Theo tin trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, 8h ngày 1/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024... phiên thảo luận nằm trong chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Hà Ánh Phượng, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ đã bày tỏ quan điểm đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và dự kiến phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Đại biểu Hà Ánh Phượng đưa ra ý kiến về việc tăng lương của giáo viên. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Riêng về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đại biểu Phượng đưa ra một số góp ý để chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 tiếp tục phát triển hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu của Nghị quyết 88 của Quốc hội đã đề ra.
Công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã đáp ứng yêu cầu triển khai thực hệ chương trình giáo dục phổ thông mới. Công tác tuyển dụng giáo viên mầm non, phổ thông cho các tỉnh, thành phố trong năm học vừa qua đã từng bước khắc phục được tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại địa phương, nhất là các vùng khó khăn. Năng lực đội ngũ giảng viên ở các cơ sở giáo dục đại học không ngừng được nâng cao cả về số lượng hoặc chất lượng…
Tuy nhiên, đại biểu Hà Ánh Phượng bày tỏ băn khoăn làm thế nào để đạt kỳ vọng từ năm 2024 - 2030 Việt Nam đạt khoảng 50.000 đến 100.000 nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn.
Đại biểu cho rằng, việc này rất khó thực hiện và băn khoăn Bộ GD&ĐT sẽ làm như thế nào để hiện thực hóa được điều này.
Bên cạnh đó, đại biểu Hà Ánh Phượng đã đề cập về vấn đề lương của giáo viên và nhân viên trường học hiện nay. Theo báo Lao động, đại biểu cho rằng, thực tế qua 10 năm thực hiện chế độ tiền lương, mức thu nhập của nhà giáo vẫn thấp, thậm chí có nhóm nhà giáo không đủ trang trải cuộc sống của gia đình.
Để đảm bảo cuộc sống, nhiều người đã phải nghỉ, chuyển việc hoặc làm thêm; điều này dẫn đến tình trạng giáo viên chưa tròn vai và chưa tâm huyết với nghề.
Chính sách đối với giáo viên còn nhiều vấn đề chưa đạt hiệu quả. Ảnh minh họa
Theo đại biểu Hà Ánh Phượng, nhân viên trường học là một bộ phận thường chiếm tỉ lệ ít hơn 10% tổng biên chế của trường học nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành và phát triển của một ngôi trường. "Mặc dù họ làm việc 8 tiếng một ngày nhưng họ không được hưởng phụ cấp công vụ như công chức và họ cũng không được hưởng thâm niên như nhà giáo dù làm cùng một ngành.
Hiện nay phụ cấp của họ là rất thấp, có những vị trí không được hưởng phụ cấp gì. Vì vậy, đề nghị Quốc hội, Chính phủ trong cải cách tiền lương lần này cần quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo chính chất công việc, theo vùng đúng như Nghị quyết 29 đề ra", đại biểu Phượng nhấn mạnh.
Đồng thời đại biểu cũng đề nghị có giải pháp tăng lương và phụ cấp cho nhân viên trường học để họ yên tâm công tác, cống hiến với nghề, đáp ứng yêu cầu dạy học hiện nay.
Trao đổi về vấn đề tiền lương của giáo viên, báo Lao động dẫn lời đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho biết, nội dung cải cách tiền lương nhận được sự quan tâm rất lớn của các đại biểu Quốc hội cùng cử tri và nhân dân. Bộ phận cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước cũng rất kỳ vọng do tiền lương hiện đang ít ỏi so với mặt bằng giá cả chung.
Vừa qua, Chính phủ đã đề xuất 6 nội dung cải cách tiền lương từ 1/7/2024. Theo đó, nếu chính sách này được thông qua, mức lương của giáo viên ở một số bậc sẽ thay đổi đáng kể.
Theo nội dung của đề án cải cách tiền lương được thực hiện kể từ 1/7/2024. 6 nội dung cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được đề xuất gồm: Xây dựng 5 bảng lương mới; Chế độ phụ cấp; Chế độ tiền thưởng; Chế độ nâng bậc lương; Nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; Quản lý tiền lương và thu nhập.
Trước đó, nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 2018 quy định cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương).
Hệ thống lương mới dự kiến gồm 5 bảng lương, trong đó 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo (trong đó có giáo viên).
Bảo An (T/h)