Đề văn kiểm tra giữa kỳ này cực ngắn chỉ đúng một câu: "Hãy viết bài văn nghị luận bàn về lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay" của khối 10 một trường THPT ở TP.HCM được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội.
Hầu hết những chia sẻ đều đánh giá đề văn ngắn nhưng hay, thời sự và ấn tượng. Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng đề mang tinh thần đổi mới kiểm tra đánh giá theo năng lực, không ràng buộc trong chương trình học.
Cụ thể, báo Thanh niên dẫn lời giáo viên H.T, dạy ngữ văn bậc THPT tại quận 5, nhận xét: "Đề yêu cầu học sinh lớp 10 viết bài văn nghị luận về 'Lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay' phản ánh một đề tài gần gũi và mang tính thời sự. Đề này khai thác được những suy nghĩ và quan điểm của học sinh về lối sống của giới trẻ, bao gồm những mặt tích cực và tiêu cực của xu hướng sống tự do, chú trọng hình thức, thể diện. Đây là đề tài phù hợp với độ tuổi, giúp học sinh rèn luyện kỹ năng tư duy, phân tích, và lập luận".
Tuy nhiên, cũng theo giáo viên này, từ "phông bạt" có thể khó hiểu và dễ gây nhầm lẫn, đặc biệt với học sinh lớp 10. Do đó, đòi hỏi giáo viên phải làm rõ trước hoặc dùng thuật ngữ gần gũi hơn để học sinh dễ tiếp cận và diễn đạt đúng ý kiến của mình.
Đề văn "lối sống phông bạt của giới trẻ" kéo theo nhiều tranh luận. Ảnh: Dân trí
Còn một giáo viên dạy ngữ văn THPT của huyện Bình Chánh (TP.HCM) nhìn nhận: "Đề bài này nếu được giải thích từ 'phông bạt' sẽ giúp học sinh lập dàn ý nhanh hơn, đỡ mất thời gian viết bài hơn. Đề này bàn về một hiện tượng đời sống gần gũi với tâm lý học sinh, giúp các em hứng thú trong việc làm bài. Đề có tính phân hóa cao, giáo viên chấm bài cũng đỡ nhàm chán".
Ngoài ra, về việc sử dụng câu từ, giáo viên cho rằng lẽ ra phải viết thường từ "lối" và từ "phông bạt" phải để trong ngoặc kép vì mang nghĩa ẩn dụ. Từ này cũng nên đặt vào một ngữ cảnh cụ thể để học sinh hiểu được nghĩa của từ của "ổn" hơn.
Giáo viên này giải thích thêm, ra đề kiểm tra với 1 câu nghị luận xã hội là hoàn toàn đúng với quy định hiện hành. Tuy nhiên chưa đúng quy định về thời gian kiểm tra theo Thông tư 22 về đánh giá học sinh THCS và học sinh THPT, tối thiểu 60 phút.
Ngược lại, cũng không ít người bày tỏ sự ngạc nhiên và không đồng tình với cách ra đề này.
Báo Dân trí dẫn lời chị Nguyễn Ngọc Hoa, ở TP.Thủ Đức, TP.HCM, cho biết không phải đứa trẻ nào cũng sử dụng điện thoại, mạng xã hội. "Phông bạt" là một từ lóng, trong chương trình học không nhắc đến thuật ngữ này nên không thể khẳng định học sinh nào cũng hiểu, cũng nắm bắt được xu hướng.
Như bản thân chị, dù lên mạng thường xuyên nhưng cũng chỉ cách đây vài tuần chị mới nghe đến từ "phông bạt". Và chị cũng không để tâm đến vấn đề này hay ý nghĩa của từ này. Theo chị, trong trường hợp này, học sinh không hiểu hoặc mơ hồ về từ lóng này là hoàn toàn bình thường. Trường hợp học sinh không hiểu, không làm được bài thì lỗi ở ai?
Cùng quan điểm này, chị Trương Bảo Châu, có con học phổ thông tại TPHCM cho rằng, "phông bạt" là một từ văn nói, lẽ ra đề nên có tính gợi ý, chú giải, giải thích thêm.
"Bình luận về lối sống đó lúc này thì khá hay nhưng đề thi không thể mặc nhiên ai cũng phải hiểu được từ phông bạt là gì, đề thi trong trường học cần có tính gợi ý nếu đó là một khái niệm xã hội không bắt buộc ai cũng phải biết. Vấn đề đặt ra hay nhưng cách để học sinh phổ thông tiếp cận khái niệm của đề theo tôi là không chuẩn", chị Châu bày tỏ.
Chị Châu nêu quan điểm, văn học cũng là khoa học, phải có tính chỉn chu của nó chứ đây không phải là cuộc thi năng khiếu, ai có năng khiếu thì thi.
Còn về ý kiến đề thi đánh giá được năng lực của học trò, không chỉ trong khuôn khổ chương trình học, chị Trương Bảo Châu cho hay, đây là đề thi phổ thông, thậm chí còn có cả học sinh chậm tiến, không thể đánh giá năng lực một cách mơ hồ. Đặc biệt là những vấn đề theo trend (xu hướng) là thứ không bắt buộc tất cả mọi người phải biết.
"Phông bạt", xuất phát từ hình ảnh của một tấm phông nền, thứ chỉ làm đẹp bề ngoài, nhưng đằng sau đó không phải lúc nào cũng phản ánh thực tế. Theo cách nói hiện nay, "phông bạt" ám chỉ một lối sống lộng lẫy bề ngoài nhưng thiếu chân thật bên trong.
Từ này thường xuất hiện trên mạng xã hội, dùng để châm biếm những ai sống giả tạo, thích tỏ ra giàu có hoặc che giấu bản chất thật. Thay vì đối mặt với sự thật, họ dùng vẻ hào nhoáng để dựng lên một hình ảnh khác xa thực tế.