Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

ĐBQH lo ngại vấn đề “phân tầng giáo dục” ở Hà Nội

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Theo đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, nhiều năm qua, việc triển khai mô hình trường phổ thông công lập chất lượng cao, học phí cao là băn khoăn của nhiều cử tri.

Báo Dân Trí đưa tin, thảo luận về dự thảo Luật Thủ Đô sửa đổi chiều 28/5, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) quan tâm đến quy định về xây dựng phát triển và mở rộng mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao tại dự thảo Luật.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, dự thảo Luật đã đưa ra mô hình chưa được sử dụng trong Luật Giáo dục, trong đó có cơ sở giáo dục chất lượng cao. Tuy nhiên, dự thảo chưa làm rõ tiêu chí được công nhận chất lượng cao. 

Đại biểu cho biết, báo cáo thẩm tra Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng cho rằng, báo cáo tổng kết thi hành luật chưa đánh giá sâu về những kết quả, tồn tại, vướng mắc trong triển khai thực hiện quy định về trường chất lượng cao.

Về chất lượng dịch vụ giáo dục công lập trên địa bàn Thủ đô, báo cáo đánh giá tác động cũng chưa đề cập đến các chính sách phát triển các trường chất lượng cao, cơ sở giáo dục có nhiều cấp học. 

ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình). Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Dự thảo luật có bổ sung khái niệm về cơ sở giáo dục chất lượng cao tại khoản 5 Điều 3. Thế nhưng, quy định này chỉ mới đề cập các tiêu chí đầu vào mà chưa rõ tiêu chí đầu ra là chân dung - nhân cách học sinh - trung tâm của quá trình giáo dục - mục tiêu giáo dục. 

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga nêu thực tiễn, Hà Nội nhiều năm qua, việc triển khai mô hình trường phổ thông công lập chất lượng cao, học phí cao cũng là băn khoăn của nhiều cử tri.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Mai, mô hình giáo dục chất lượng cao triển khai chủ yếu ở dạng cung ứng dịch vụ giáo dục chất lượng cao. Mức học phí cho cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao ở Hà Nội năm 2023-2024 là 5-6 triệu đồng/học sinh/tháng, chưa kể khoản đóng góp khác.

Đại biểu chia sẻ thêm, hiện nay nhiều trường công có chất lượng đang làm đề án thành lập trường công chất lượng cao. Phụ huynh học sinh lo lắng vì học phí cao, trong khi điều kiện gia đình không đảm bảo và bối rối vì chưa biết chuyển con sang trường học nào.

Ngoài ra, nhiều cơ sở giáo dục luôn trong tình trạng quá tải sĩ số trường lớp do tốc độ đô thị hóa nhanh. Có những trường sĩ số học sinh trên 60 em/lớp, nghĩa là Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được đủ trường lớp công lập để thực hiện giáo dục đại trà.

Chính sách đặc thù khi đầu tư, nhân rộng xây dựng nhiều trường chất lượng cao, học phí cao trong triển khai, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga cho rằng, nếu không thận trọng sẽ dẫn đến phân tầng giáo dục.

"Trường chất lượng cao chỉ dành cho con em gia đình có điều kiện dẫn đến bất bình đẳng, tạo nên áp lực cho người học và nhân dân. Trong lúc cơ sở giáo dục tiểu học, trung học cơ sở là giáo dục phổ cập", đại biểu này nói thêm.

Chưa kể, việc thực hiện mô hình trường công chất lượng cao, học phí cao sẽ không khuyến khích được khối tư thục phát triển nếu trường công cũng cung cấp dịch vụ giáo dục đặc biệt.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị Chính phủ cân nhắc thêm về việc phát triển mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao; cần đánh giá tác động lâu dài, bảo đảm môi trường giáo dục công bằng, trong lành; hạnh phúc, không trái các quan điểm chung về giáo dục và nguyên tắc chung về trường công.

Song song với đó, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga cũng đề nghị Hà Nội tập trung xây dựng những trường chuẩn quốc gia mẫu mực, tạo sức lan tỏa cho giáo dục phổ thông cả nước.

Đồng thời, cần đầu tư mạnh hơn nữa cho việc xây dựng các trường mầm non, phổ thông công lập; đáp ứng yêu cầu cho mọi trẻ em đều được đến trường phổ thông theo nguyện vọng; trẻ em con nhà nghèo phải được học ở trường công.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, nước ta hiện cũng chưa cam kết về dịch vụ giáo dục phổ thông với Tổ chức Thương mại thế giới. Do đó, việc đưa nội dung này vào quy định của Luật cần quan tâm làm rõ các điều kiện cần thiết, cơ chế vận hành, quản lý giám sát... trên cơ sở không trái với quy định của pháp luật.

Trong khi đó, ĐBQH Trần Thị Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) nêu quan điểm, khoản 2 Điều 2 dự thảo Luật cho phép chính quyền TP.Hà Nội và các chủ thể liên quan đầu tư xây dựng hệ thống trường học công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục nhiều cấp học là phù hợp với yêu cầu phát triển của Thủ đô, theo báo Sức Khỏe & Đời Sống.

ĐBQH Trần Thị Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh). Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Theo đại biểu Trần Thị Vân, Hà Nội là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế về vị trí, quy tụ nguồn lực nhân lực chất lượng cao và nhiều điều kiện để kết nối quốc tế. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị đã giao Thủ đô Hà Nội phải nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.

Do đó, việc tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao là một trong những giải pháp quan trọng để hiện thực hóa nhiệm vụ này.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) bày tỏ nhất trí với quy định cho phép chính quyền TP.Hà Nội và các chủ thể có liên quan đầu tư xây dựng hệ thống trường học, cơ sở giáo dục chất lượng cao.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị cần có định nghĩa về "chất lượng cao" bảo đảm xác định rõ; cần cân nhắc mức độ đầu tư cho trường chất lượng cao, xác định đối tượng học… 

Đại biểu  Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị có sự rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm các từ ngữ, thuật ngữ được sử dụng trong dự thảo luật được chính xác, nhất quán như về cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông chất lượng cao…

Tin nổi bật