Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đề xuất duy trì giảm 2% thuế VAT trong năm 2023 để hỗ trợ cho người lao động, doanh nghiệp và tạo nền tảng ổn định phát triển kinh tế

(DS&PL) -

Như chúng ta đã biết, chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với hầu hết các nhóm hàng hóa, dịch vụ trong năm 2022. Đây được đánh giá là một quyết sách kịp thời trong nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế phục hồi trong và sau đại dịch.

2022 - Kiềm chế lạm phát thành công

Cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác, có thể nói chính phủ đã lèo lái con thuyền kinh tế Việt nam lướt đi khá êm trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Tăng trưởng GDP cả năm kì vọng ở con số 8% với nhiều điểm sáng như xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, sản xuất công nghiệp, v.v..

Đặc biệt, lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 4%, có thể coi đây là thành công khi so sánh với các năm trước hay khi nhìn ra thế giới đang trong vòng xoáy lạm phát - nhiều quốc gia đang phải chống chọi với mức lạm phát 2 con số.

Đóng góp trong thành công ấy, không thể không kể đến Nghị định 15 giảm thuế suất VAT nêu trên. Mức thuế giảm trên hầu hết các mặt hàng tiêu dùng đã tác động trực diện đến mặt bằng giá cả hàng hóa, giúp kìm được cả giá thành và do đó kéo theo giá bán hàng hóa không tăng sốc.

2023 – Lạm phát tiếp tục là bài toán khó

Nhưng thành tích nêu trên có lẽ sẽ có thể khó giữ được trong năm 2023.  Không khó để thấy những dự báo bi quan khắp các mặt báo. Thế giới tiếp tục trong cơn bão lạm phát, suy giảm việc làm, nguy cơ suy thoái kinh tế hiển hiện. Một nền kinh tế mở như Việt nam chắc chắn sẽ chịu tác động sâu sắc, dù có thể tác động đến muộn hơn do nhiều nguyên nhân. Hiện nay, ngay trước thời điểm Tết nguyên đán, hàng ngàn lao động bị mất việc làm do những khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt vì thiếu đơn hàng, do tác động lâu dài của đại dịch Covid…

Do đó, kiềm chế lạm phát để duy trì đà tăng trưởng sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu của chính phủ trong thời gian tới.Các công cụ kiềm chế lạm phát truyền thống như thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa thận trọng có lẽ sẽ tiếp tục được sử dụng. Nhưng một trong số những công cụ trực tiếp vừa chứng minh hiệu quả tức thời trong 2022 này: giảm thuế VAT với hàng hóa – càng cần được xem xét tới.

Duy trì chính sách giảm VAT: hiệu quả đến đâu?

Hiệu quả giảm lạm phát – mối lo có thể nói là lớn nhất trong 2023 – đã được thực tế 2022 chứng minh. Mặc dù chưa có những đánh giá định lượng chính xác từng biện pháp tác động thế nào đến chỉ số giá tiêu dùng, nhưng có thể khẳng định giảm thuế VAT góp phần không nhỏ trong việc giảm cơn tăng giá hàng hóa.

Nhưng chính sách giảm VAT còn mang lại nhiều hơn thế. Người hưởng lợi sẽ là toàn xã hội, từ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cho đến từng cá nhân.

Với những người bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, hay những người giảm thu nhập do mất việc làm, giảm thuế VAT giúp họ giảm gánh nặng chi tiêu. Đối với nhóm người tiêu dùng còn lại, giá cả hàng hóa giảm do thuế giảm chính là một yếu tố kích thích tiêu dùng hiệu quả.

Về phía các doanh nghiệp, thuế giảm dẫn đến giá thành giảm, nhờ đó doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí, giảm giá bán, thúc đẩy gia tăng doanh số.

Đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp chưa hoàn toàn “khỏe” lại sau đại dịch, dễ bị cuốn theo những cơn gió được dự báo không lành của nền kinh tế thế giới, việc duy trì chính sách giảm VAT thực sự là một liều thuốc giúp doanh nghiệp tăng sức đề kháng trong thời gian tới. Và tất nhiên, doanh nghiệp khỏe là nền kinh tế khỏe, kéo theo tất cả người lao động và người dân nói chung cùng khỏe.

Hơn thế, những mặt hàng được áp giảm VAT hầu hết là hàng tiêu dùng, trong khi các hạng mục dịch vụ và các mặt hàng được hưởng lợi trong đại dịch sẽ không được hưởng mức thuế ưu đãi. Điều này giúp cán cân nền kinh tế cân bằng hơn, các ngành nghề còn gặp khó vẫn tiếp tục được hỗ trợ để phát triển.

Ngoài ra, chính sách giảm thuế này cũng tác động đến an sinh xã hội, gián tiếp tác động đến tâm lý người dân, doanh nghiệp, và do đó tạo nền tảng ổn định phát triển kinh tế.

Duy trì chính sách giảm thuế VAT: sẽ gây ra những khó khăn gì?

Khó khăn trực tiếp là thu thuế giảm, dẫn đến thu ngân sách giảm.

Nhưng bài toán thu ngân sách có thể có nhiều lời giải. Chính phủ đã tìm được nhiều giải pháp thay thế trong 2022 như truy thu thuế thu nhập cá nhân, đánh thuế bất động sản hợp lý hơn, sử dụng các công cụ quản lý thuế hiệu quả, v.v.. Kết quả là, thu ngân sách năm 2022 vẫn tăng trưởng tốt.

Và vì thế, có nhiều kì vọng rằng chính phủ sẽ xoay xở được các phương án để bù thu trong năm 2023 nếu vẫn giảm VAT. Dù dự báo có những khó khăn, chẳng hạn như thuế từ bất động sản có thể giảm đáng kể trong năm 2023. Nhưng đã có những biện pháp được bàn thảo tới, như đổi mức thuế suất, hay đơn giản là đánh thuế với bất động sản cho thuê, bất động sản đầu cơ, v.v.. Vì vậy, những khó khăn đối với ngân sách có lẽ không quá lớn.

Trước đây cũng có những lo ngại về sự xáo trộn, khó khăn trong kê khai và tính thuế khi áp mức thuế suất mới, hay khó khăn trong công tác quản lý, theo dõi nộp thuế, nhưng thực tế sau vài tháng áp dụng, gần như hoạt động kê khai, nộp và thu thuế đã đi vào ổn định.

Đặt lên bàn cân những mặt lợi và hại nếu duy trì chính sách giảm thuế VAT 2% trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức, có thể thấy câu trả lời khá rõ.

Có lẽ vì vậy mà khá nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực kinh tế, tư vấn chính sách như ông Đậu Anh Tuấn (Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI), chuyên gia kinh tế, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, v.v. đều đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế VAT trong năm 2023.

Tin tưởng và hi vọng rằng chính phủ sẽ có những nghiên cứu kĩ lưỡng, chuyên sâu hơn để đưa ra giải pháp chính xác, hợp lý nhất trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy lùi mối lo lạm phát trong năm 2023!

Thu Hà

Tin nổi bật