Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Để đảm bảo khách quan, Tòa án không phải là cơ quan buộc tội!

(DS&PL) -

(ĐSPL) - PGS. TS. Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC, nguyên Chánh án Toà án quân sự TW nêu quan điểm: “Tòa án không phải là cơ quan buộc tội!”.

(ĐSPL) - PGS. TS. Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC, nguyên Chánh án Toà án quân sự TW nêu quan điểm: “Tòa án không phải là cơ quan buộc tội!”.

Trung tướng Trần Văn Độ đã nói như vậy khi đề cập tới dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi (dự kiến được thảo luận tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII).

Để hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan buộc tội, PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi trực tiếp với Trung tướng Trần Văn Độ về vấn đề này.

PGS. TS. Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương.

Tòa án có vai trò trung gian giữa bên buộc tội và gỡ tội

Thưa ông, vì sao ông cho rằng Tòa án không phải là cơ quan buộc tội và nếu đúng như vậy thì cơ quan nào là cơ quan có quyền buộc tội?

Để bảo đảm Tòa án thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người thì Tòa án không thể vừa là cơ quan xét xử vừa là cơ quan buộc tội. Nếu Tòa án có chức năng buộc tội sẽ không đảm bảo khách quan, không chính xác bởi các lẽ sau: Trong cơ chế tố tụng hình sự gồm ba bên.

Thứ nhất, bên buộc tội là cơ quan thực hiện quyền công tố. Cụ thể đó là Cơ quan điều tra (CQĐT), Viện Kiểm sát nhân dân (VKS), trong một số vụ án cụ thể thì người bị hại cũng là bên buộc tội.

Thứ hai, bên gỡ tội gồm luật sư bào chữa, bị can, bị cáo.

Thứ ba, cơ quan xét xử đó là Tòa án, chỉ Tòa án có quyền xét xử và xét xử độc lập.

Bên có nhiệm vụ buộc tội đó là CQĐT, VKS đưa ra những căn cứ để truy tố, buộc tội bị can trong quá trình điều tra, bị cáo trước tòa. Bên gỡ tội đưa ra những minh chứng, lập luận, đối đáp lại bên buộc tội. Khi đó Tòa án đóng vai trò trung gian và Tòa phải lắng nghe cả hai bên, bên buộc tội và bên gỡ tội. Do đó Tòa không thể thiên vị bên nào, nếu bên nào chứng cứ thuyết phục hơn thì Tòa sẽ phán quyết theo bên đó. Để đảm bảo bản án được khách quan đúng người, đúng tội, Toà án phải là vai trò trung gian giữa bên buộc tội và bên gỡ tội.

Tuy nhiên, khi Toà án đưa ra phán quyết bằng một bản án, Tòa phải xem xét đầy đủ tính khách quan toàn diện các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập trong quá trình tố tụng (bên buộc tội). Chứng cứ thu thập của bên gỡ tội. Có như vậy Toà án mới thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người.

Vì theo quy định, Tòa án có toàn quyền xét xử và xét xử độc lập, phán xét sự việc phạm tội hành vi phạm tội của các bị cáo. Tòa án là cơ quan xét xử, do đó giành quyền tư pháp. Sự việc phạm tội của các bị can, bị cáo là do cơ quan buộc tội đưa ra.

Chính vì những lẽ nêu trên, nên Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi lần này phải coi Tòa án là trung tâm của hệ thống tư pháp, xét xử là trọng tâm của hoạt động tư pháp. Cho nên, cần có những quy định rất rõ về nguyên tắc tổ chức hoạt động của Tòa án, đặc biệt là những nguyên tắc cơ bản không thể thiếu như nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc tranh tụng và nguyên tắc xét xử độc lập.

Các bên tham gia tố tụng, kể cả bên buộc tội lẫn bên gỡ tội, phải có quyền điều tra, quyền thu thập chứng cứ, quyền chứng minh. Thẩm phán, hội thẩm phải được làm việc độc lập, không cơ quan, tổ chức, cá nhân nào được quyền can thiệp vào việc xét xử của Toà án.

Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi sắp tới sẽ có những sửa đổi, bổ sung để tránh sự hiểu nhầm Tòa án là cơ quan buộc tội (Ảnh minh họa).

Cần thấy rằng Bộ luật Tố tụng Hình sự đang có những vấn đề không ổn như: Xác định địa vị tố tụng thiếu công bằng, coi CQĐT, VKS (là một bên tố tụng có nhiệm vụ buộc tội) là cơ quan tiến hành tố tụng như cơ quan xét xử (Tòa án), trong khi bên gỡ tội chỉ là người tham gia tố tụng; Giao cho Tòa án một số nhiệm vụ thuộc chức năng buộc tội; Quy định về giới hạn xét xử thiếu hợp lý và vi phạm nguyên tắc độc lập xét xử của tòa án; Quy định các thủ tục tố tụng, nhất là thủ tục phiên tòa tạo ra nhận thức Tòa án cũng là cơ quan buộc tội.

Thưa ông, trong thực tế một số luật sư bào chữa thường lập luận rằng: Một người chỉ bị coi là có tội khi bị Tòa tuyên án bằng một bản án có hiệu lực pháp luật. Như vậy sẽ dẫn đến cách hiểu Toà án không chỉ có quyền buộc tội mà thậm chí còn là cơ quan duy nhất được tuyên một người là có tội hay không có tội?

Đó là quy định trước kia, nay đã thay đổi theo nguyên tắc suy đoán vô tội: Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật được chứng minh của Tòa án.

Tòa án là cơ quan duy nhất có quyền tuyên bố một người có tội. Tuy nhiên, khi Toà tuyên một người là có tội hay không có tội thì Tòa án phải có những căn cứ để chứng minh, những căn cứ này do bên buộc tội đưa ra và cả bên gỡ tội đưa ra. Và phải tuân thủ theo trình tự tố tụng chứ không thể tuyên một cách tuỳ tiện được. Chính vì vậy nên chỉ Toà án có quyền xét xử, xét xử độc lập và tuân theo quy định của pháp luật và hiến pháp là như vậy.

Chức năng của Tòa án: Không thể hiểu sai hoặc... ngầm hiểu

Đồng tình với quan điểm của PGS. TS. Trung tướng Trần Văn Độ, ông Thân Quốc Hùng, Chánh án, thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang cho biết: Để hiểu rõ cơ quan nào là cơ quan buộc tội thì cần phải phân tích chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan tố tụng.

Bộ máy Nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc tập trung quyền lực có sự phân công và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện ba quyền: Chức năng lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Thực hiện quyền tư pháp mà chủ yếu là quyền xét xử là một trong những chức năng rất quan trọng của Nhà nước Việt Nam và được giao cho Toà án nhân dân. Do đó, khi sửa đổi bổ sung cần nêu rõ, chi tiết cụ thể tránh hiểu sai hoặc ngầm hiểu.

Bởi lẽ, Toà án nhân dân có vị trí rất quan trọng trong bộ máy Nhà nước và là chỗ dựa, bảo vệ quyền con người, bảo vệ pháp chế... Trong phiên toà, trách nhiệm của Tòa án đưa ra phán quyết, trên cơ sở tranh tụng tại phiên tòa, giữa bên buộc tội (VKS) hoặc người bị hại, bên gỡ tội là luật sư bào chữa, bị cáo.

Trong một số trường hợp, nếu bên buộc tội đưa ra những chứng cứ còn yếu, thiếu thuyết phục thì Tòa có quyền trả hồ sơ, yêu cầu điều tra lại, điều tra bổ sung hoặc có thể Tòa tự điều tra độc lập nếu thấy cần thiết để tránh oan sai và đảm bảo tính khách quan trong giải quyết vụ án. Chính vì các lẽ nêu trên, nên trong tố tụng hình sự, Tòa án không thể vừa là cơ quan buộc tội vừa kết tội được.

Hiến pháp sửa đổi năm 2013, tại Điều 102 đã ghi rõ chức năng nhiệm vụ của Tòa án nói chung (Tòa Tối cao, Tòa cấp tỉnh, Tòa cấp quận huyện theo luật định) rằng: Tòa án là cơ quan xét xử. Toà án nhân dân là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm.

Luật sư Trịnh Quang Chiến: Cơ quan buộc tội là cơ quan thực hiện quyền công tố

Viện Kiểm sát nhân dân (VKS) là cơ quan Nhà nước duy nhất được giao trách nhiệm thực hành quyền công tố. Nội dung cơ bản của chức năng công tố là truy tố bị can ra trước Toà án (đưa ra những căn cứ để buộc tội, nhân danh Nhà nước thể hiện trong cáo trạng và duy trì buộc tội trước Toà án) để truy cứu trách nhiệm hình sự của người đó, bảo đảm nguyên tắc tội phạm không tránh khỏi hình phạt của Bộ luật Hình sự. Hoạt động công tố luôn là hoạt động chủ đạo của VKS đã được quy định.

Tin nổi bật