Thời gian qua, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới liên tục xu hướng tăng, giá xăng dầu trong nước đã có sự điều chỉnh theo cơ chế thị trường. Cùng với đó, ngày 23/9, Bộ Tài chính đã có Công văn số 9691/BTC-CST lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và tổ chức, cá nhân có liên quan về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, thuế GTGT đối với xăng, dầu. Cụ thể, theo đề xuất của Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh giảm tối đa 50% mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm tối đa 50% mức thuế giá trị gia tăng đối với xăng các loại.
Cũng theo Bộ tài chính, việc giá cơ sở xăng dầu giảm trong các kỳ điều chỉnh gần đây đã góp phần ổn định mặt bằng giá, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, trong thời gian tới, giá xăng dầu trên thị trường thế giới dự báo sẽ tiếp tục diễn biến khó lường, khó dự báo.
Ảnh minh họa.
Trao đổi với PV ĐS&PL, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương đã có những phân tích cụ thể về tình hình thị trường xăng dầu cũng như đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT với xăng dầu.
PV: Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, theo ông vì sao giá xăng dầu tại Việt Nam thời gian qua liên tục tăng?
TS Lê Đăng Doanh: Xăng dầu là nguồn năng lượng chủ yếu, là mặt hàng chiến lược, có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, nó tham gia vào hầu hết các lĩnh vực: Hoạt động sản xuất, giao thông vận tải, thương mại, dịch vụ và đời sống xã hội. Đối với Việt Nam, chúng ta phải nhập khẩu trên 70% xăng dầu cho nhu cầu tiêu thụ trong nước cho nên giá xăng dầu nội địa phụ thuộc rất lớn vào thị trường xăng dầu thế giới. Do đó, chúng ta phải chấp nhận sự thông thương giữa giá xăng dầu trong nước và thế giới, lên cùng lên, xuống cùng xuống, chứ không đặt ranh giới xăng dầu trong nước với thế giới.
Việc chúng ta để giá xăng dầu thấp hơn so với thị trường thế giới có thể gây ra những vi phạm về các nguyên tắc thị trường, cũng như vi phạm các cân đối mà chúng ta đang cố gắng thực hiện. Tình trạng buôn lậu xăng dầu cũng diễn ra tràn lan.
Đặc biệt, xăng dầu là mặt hàng hết sức nhạy cảm, yếu tố chính trị có tác động rất lớn đến sự tăng giảm. Trong khi đó, tình hình chính trị trên thế giới thời gian qua có những diễn biến phức tạp, nhất là tại các nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nên đã tác động đến nguồn cung dầu, đẩy giá xăng dầu thế giới tăng lên. Bởi vậy, sự biến động theo chiều hướng tăng của giá xăng trong nước trong thời gian gần đây là khá dễ hiểu và hoàn toàn theo quy luật thị trường...
PV: Quan điểm của Tiến sĩ về đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, giảm 50% thuế GTGT với xăng, dầu của Bộ Tài chính?
TS Lê Đăng Doanh: Tôi rất hoan nghênh đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, giảm 50% thuế GTGT với xăng, dầu của Bộ Tài chính. Mặc dù, ngân sách Nhà nước còn khó khăn nhưng đề xuất này không chỉ có ý nghĩa lớn mà còn thể hiện sự đồng hành, sẻ chia thiết thực của Nhà nước đối với khó khăn của doanh nghiệp và người dân và giúp kiềm chế lạm phát. Rõ ràng, nếu giá xăng dầu tăng quá cao so với khả năng chịu đựng của nền kinh tế, người dân sẽ tạo lập mặt bằng giá mới, áp lực tăng giá chi phí đẩy, nguy cơ lạm phát cao
Chính vì vậy, việc hy sinh 1 nguồn thu ngân sách có thể giảm thu thuế xăng dầu trong ngắn hạn, nhưng lại đảm bảo mục tiêu trung - dài hạn phục hồi kinh tế, phát triển bền vững.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh.
PV: Đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, giảm 50% thuế GTGT với xăng, dầu của Bộ Tài chính có gây ảnh hưởng thế nào đến nguồn thu ngân sách, thưa Tiến sĩ?
TS Lê Đăng Doanh: Việc giảm thuế suất bất cứ sắc thuế nào cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu. Song, trong bối cảnh đặc biệt như hiện nay, cần đánh giá tổng thể thiệt - hơn giữa việc giảm thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cho người dân rộng hơn là cả nền kinh tế, với việc giữ thuế suất cao khiến doanh nghiệp không còn lợi nhuận, không đóng góp được trở lại vào ngân sách.
Nếu giải pháp hỗ trợ, cứu trợ đủ sức kích thích doanh nghiệp hồi phục và phát triển tốt thì có khả năng sẽ bù đắp được đáng kể cho nguồn thu ngân sách thông qua đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. Từ đó, nguồn ngân sách cũng có sự ổn định hơn.
PV: Những mặt tích cực của việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, giảm thuế GTGT đối với xăng dầu trong khi thị trường thế giới dự báo sẽ tiếp tục diễn biến khó lường, khó dự báo là gì, thưa Tiến sĩ?
TS Lê Đăng Doanh: Như đã nói, xăng, dầu là hàng hóa thiết yếu mà bất kể người dân, doanh nghiệp nào cũng phải sử dụng. Việc giảm thuế xăng, dầu thì người dân là nhóm đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này. Việc giảm thuế TTĐB đối với xăng, giảm thuế GTGT đối với xăng dầu sẽ góp phần giảm giá các mặt hàng, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu thụ xăng, dầu cũng như giảm các chi phí gián tiếp từ các sản phẩm tiêu dùng khác.
Đối với các ngành sản xuất cũng như các doanh nghiệp có sử dụng xăng dầu là đầu vào của hoạt động sản xuất như giao thông vận tải, vận chuyển, đánh bắt thủy sản, dịch vụ khí đốt, sản xuất hóa chất có sử dụng nguyên liệu từ xăng dầu... sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi chính sách được ban hành. Việc giảm thuế TTĐB đối với xăng, giảm thuế GTGT đối với xăng dầu sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Khánh Ngân