Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

ĐBQH Võ Kim Cự có thể bị xem xét bãi nhiệm?

(DS&PL) -

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho rằng: “Có thể xem xét bãi nhiệm với ông Võ Kim Cự, nhưng phải căn cứ vào vi phạm kỷ luật cụ thể”.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho rằng: “Có thể xem xét bãi nhiệm với ông Võ Kim Cự, nhưng phải căn cứ vào vi phạm kỷ luật cụ thể”.

Những ngày qua, tên ông Võ Kim Cự được nhắc đến khá nhiều bởi ông là một trong những nguyên lãnh đạo Hà Tĩnh “vi phạm nghiêm trọng, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật” theo như kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về cá nhân vi phạm vụ Formosa ở Hà Tĩnh.

Xung quanh vụ việc về ông Võ Kim Cự, một trong những câu hỏi được dư luận nhắc đến nhiều nhất là việc bị xem xét kỷ luật sẽ ảnh hưởng như thế nào đến ông Cự khi ông đang là đại biểu Quốc hội khóa XIV và là Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam.

Ông Võ Kim Cự hiện là Ủy viên ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIV - người chịu trách nhiệm chính trong sai phạm vụ Formosa ở Hà Tĩnh. (Ảnh: Vietnamnet)

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: “Tôi đã trao đổi với 2 đồng chí ở Uỷ ban Thường vụ là anh Phúc (Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc – PV) và anh Túy (Trần Văn Túy, Trưởng ban công tác đại biểu – PV), liên quan đến việc kỷ luật ông Võ Kim Cự, Ủy ban Kiểm tra Trương ương đã có kết luận thì cứ thực hiện theo quy trình”.

Ông Võ Kim Cự hiện đang là đại biểu Quốc hội, vậy quy trình đó sẽ được thực hiện như thế nào?

Câu hỏi của PV được Phó Chủ nhiệm Đỗ Mạnh Hùng giải đáp: “Theo kết luận mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố thì sai phạm của ông Võ Kim Cự chủ yếu là trên cương vị khi làm các chức vụ: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2011-2016, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban quản lý Khu kinh tế (2008-2010). Còn liên quan đến trách nhiệm của một người đại biểu Quốc hội thì sau này sẽ có xác minh, làm rõ. Trong thời điểm này, ở góc độ đại biểu Quốc hội thì chưa có chỉ đạo, hướng dẫn gì”.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng.

Tuy nhiên, với một đại biểu Quốc hội đương nhiệm lại chịu hình thức kỷ luật, dù không phải sai phạm ở cương vị đại biểu Quốc hội thì uy tín của ông Cự cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Vậy, điều đó có ảnh hưởng như thế nào đến công việc hiện tại là đại biểu Quốc hội hay không?

Câu hỏi này của phóng viên được Phó Chủ nhiệm Đỗ Mạnh Hùng trả lời với tư cách cá nhân: “Theo cá nhân tôi thì chắc chắn sẽ có liên quan. Bởi một người đại biểu Quốc hội cần có đủ 5 tiêu chuẩn như trong Điều 22 luật Tổ chức Quốc hội quy định. Tuy nhiên, vì chưa có chủ trương cụ thể từ phía Đảng đoàn và Thường vụ Quốc hội nên việc này tôi chỉ trao đổi như vậy”.

Vậy có nghĩa là, căn cứ những quy định trong luật Tổ chức Quốc hội, trong thời gian tới, nếu làm rõ những vi phạm của ông Võ Kim Cự đến mức phải bãi nhiệm thì sẽ bãi nhiệm?

Phó Chủ nhiệm Đỗ Mạnh Hùng nói: “Chắc chắn sau này sẽ phải xem xét việc có bãi nhiệm hay không. Tuy nhiên, việc này cần căn cứ vào kết luận của quá trình xác minh”.

Ông Hùng cũng cho rằng, chưa thể nói trước được về hình thức kỷ luật nào với ông Võ Kim Cự, nhưng chắc chắn phải có những dấu hiệu nghiêm trọng thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương mới có kết luận ban đầu như thế.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng thông tin thêm về quy trình xem xét xử lý kỷ luật với một đại biểu Quốc hội: “Thường thì việc xem xét trách nhiệm của một đại biểu Quốc hội chủ yếu theo kênh là các cơ quan có trách nhiệm của Quốc hội. Tuy nhiên, các cơ quan của Quốc hội xem xét cũng trên cơ sở phải có ý kiến của cử tri”.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trả lời phỏng vấn của PV báo Người Đưa Tin, ông Lê Như Tiến, ĐBQH khóa XIII cho rằng: “Cần kiểm tra nếu có vi phạm nghiêm trọng ở mức độ hình sự thì phải xử lý hình sự chứ không chỉ phê bình, khiển trách, cảnh cáo. Nếu sau quá trình các cơ quan vào cuộc kiểm tra mà ông Võ Kim Cự có những sai phạm, khuyết điểm tới mức phải xem xét tư cách đại biểu thì sẽ phải thực hiện xem xét tư cách đại biểu.

Từ trước đến nay, Quốc hội không phải là chưa từng làm việc này mà đã có xem xét tư cách đại biểu và bãi nhiệm một số đại biểu vi phạm nghiêm trọng, ví dụ như Đặng Thị Hoàng Yến, Châu Thị Thu Nga, gần đây là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Trịnh Xuân Thanh.

Không phải cứ ngồi trên ghế “đại biểu Quốc hội” là mãi mãi làm đại biểu Quốc hội. Nhưng xem xét phải theo luật chứ không thể xem xét một cách tùy tiện được. Khuyết điểm đến đâu, xử lý đến đó. Người từng đứng đầu một tỉnh có sai phạm thì trước hết phải xin lỗi nhân dân, xin lỗi cử tri”.

Còn theo ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ: “Những vi phạm của ông Võ Kim Cự đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận là “nghiêm trọng đến mức phải xem xét kỷ luật” thì chắc chắc không có chuyện xin lỗi hay những hình thức khiển trách, cảnh cáo mà sẽ là hình thức kỷ luật nặng hơn”.

Tin nổi bật