Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đẩy mạnh hoạt động báo chí trong truyền thông chính sách

  • Hoàng Thị Bích
(DS&PL) -

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh, các cơ quan báo chí của Hội cần đẩy mạnh hơn công tác truyền thông chính sách, pháp luật...

Nhân dịp kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), Người Đưa Tin (NĐT) lắng nghe chia sẻ từ Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền về vai trò của báo chí trong vấn đề truyền thông chính sách, pháp luật trong bối cảnh mới.

“Nội dung có hay thì mới giữ chân được độc giả”

NĐT: Thưa Chủ tịch, Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp của giới luật gia trong cả nước. Xin Chủ tịch cho biết, các cơ quan báo chí trực thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam đã góp phần như thế nào trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Trung ương Hội và các cấp Hội?

Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Có thể khẳng định, trong suốt tiến trình phát triển, các cơ quan ngôn luận của Hội đã có những đóng góp quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các hoạt động pháp lý của Hội Luật gia Việt Nam và tăng cường thông tin tuyên truyền những hoạt động nổi bật của Hội Luật gia Việt Nam.

Đảng đoàn, Ban Thường vụ Trung ương Hội cũng đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, xuất bản và Trang thông tin điện tử tổng hợp của Trung ương Hội thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, tham gia tích cực vào việc tuyên truyền các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cho cán bộ, hội viên và nhân dân.

Đặc biệt là, chú trọng tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác của Hội Luật gia Việt Nam, đó là: Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 01/7/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới và các văn bản của Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương, các bộ, ngành về việc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị này; Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền.

NĐT: Bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các cơ quan báo chí của Hội Luật gia Việt Nam đã thực hiện tuyên truyền hoạt động Hội như thế nào, thưa Chủ tịch?  

Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Các cơ quan báo chí, xuất bản của Hội đã dành nhiều thời lượng tuyên truyền về các hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam và các cấp Hội trong toàn quốc. Nổi bật là tuyên truyền về các hoạt động triển khai thực hiện Chỉ thị số 14 của Bộ Chính trị; các hội nghị, hội thảo, tọa đàm góp ý kiến dự thảo nhiều văn bản Luật, nổi bật là dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); các hoạt động kỷ niệm ngày thành lập Hội Luật gia Việt Nam; Ngày pháp luật Việt Nam (09/11).

Các đơn vị báo chí cũng chú trọng đăng tải các thông tin về hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, những sự kiện chính trị, nổi bật là các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội khóa XV,...

Tạp chí điện tử và các chuyên trang của Tạp chí Đời sống và Pháp luật xuất bản tin, bài hàng ngày luôn bảo đảm tính chính xác, nhanh nhạy về thông tin; các tin bài ngày càng có chất lượng, có định hướng phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và Hội Luật gia Việt Nam.

Trong năm 2023 đã đăng hơn1.000 tin, bài tuyên truyền về pháp luật trên tạp chí in và tạp chí điện tử...Trang thông tin điện tử tổng hợp của Hội liên tục cập nhật thông tin về hoạt động của các cấp Hội, nhất là công tác tham gia xây dựng pháp luật, phổ biến pháp luật, tuyên truyềnpháp luậtvà trợ giúp pháp lý cho nhân dân. Trong năm 2023 Trang thông tin điện tử của Hội đã đăng tải 139 tin bài, 734 ảnh về hoạt động của Hội.

Nhiều bài viết tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên tạp chí in và tạp chí điện tử được các cơ quan, đơn vị và bạn đọc phản hồi có tác dụng thiết thực đối với người dân.

NĐT: Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, bên cạnh những thuận lợi thì đội ngũ những người làm báo cũng gặp phải không ít thách thức, chạy đua cạnh tranh thông tin với mạng xã hội. Vậy, xin Chủ tịch cho biết những người làm báo trong các cơ quan báo chí trực thuộc Hội Luật gia Việt Nam cần làm gì để phù hợp với bối cảnh mới?

Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Báo chí không nằm ngoài trục xoay của công cuộc chuyển đổi số toàn diện. Chuyển đổi số được xem là sự tiếp cận bắt buộc để báo chí thay đổi theo sự vận động mới của thời cuộc. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã ký quyết định số 348/QĐ-TTg, phê duyệt chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Điều đó cho thấy, việc ứng dụng công nghệ số vào tất cả các hoạt động của báo chí là điều tất yếu.

Đối với các cơ quan báo chí của Hội Luật gia Việt Nam, chúng tôi nhận thấy rằng đội ngũ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí đã luôn nỗ lực, có sự chuyển mình mạnh mẽ trên “xa lộ” thông tin. Luôn tạo cho mình một tâm thế vững vàng để đương đầu với mọi khó khăn, thách thức.

Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội (Facebook, zalo, tiktok)… người làm báo cần phải trau dồi thêm nhiều kỹ năng, ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình tác nghiệp. Bên cạnh đó, tôi cho rằng người làm báo cũng cần trau dồi thêm những kiến thức để nội dung của mình hay và chất lượng. Bởi công nghệ có hiện đại đến đâu, máy móc có tiên tiến đến đâu cũng không thể thay thế được sức sáng tạo của con người. Báo chí cũng vậy, nội dung có hay thì mới giữ chân được độc giả ở lại và quay lại với mình.

Tuyên truyền sâu rộng để đông đảo người dân được biết

NĐT: Xin Chủ tịch cho biết thêm về những nhiệm vụ trọng tâm mà các cơ quan báo chí của Hội cần tăng cường, đẩy mạnh truyền thông hơn nữa trong thời gian tới?

Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Các cơ quan báo chí của Hội cần bám sát đúng tôn chỉ mục đích, đồng thời cần dành nhiều thời lượng hơn trong việc tuyên truyền các hoạt động Hội; tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Chỉ thị số 14 của Bộ chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới.

Đặc biệt, năm nay cũng là năm cuối cùng các cấp Hội thực hiện các nhiệm vụ do Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIII đã đề ra, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2024-2029. Do đó, các cơ quan báo chí của Hội cần tăng cường tuyên truyền cho sự kiện quan trọng này.

Cùng với đó, các cơ quan báo chí cũng cầnđẩy mạnh hơn nữa trong công tác truyền thông chính sách, pháp luật; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; giám sát, phản biện xã hội; tham gia cải cách tư pháp, cải cách hành chính và thực hiện công tác đối ngoại nhân dân…của Hội Luật gia Việt Nam. Tuyên truyền sâu rộng để người dân biết, hiểu và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Có như vậy, chính sách, pháp luật mới đi vào thực tiễn đời sống.

Người làm báo cần phải trau dồi thêm nhiều kỹ năng trong quá trình tác nghiệp.

NĐT: Nhân dịp kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, với cương vị là lãnh đạo Hội, Chủ tịch có kỳ vọng và gửi gắm điều gì đối với các cơ quan báo chí nói chung và cơ quan báo chí trực thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam nói riêng trong công tác truyền thông?

Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, báo chí cách mạng phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, thực sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, đoàn thể xã hội và là diễn đàn của nhân dân, cầu nối “ý Đảng với lòng dân”, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Để làm được điều đó, đội ngũ những người làm báo cần phải tích cực trau dồi, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, nghiệp vụ… Đồng thời, phản ánh kịp thời diễn biến mọi mặt của đời sống xã hội, đưa đến những tin tức mang hơi thở, nhịp đập của cuộc sống.

Phát huy truyền thống vẻ vang của người làm báo, dù còn nhiều khó khăn, thử thách, đặc biệt là tác động mạnh mẽ, trực tiếp trước sự phát triển của các công cụ truyền thông hiện đại, sự thay đổi xu hướng phát triển báo chí... mỗi nhà báo, mỗi người làm báo và cơ quan báo chí cần quán triệt tinh thần báo chí cách mạng, đầu tư nguồn lực xây dựng đội ngũ người làm báo và cơ quan báo chí vững về bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, tinh thông nghiệp vụ, làm chủ công nghệ làm báo hiện đại.

Nhân kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam, tôi xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến đông đảo đội ngũ người làm báo trên cả nước. Chúc các nhà báo “lòng trong, bút sắc”; xứng đáng là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!

Tin nổi bật