Biệt thự hoành tráng của gia đình ông Trần Văn Truyền tại Bến Tre. |
Như tin tức đã đưa, ngày 21/11, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có thông cáo báo chí thông báo về Kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà, đất đối với ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ, trong thời gian còn đương chức và khi về nghỉ hưu, ông Trần Văn Truyền đã có một số khuyết điểm, vi phạm trong thực hiện chính sách nhà, đất.
Ngày 21/11, bên hành lang Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã bày tỏ quan điểm xung quanh vấn đề này.
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền cho rằng, để xảy ra việc này có lỗi của cơ chế, của công tác cán bộ, công tác bổ nhiệm. Trên thực tế, Quốc hội cũng có trách nhiệm trong đó, vì Quốc hội là đơn vị phê chuẩn ông Trần Văn Truyền là thành viên Chính phủ.
“Với cơ chế cán bộ như hiện nay khi trình lên Quốc hội, đôi khi Quốc hội không đủ thông tin để xem xét một con người. Cho nên, chúng ta phải xem xét toàn bộ những thiết chế về cán bộ, công chức, nhất là trong kiểm soát, kiểm tra chính trị nội bộ, để thấy được những lỗ hổng để khắc phục", ông Quyền nói.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng nêu quan điểm: “Với tư cách là một đại biểu Quốc hội, tôi đánh giá rất cao trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong vụ việc này. Việc đưa ra được kết luận rất hợp lòng dân là một minh chứng rất rõ ràng cho quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, thể hiện không có vùng cấm cho bất cứ ai”.
Ông Cương bày tỏ: “Có một điều đáng tiếc hơn cả, đó là người được giữ trọng trách của Đảng và Nhà nước trong một thời gian dài, lại tham mưu cho Đảng và Nhà nước trong việc phòng chống tham nhũng mà lại có những sai phạm như vậy”.
Theo ông Cương, việc quản lý cán bộ công chức vẫn còn có sơ hở, đặc biệt là thực hiện giải pháp liên quan đến phòng chống tham nhũng. Nếu việc kê khai tài sản ngay từ ban đầu và kê khai bổ sung hàng năm được thực hiện nghiêm túc, mà chính Thanh tra Chính phủ tham mưu việc đó thì sẽ phát hiện được từ rất lâu”, vị đại biểu này nói.
Trong khi đó, theo đại biểu Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, ông Truyền là người đứng đầu cơ quan phòng chống tham nhũng, lẽ ra phải gương mẫu nhất.
“Những người khác làm những việc này đã không chấp nhận được rồi, ông Truyền lại là Tổng Thanh tra Chính phủ, cơ quan thanh tra các cơ quan khác về thi hành pháp luật thì càng không thể chấp nhận được. Nếu như những cán bộ có thẩm quyền, có trách nhiệm ở TP.HCM và Bến Tre do “nể nang” mà làm sai trong việc cấp, cho thuê nhà đất đối với ông Truyền là rất đáng xem xét. Nếu như địa phương nào, cơ quan nào cũng nể nang như vậy thì luật pháp còn được thực thi hay không? Cứ nể nang như vậy xã hội sẽ bị rối loạn”.