Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đề nghị bất ngờ của ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh trước khi tòa nghị án

(DS&PL) -

Ngày 17/1, bị cáo Đinh La Thăng và các thuộc cấp lần lượt được nói lời sau cùng trước khi HĐXX vào nghị án.

Sau gần 2 tuần đưa vụ án kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại PVN và PVC ra xét xử, ngày 17/1, bị cáo Đinh La Thăng và các thuộc cấp lần lượt được nói lời sau cùng trước khi HĐXX vào nghị án.

Các bị cáo nhận tội, xin được khoan hồng

Bị cáo , nguyên Chủ tịch HĐTV tập đoàn PVN là người đầu tiên bước lên bục khai báo để nói lời sau cùng. Một lần nữa, bị cáo Đinh La Thăng mong HĐXX công tâm, khách quan để mọi người có cơ hội sửa chữa. Bị cáo Thăng cũng mong HĐXX cho bị cáo thay đổi biện pháp ngăn chặn để bị cáo có điều kiện chăm sóc bố đã 87 tuổi, mắc bệnh và cũng cho bị cáo ăn Tết cuối cùng với bạn bè, gia đình, người thân. Sau đó, bị cáo sẽ chấp hành án phạt “không biết bao giờ ra...”.

Bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn PVN.

Khi được được nói lời sau cùng, bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC nói: “Bị truy tố về 2 tội danh, bị cáo thấy rất nặng và lo lắng. Với tội Tham ô, bị cáo có những chứng cứ ngoại phạm, mong HĐXX xem xét trước khi kết luận”.

Bị cáo Thanh cũng trình bày: “Trong 2 năm qua, bị cáo đã tạo ra những dư luận không tốt... Bị cáo rất ân hận. Bị cáo có nguyện vọng, sau khi kết thúc phiên tòa, xin HĐXX cho phép được gặp vợ con”.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó TGĐ PVN trình bày: “Bị cáo đang trong giai đoạn oan nghiệt nhất của cuộc đời, dù mức án nghiêm khắc thế nào thì bị cáo cũng thấy được sự nghiêm minh và khoan hồng của pháp luật”.

Bị cáo Vũ Đức Thuận, nguyên TGĐ PVC cảm ơn HĐXX đã điều hành phiên tòa công minh, đúng pháp luật. Bị cáo rất ăn năn hối lỗi và muốn gửi lời xin lỗi tới cán bộ, công nhân viên của PVC.

Bị cáo Nguyễn Anh Minh, nguyên Phó TGĐ PVC nói: “Trong những ngày vừa qua, bị cáo đã được nghe HĐXX đánh giá và phân tích những sai phạm của bị cáo, được nghe bản luận tội của VKS, bản thân bị cáo thấy rất nặng nề và đau xót, thậm chí xấu hổ và nhục nhã...”.

Bị cáo Phùng Đình Thực (nguyên TGĐ PVN) nói: “Bị cáo luôn làm việc một cách công khai, minh bạch, không vì lợi ích nhóm, không ưu ái bất kỳ đơn vị, nhân viên nào. Bị cáo luôn tâm niệm những điều được phép làm, không bao giờ làm những việc sai trái. Nhưng do có sơ suất trong công tác kiểm tra, giám sát nên mới xảy ra cơ sự này”. Bị cáo Thực đề nghị HĐXX xem xét toàn diện, đánh giá chứng cứ khách quan để cho ra bản án công tâm.

Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó TGĐ PVN) hoàn toàn nhận trách nhiệm về những lỗi lầm đã gây ra. Bị cáo xin lỗi Đảng, Nhà nước, bộ Công Thương, vô cùng hối hận vì sai phạm của mình.

Bị cáo Lương Văn Hòa, nguyên GĐ ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC nói luôn tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, thành khẩn khai báo, tác động gia đình khắc phục hậu quả. Bị cáo muốn cảm ơn VKS vì đã ra bản cáo trạng, luận tội vừa nghiêm khắc nhưng cũng hết sức khoan hồng.

Hầu hết các bị cáo đều thừa nhận tội trạng của mình và chỉ xin HĐXX cho hưởng mức án khoan hồng. Tòa nghỉ nghị án và sẽ tuyên án vào hồi 8h ngày 22/1 (tức thứ 2 tuần sau).

Đề nghị được tại ngoại của ông Thăng có được xem xét?

Trao đổi với PV về đề nghị được tại ngoại của bị cáo Đinh La Thăng khi được nói lời sau cùng tại toà, luật sư Lâm Văn Quang, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng, biện pháp ngăn chặn và thay đổi biện pháp ngăn chặn là một nguyên tắc xuyên suốt toàn bộ quá trình tố tụng gồm điều tra, truy tố, xét xử. Tuy nhiên, trong thực tế, việc áp dụng hoặc thay đổi biện pháp ngăn chặn bắt đầu từ giai đoạn điều tra và kết thúc ở giai đoạn tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Khi xét xử, tòa án phải tuân theo quy trình xét xử. Lúc này, tòa sẽ tập trung vào việc xét xử và gần như không xem xét đến vấn đề thay đổi biện pháp ngăn chặn nữa. Việc thay đổi biện pháp này chỉ quay trở lại một lần duy nhất là khi tòa ra quyết định hoặc ra một phán quyết bằng bản án và kết thúc trình tự tố tụng ở giai đoạn sơ thẩm.

Luật sư Cao Văn Tỉnh, đoàn Luật sư Hà Nội cho hay, tòa ra quyết định và thay đổi biện pháp ngăn chặn phải căn cứ vào khoản 1 và 2 Điều 125 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Chỉ khi tòa án ra quyết định thì các bị cáo mới được thay đổi biện pháp ngăn chặn.

Cũng theo luật sư Tỉnh, tùy thuộc vào mức độ bệnh tật mà pháp luật có các quy định có lợi cho bị can, bị cáo. Cụ thể mắc bệnh dẫn đến hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi là tình tiết giảm nhẹ tại điểm q, khoản 1, Điều 51 BLHS năm 2015. Mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo thì tạm đình chỉ điều tra theo điểm b, khoản 1, Điều 229 BLTTHS. Bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa sẽ được miễn trách nhiệm hình sự theo điểm b, khoản 1, Điều 29, BLHS.

Nói về đề nghị xin được tại ngoại của bị cáo Đinh La Thăng, luật sư Tỉnh nhận định, đề nghị rất khó chấp nhận vì về vấn đề hoàn cảnh khó khăn có thể coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chứ không phải là điều kiện để được tại ngoại. 

Tư Viễn

Tin nổi bật