Theo Tuổi Trẻ Online, chiều 15/2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Nêu ý kiến thảo luận, dưới góc độ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) đề nghị Chính phủ, Quốc hội có cơ chế chính sách, để có sự phối hợp liên kết giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI.
Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Văn Thân đề nghị cần có chỉ tiêu đánh giá KPI đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.
"Kết quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước qua các thời kỳ 3 tháng, 6 tháng, 1 năm. Những người hoàn thành và xuất sắc sẽ được chế độ, như tặng bằng khen, tặng thưởng theo cấp bậc khác nhau, thậm chí cả đề bạt, thăng chức", đại biểu Nguyễn Văn Thân nêu ý kiến.
Với 5 triệu hộ kinh doanh cần có nghĩa vụ nộp thuế bởi khi kinh doanh buôn bán thì phải có nghĩa vụ với xã hội. Nghĩa vụ thế nào thì các cơ quan chức năng chuyên môn phải đưa ra song phải tạo điều kiện, không gây phiền nhiễu.
"5 triệu hộ kinh doanh chúng ta vẫn chưa định nghĩa được, ủng hộ người ta hay không? Nhưng thực tế họ vẫn tồn tại, mà không thể không có. Phải có một giải pháp cụ thể với 5 triệu hộ kinh doanh này", ông phát biểu.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình). Ảnh: Tuổi Trẻ Online
Cũng theo đại biểu đoàn Thái Bình, các dự án không nên quá tập trung vào nhau, dự án thuộc Chính phủ thì Thủ tướng quyết, thuộc Bộ thì Bộ quyết, thuộc tỉnh thì tỉnh quyết. Điều này nhằm tránh phiền hà trong khi đấu thầu. Hiện nay, đấu thầu mất rất nhiều thời gian.
Với doanh nghiệp nhà nước, đại biểu Nguyễn Văn Thân cho rằng khi được giao nhiệm vụ gì thì làm nhiệm vụ đó, không nên lấn sân sang nhiệm vụ khác. Ví dụ, Tập đoàn Dầu khí làm về dầu khí, Vietnam Airlines làm về hàng không, điện lực làm điện lực… mới tập trung được.
Nếu lại tập trung vào bất động sản, tập trung "vào cái lọ, cái chai" thì không nên. Đại biểu kiến nghị Thủ tướng nên nghiên cứu việc giao nhiệm vụ cụ thể cho doanh nghiệp Nhà nước.
Đáng chú ý, đại biểu Nguyễn Văn Thân cũng cho rằng, tài nguyên, khoáng sản cần khai thác càng sớm càng tốt, không nên có tư duy để đấy cho con cháu, tư duy này là sai. Bởi nếu chúng ta làm được sẽ nhân tài sản để phát triển hạ tầng, phát triển những thứ đang cần thiết, theo thông tin trên Người Đưa Tin Pháp Luật.
"Không khác gì việc người dân đang để vàng trong két. Đây là vấn đề khai thác nguồn vốn trong dân, xã hội. Do đó tài nguyên cần khai thác được gì thì nên khai thác", đại biểu Nguyễn Văn Thân nói.
Ông đề xuất việc cần lưu ý quan tâm, lập ba vùng kinh tế lớn là Phú Quốc, Vân Phong và Vân Đồn như dự án điện hạt nhân.
Đồng thời, ông cho rằng cần tin tưởng giao việc cho doanh nghiệp tư nhân. Cuối cùng là gỡ bỏ các nút thắt đang triển khai của các dự án vi phạm hoặc vướng luật trên tinh thần vị mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Tham gia phát biểu, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nói quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng 8% trong năm 2025 là nguồn lực. Ông Trịnh Xuân An đồng tình đẩy mạnh đầu tư công và kiến nghị phải có chỉ tiêu về đầu tư tư vì nhóm này đang tăng trưởng 7-9% và có xu hướng giảm thời gian qua.
"Tăng đầu tư thì phải dựa vào nguồn lực tín dụng. Nếu tăng trưởng tín dụng bình bình 15-16% thì khó, phải tầm 18-19%. Tất nhiên có câu chuyện liên quan chính sách tiền tệ, lạm phát nhưng nếu không có tín dụng thì doanh nghiệp khó có nguồn vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh", đại biểu Trịnh Xuân An nói.
Ông hoan nghênh việc Chính phủ thay đổi phương thức quản trị khi giao chỉ tiêu tăng trưởng cho các địa phương. Ông đề nghị các chỉ tiêu này cần được giao cao hơn cho các địa phương là động lực tăng trưởng.
"Hà Nội, TP.HCM được giao tăng trưởng 8-8,5%. Đây là 2 đầu tàu tăng trưởng thì 2 thành phố tăng trưởng 2 con số được không? Nếu 2 thành phố tăng trưởng 2 con số thì sẽ đạt được mục tiêu chung cả nước", đại biểu Trịnh Xuân An nêu ý kiến.