(ĐSPL) - Sau loạt bài “Thâm nhập đường dây núp bóng từ thiện kiếm lời” đăng trên báo, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra toàn diện một số trung tâm dạy nghề, bảo trợ xã hội đóng trên địa bàn tỉnh.
Đề xuất giải thể Trung tâm Dạy nghề từ thiện và Bảo trợ xã hội Ngọc Thoa
Sáng ngày 10/1, ông Trịnh Văn Thế - Chánh Thanh tra TP Thanh Hóa cho biết, sau hơn hai tháng thẩm tra, xác minh, cơ quan chức năng đã có kết luận về hàng loạt sai phạm tại Trung tâm Dạy nghề từ thiện và Bảo trợ Xã hội Ngọc Thoa (gọi tắt là Trung tâm Ngọc Thoa) mà trước đó báo phản ánh.
Theo đó, kết luận số 4932 do Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa Đào Trọng Quy nêu rõ: Trung tâm Ngọc Thoa được thành lập theo quyết định số 1711/QĐ-CT ngày 14/6/2006 của UBND TP Thanh Hóa. Đây là cơ sở đào tạo nghề ngắn hạn trong hệ thống giáo dục quốc dân, có tư cách pháp nhân (loại hình cơ sở dạy nghề tư thục). Giám đốc trung tâm là ông Cao Ngọc Thoa, địa điểm tại 20 phố
Tây
Ga
Trung tâm dạy nghề từ thiện và bảo trợ xã hội Ngọc Thoa với hàng loạt sai phạm nên bị đề nghị giải thể. |
Tháng 6/2007, UBND TP Thanh Hóa ban hành quyết định về việc bổ sung chức năng bảo trợ xã hội người tàn tật và trẻ em mồ côi cho Trung tâm Ngọc Thoa.
Tại thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra, ngoài 2 quyết định trên, giám đốc Cao Ngọc Thoa không cung cấp được quy chế tổ chức, hoạt động của trung tâm, không có hồ sơ, sổ sách ghi chép việc thu chi tài chính và các hoạt động tổ chức dạy nghề, bảo trợ xã hội theo chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm.
Ghi nhận thực tế về điều kiện cơ sở vật chất dạy nghề, tại Trung tâm Ngọc Thoa có 1 phòng diện tích khoảng 25m2 bố trí 15 máy may công nghiệp, có 8 trẻ là người khuyết tật, trẻ mồ côi đang gấp vàng mã; không có hoạt động dạy nghề, sản xuất bất kỳ sản phẩm nào khác.
Qua kiểm tra, xác minh thì Trung tâm Ngọc Thoa cũng không tiến hành đăng ký thủ tục tạm trú cho các trẻ mà trung tâm khai báo đang nhận nuôi dưỡng. Giám đốc Thoa có cung cấp danh sách 5 giáo viên dạy may công nghiệp nhưng không có hồ sơ kèm theo.
Ông Cao Ngọc Thoa - Giám đốc trung tâm. |
Trước đó, theo kết luận của Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa thì Trung tâm Ngọc Thoa có cấp giấy giới thiệu (GGT) cho các trẻ khuyết tật đi bán các sản phẩm như bút, đũa, cặp ba dây… như báo phản ánh là đúng. Mặc dù trước đó, vào ngày 23/4/2102 Sở này đã có công văn gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các phòng chuyên môn có liên quan và các tổ chức người khuyết tật trên địa bàn không cấp GGT cho người khuyết tật đi bán hàng trong và ngoài tỉnh.
Ngày 19/9/2016, Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa cũng đã ban hành quyết định về việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề của trung tâm, lý do thu hồi: không đủ điều kiện hoạt động dạy nghề về cơ sở vật chất, trang thiết bị, giáo viên, chương trình dạy nghề…
Về xử lý trách nhiệm, Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa Đào Trọng Quy nêu rõ: yêu cầu phòng LĐ-TB&XH TP, UBND phường Phú Sơn chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với tập thể, cá nhân được giao phụ trách, theo dõi do chưa thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình tổ chức và hoạt động của Trung tâm Ngọc Thoa từ khi thành lập cho đến nay.
Về biện pháp khắc phục, UBND TP giao phòng LĐ-TB&XH TP tham mưu cho Chủ tịch UBND TP ban hành quyết định giải thể đối với trung tâm Dạy nghề Từ thiện và Bảo trợ Xã hội Ngọc Thoa.
Sẽ thu hồi GCN đăng ký chi nhánh HTX Nhân Đạo Tháng Năm
Theo kết luận số 4931 của Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa thì Trung tâm Dạy nghề, tạo việc làm cho trẻ mồ côi và người khuyết tật chi nhánh của HTX Nhân Đạo Tháng Năm – được phòng Tài chính - Kế hoạch TP cấp GCN đăng ký chi nhánh HTX lần đầu vào ngày 10/10/2014. Người đại diện là bà Nguyễn Thị Hiền, chức vụ giám đốc, địa chỉ giao dịch số 46 Lê Bá Giác, khu phố Nguyễn Sơn, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa. Ngành nghề kinh doanh là dạy nghề và tạo việc làm cho trẻ mồ côi và người khuyết tật, gồm các nghề thủ công mỹ nghệ, dạy chữ ký hiệu cho người khiếm thính. HTX chủ quản là HTX Nhân Đạo Tháng Năm (do bà Vũ Thị Thúy – mẹ ruột bà Hiền làm Chủ tịch HĐQT).
Để có giấy giới thiệu này, một người dân phải bỏ ra mua 600.000 đồng từ bà Nguyễn Thị Hiền - giám đốc trung tâm. |
Đoàn Thanh tra đã tiến hành làm việc với Trung tâm nhưng người đại diện theo pháp luật là bà Nguyễn Thị Hiền vắng mặt. Trung tâm không cung cấp được Giấy phép đăng ký dạy nghề do Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa cấp.
Theo báo cáo của bà Vũ Thị Thúy: Về cơ cấu tổ chức, trung tâm chỉ có 1 người là bà Nguyễn Thị Hiền – giám đốc và không có thành viên. Về hoạt động, trung tâm đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ, tin học, kế toán, mở lớp khi
HTX
có đơn hàng hoặc người khuyết tật, trẻ mồ côi có nhu cầu học nghề; cấp GGT cho cộng tác viên đi bán các sản phẩm bị lỗi do người khuyết tật làm ra. Về tài chính, Trung tâm phụ thuộc hoàn toàn vào HTX.Tại thời điểm kiểm tra, Trung tâm không có sổ sách theo dõi thu chi cũng như hồ sơ các lớp dạy nghề, số giấy giới thiệu đã cấp, thời gian cấp nên không có cơ sở để kiểm tra, xem xét việc hoạt động tài chính và các hoạt động khác liên quan đến bảo trợ xã hội, người tàn tật, trẻ mồ côi, dạy nghề.
Về việc cấp (bán) giấy giới thiệu cho một số đối tượng, bà Vũ Thị Thúy xác nhận là có, tuy nhiên bà này cho rằng đây là những “cộng tác viên” đi bán sản phẩm bị lỗi, không xuất khẩu được.
Trước đó, Sở LĐ-TB& XH Thanh Hóa cũng đã có báo cáo về việc kiểm tra, xác minh việc lấy danh nghĩa từ thiện để kinh doanh, kiếm lời của Trung tâm dạy nghề, tạo việc làm cho trẻ mồ côi và người khuyết tật do bà Nguyễn Thị Hiền làm giám đốc.
Trung tâm thừa nhận có cấp GGT cho các cộng tác viên đi bán hàng, được hưởng 10% giá trị sản phẩm. Những người này do làm thời vụ nên trung tâm không ký hợp đồng lao động.
Tại thời điểm kiểm tra này, Trung tâm không có hoạt động dạy nghề , sản xuất, không có nhân công hay nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người khuyết tật… Trong quá trình hoạt động không có báo cáo về dạy nghề cho Sở LĐ-TB&XH nên từ năm 2011, Trung tâm này đã bị đưa ra khỏi danh sách các cơ sở hoạt động dạy nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và cho đến nay cũng không đủ điều kiện để hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Trong kết luận thanh tra số 4931 Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa Đào Trọng Quy nêu rõ: “Căn cứ Điều 40, 41 Luật Dạy nghề năm 2006 quy định về các điều kiện và thẩm quyền thành lập trung tâm dạy nghề, việc phòng Tài chính - Kế hoạch TP cấp giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh HTX Nhân Đạo Tháng Năm (tên văn phòng đại diện là Trung tâm Dạy nghề, tạo việc làm cho trẻ mồ côi và người khuyết tật) là không đúng quy định về thẩm quyền. Và từ khi thành lập cho đến nay, Trung tâm cũng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp”.
Mặc dù từ ngày 23/4/2012, Sở LĐ-TB&XH đã có CV gửi các huyện, TX, TP trên địa bàn tỉnh chỉ đạo các phòng chuyên môn có liên quan và các tổ chức, trung tâm trẻ em mồ côi, người khuyết tật không cấp GGT cho người khuyết tật đi bán hàng trong và ngoài tỉnh nhưng Trung tâm vẫn vi phạm.
Về xử lý trách nhiệm, Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa nêu rõ: “Đối với phòng LĐ-TB&XH thành phố và UBND phường Đông Vệ: Chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với tập thể, cá nhân được giao phụ trách, theo dõi chưa thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình tổ chức và hoạt động của Trung tâm Dạy nghề, tạo việc làm cho trẻ mồ côi và người khuyết tật – chi nhánh HTX Nhân Đạo Tháng Năm từ khi thành lập.
Chi nhánh của HTX Nhân Đạo Tháng Năm sẽ bị rút giấy phép bởi hàng loạt sai phạm. |
Đối với phòng Tài chính – Kế hoạch kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chi nhán HTX Nhân Đạo Tháng Năm (tên văn phòng đại diện: Trung tâm dạy nghề, tạo việc làm cho trẻ mồ côi và người khuyết tật) không đúng quy định.
Về biện pháp khắc phục, Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa Đào Trọng Quy giao cho phòng Tài chính – Kế hoạch tham mưu thu hồi giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh
HTX
Nhân Đạo Tháng Năm cấp ngày 10/10/2014 do không đúng thẩm quyền và các điều kiện về dạy nghề theo quy định.Điều 280 Bộ luật hình sự 2015 quy định: "1. Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ sáu năm đến mười ba năm: a) Có tổ chức; b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; c) Phạm tội nhiều lần; d) Tái phạm nguy hiểm; đ) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; e) Gây hậu quả nghiêm trọng khác. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười ba năm đến hai mươi năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác. 5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng". Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |