nghiệp còn tạo thuận lợi trong thuyên chuyển giáo viên khu vực công - tư, đảm bảo đồng đều về chất lượng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị Luật nêu rõ lương nhà giáo được ưu tiên cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Trước đó, theo VietNamNet, tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp phiên chuyên đề pháp luật tháng 6/2023, trong đó xem xét tờ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trình bày tờ trình, báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ, ý kiến trao đổi của các Bộ trưởng thành viên Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kết luận: thống nhất với tờ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạ về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo, về các chính sách dự kiến đưa vào nội dung của luật.
Nguyễn Linh (T/h)