Người bố hy vọng hành động của mình sẽ giúp con biết quý trọng đồng tiền hơn, không ngờ lại hình thành nên trong cậu bé nhận thức sai lệch như vậy.
Trang ETToday vào hôm 27/2 vừa qua đã đưa tin về việc một ông bố ở Thành Đô, Tứ Xuyên (Trung Quốc) dạy con trai 6 tuổi bài học quý trọng đồng tiền.
Cụ thể, ông bố này họ Cam, hiện đang là chủ của 2 nhà máy tại địa phương, điều kiện gia đình rất tốt, cuộc sống dư dả và thoải mái. Vợ chồng ông Cam có với nhau 2 người con, một gái một trai.
Lớn lên trong gia đình giàu có từ nhỏ, con gái ông Cam không biết từ bao giờ đã có thói quen chi tiêu hoang phí. Số tiền tiêu vặt mỗi năm của cô bé lên đến 400.000 – 500.000 NDT (khoảng 1,4 – 1,8 tỷ đồng).
Không muốn con trai Đậu Đậu học theo thói xấu của chị gái, vợ chồng ông Cam quyết định phải dạy cho con biết phải trân trọng đồng tiền ngay từ nhỏ. Nói là làm, từ khi Đậu Đậu lên 2 tuổi, ông bố đại gia này chỉ cho con trai mua 1 món đồ mỗi tuần. Đặc biệt, món đồ này phải có giá trị không quá 30 NDT (khoảng 106.000 đồng).
Vào năm Đậu Đậu 6 tuổi, cậu bé đã được cha mẹ đưa đến nhà máy nhưng không phải đến chơi mà là để làm việc. Đổi lại, cậu bé sẽ được trả tiền công như nhiều công nhân khác trong nhà máy.
Đậu Đậu được bố mẹ đưa đến nhà máy làm việc với mong muốn giúp con biết quý trọng tiền bạc, chi tiêu hợp lý. |
Mùng 2 Tết năm nay, Đậu Đậu bắt đầu công việc dán nhãn mác cho các sản phẩm như đã được hướng dẫn trước đó. Mỗ buổi làm việc của Đậu Đậu kéo dài hơn một giờ. Trung bình mỗi ngày, cậu bé có thể dán được khoàng 700 – 800 nhãn mác/ ngày.
Chỉ sau hơn 10 ngày miệt mài làm việc, cậu bé đã tự mình kiếm được hàng chục NDT. Chi tiêu một phần số tiền đó, Đậu Đậu còn giữ lại được 45 NDT (khoảng 160.000 đồng). Ông bố luôn nghĩ những ngày làm việc qua sẽ giúp con trai ý thức được giá trị, biết trận trọng đồng tiền, từ đó chi tiêu hợp lý.
Nhưng không, kết quả là Đậu Đậu luôn cho rằng mọi thứ xung quanh quá đắt đỏ, tiêu tiền tiết kiệm hết mức. Cậu bé thậm chí không dám chi tiền để mua bất cứ thứ gì, ngay cả khi đó chỉ là một cây kẹo mút 5 xu. Cậu bé thậm chí còn ngăn mẹ đi làm tóc với lý do bỏ ra mấy trăm NDT để uốn tóc là “quá xa xỉ”.
“Trước đây, con trai tôi chỉ tính toán chi li với bản thân. Bây giờ, nó cản người khác dùng tiền luôn rồi”, ông Cam nói, giọng ngậm ngùi.
Bất lực không biết phải uốn nắn lại hai con về cách tiêu tiền như thế nào, vợ chồng ông Cam đành tìm sự hỗ trợ của các cá nhân và tổ chức bên ngoài. Hiện, câu chuyện này vẫn đang thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng mạng.
Đinh Kim (T/h)