Theo ĐBQH Quách Thế Tản, việc phát hiện thí sinh gian lận điểm thi là bài học đau xót cho ngành giáo dục...
Thời gian gần đây, thông tin về các thí sinh gian lận điểm thi ở các tỉnh Hoà Bình, Sơn La, Hà Giang… nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Trong đó, mới đây nhất câu chuyện về danh tính nữ thủ khoa ĐH sư phạm Hà Nội đến từ Hoà Bình xin nghỉ học vì gian lận điểm, hay danh sách cụ thể họ và tên 17 thí sinh Hoà Bình bị Học viện Cảnh sát Nhân dân trả về địa phương do gian lận điểm được công khai cũng thu hút sự chú ý, bình luận của dư luận.
17 thí sinh Hoà Bình bị Học viện Cảnh sát Nhân dân trả về địa phương do gian lận điểm. |
Trước vấn đề nóng nhận được nhiều sự quan tâm này, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã lắng nghe chia sẻ của ĐBQH Quách Thế Tản (đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình).
Thưa ĐBQH Quách Thế Tản, thời gian gần đây dư luận đặc biệt chú ý đến vụ việc gian lận điểm thi của các thí sinh tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2018, cá nhân ông đánh giá như thế nào về sự việc này?
Tôi cho rằng, chuyện thi cử vừa qua là chuyện rất đáng buồn, đáng tiếc, ngành giáo dục, học sinh cũng như phụ huynh, những người làm thi đều có liên quan. Còn trong ngành giáo dục, sự việc này gây tổn thất rất lớn.
Tuy nhiên, sự việc này cũng đã xảy ra, các cơ quan chuyên môn, cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý sai phạm hết sức nghiêm minh, đúng mức.
Tôi thấy, UBND các tỉnh, bộ Giáo dục và Đào tạo, bộ Công an đã vào cuộc xử lý quyết liệt, tích cực và khách quan. Cho đến hiện tại, tôi cũng được biết một số thí sinh có điểm thi không đúng với thực tế cũng đã có danh sách xử lý, một số em cũng bị buộc cho thôi học trở về địa phương.
ĐBQH Quách Thế Tản bày tỏ quan điểm của mình. |
Thưa ông, danh sách các thí sinh bị trả về địa phương vì liên quan đến gian lận điểm thi cũng đã được công bố, tuy nhiên nhiều ý kiến lo ngại danh tính các em bị bêu riếu trên mạng xã hội?
Vấn đề này công khai hay không công khai còn nhiều ý kiến khác nhau, tuy nhiên, theo tôi hiện nay đã biết các em vi phạm điểm thi, xử lý bằng cách cho thôi học thì cũng là hình thức phạt nặng rồi. Còn công khai danh tính, về địa phương trước sau mọi người cũng đều biết, bây giờ nêu tên lên thì mạng xã hội cũng có hai mặt, thậm chí có những người adua theo phong trào chửi bới, xúc phạm điều đó là không hay.
Mọi người nói các em học sinh 17, 18 tuổi là tuổi trưởng thành rồi nhưng tôi cho rằng đường đời của các em còn dài, việc công khai như vậy cũng sẽ phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của các em.
Nhưng, những người làm sai như người lớn, cán bộ… thì nên nêu danh tính để thấy được sự công bằng.
Từ sự việc gian lận điểm thi, theo ĐBQH ngành giáo dục cần nhìn lại những gì?
Từ sự việc này, ngành giáo dục cần phải làm tốt hơn công tác quản lý nói chung và quản lý thi cử. Phải đảm bảo quy trình thi cử chặt chẽ, trong quá trình giám sát cũng đảm bảo làm sao vừa khách quan, công tâm, làm sao cho cuộc thi thật an toàn. Còn đối với ngành giáo dục, đây là bài học để rà soát lại cả quá trình đào tạo.
Xin cảm ơn đại biểu!
Nên công khai danh tính phụ huynh Thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh phân tích: “Đây là lỗi sai của người lớn, xét cho cùng thì những thí sinh đó phải thực hiện theo đúng kế hoạch bố mẹ đề ra, các thí sinh không có quyền phản đối. Tôi đồng ý là những thí sinh đó có cái sai, nhưng không dám đấu tranh lại sự dối trá của bố mẹ. Thế nhưng, tôi luôn nhìn nhận sự việc như thế này, bản thân các thí sinh gian lận điểm thi đã bị kỷ luật, buộc thôi học, có những thí sinh tự biết mình không xứng đáng đã tự thôi học, đó là một hình phạt quá lớn đối với các thí sinh. Tôi ủng hộ việc các thí sinh gian lận đó phải bị đình chỉ ít nhất một năm học, chấp nhận thi lại trong năm học sau. Tiếp đó, bản thân những người tham gia việc sửa điểm, pháp luật cần xử lý một cách công khai, bản thân bố mẹ lợi dụng chức quyền, tiền bạc để làm chuyện này cũng cần phải công khai”. |
Thanh Lam
Theo Người Đưa Tin