Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đầu tư hướng nghiệp cho học sinh bằng phần mềm công nghệ hiện đại

(DS&PL) -

Để đẩy mạnh công tác hướng nghiệp cho học sinh, Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu các trường cần vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn phù hợp, áp dụng công nghệ thông tin.

Để đẩy mạnh công tác hướng nghiệp cho học sinh, Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu các trường cần vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn phù hợp, áp dụng công nghệ thông tin.

Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác hướng nghiệp

Ngày 23/3, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM tổ chức hội nghị “Tập huấn kỹ năng hướng nghiệp và giới thiệu các công cụ, mô hình mới thực hiện công tác hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông, năm học 2020 – 2021”.

Hội nghị dành cho các trưởng phòng GD&ĐT TP.Thủ Đức và các quận/huyện; các hiệu trưởng trường THPT, trung cấp, cao đẳng trực thuộc và Giám đốc trung tâm GDTX, GDNN-GDTX trên địa bàn TP.HCM.

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”.

Trong đó, cả nước phấn đấu đến năm 2025, 100% trường THCS và THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương. Đối với các trường ở địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 80%.

Bên cạnh đó, đến năm 2025, 100% trường THCS và THPT trên cả nước phấn đấu có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ.

Đảm bảo ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng.

Để thực hiện các mục tiêu đó, các trường cần quan tâm việc đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông.

Cụ thể, các trường cần đổi mới nội dung giáo dục hướng nghiệp thông qua các môn học và hoạt động giáo dục, đa dạng hóa và vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp lứa tuổi học sinh, cung cấp kịp thời thông tin về cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chính sách đối với người học các trình độ giáo dục nghề nghiệp, cơ hội khởi nghiệp và tìm kiếm việc làm…

TS.Lê Thị Thanh Mai, Đại học Quốc Gia TP.HCM

Báo cáo tại hội nghị, TS.Lê Thị Thanh Mai, Đại học Quốc Gia TP.HCM cho rằng: “Kết thúc bậc THPT, học sinh cần phải xác định bản thân mình muốn làm gì trong tương lai. Để làm công việc đó thì phải học ngành gì. Để học ngành đó, có trường nào đào tạo, điều kiện tuyển sinh của các trường ra sao”.

Từ các bước chọn ngành nghề này, thí sinh cần xem lại năng lực của mình với yêu cầu, điều kiện tuyển sinh mình có đáp ứng được hay không và những tiêu chuẩn còn thiếu. Nếu thiếu về năng lực học tập thì cải thiện năng lực học tập, thiếu kỹ năng thì phải rèn luyện trong quá trình học phổ thông.

Đồng quan điểm, TS.Đào Lê Hoà An, Ủy viên BCH TW Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam nhận định: “Nhiều thí sinh được người thân định hướng, tư vấn tốt nên lựa chọn được ngành nghề, trường học phù hợp với năng lực cá nhân và các điều kiện khác. Nhưng cũng không ít thí sinh lựa chọn nhầm do chưa hiểu bản chất của nghề mình học”.

TS.Đào Lê Hoà An, Ủy viên BCH TW Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam

Vì thế, công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp phải được đẩy mạnh và chuyên nghiệp hơn, giúp thí sinh luôn chủ động, biết cách thích ứng với biến động của thị trường lao động.

Chọn lựa hình thức tư vấn phù hợp

Hội nghị còn tập huấn, hướng dẫn rõ hơn về các mô hình, công cụ hỗ trợ tổ chức hướng nghiệp cho học sinh, phụ huynh và những nội dung trong hoạt động tuyển sinh và hướng nghiệp. Lãnh đạo các trường THPT và đơn vị trực thuộc đã được tiếp cận phần mềm tư vấn hướng nghiệp YOOT.

Đây là phần mềm truy cập hoàn toàn miễn phí dành cho học sinh và giáo viên nhằm có thêm kênh thông tin tham khảo định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

TS.Phan Công Chính - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc công ty cổ phần công nghệ YOOT

Thông qua phần mềm cài đặt trên điện thoại, học sinh có thể thực hiện bài trắc nghiệm tính cách làm cơ sở lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Sau khi xác định lựa chọn nghề nghiệp, các em được cung cấp thông tin của hơn 400 ngành đào tạo của các trường cao đẳng và đại học, trực tiếp gửi câu hỏi đến bộ phận tuyển sinh của các trường thông qua phần mềm liên kết.

Đặc biệt, phần mềm có hơn 100 video clip giới thiệu về các ngành nghề phổ biến trong xã hội thông qua hình thức mô tả “người thật, việc thật” giúp học sinh và giáo viên có thêm nhiều kiến thức, hiểu biết về các ngành nghề lao động trong xã hội.

Theo lịch tuyển sinh của các trường, thời điểm tháng 3 - 5 là lúc cao điểm của những buổi tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh cho học sinh lớp 12 trên cả nước. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 đã khiến các buổi tư vấn trực tiếp không thể thực hiện.

“Trong bối cảnh đó, các phần mềm hỗ trợ hướng nghiệp như YOOT sẽ trở thành một giải pháp hiệu quả giúp học sinh, các bậc cha mẹ và cả các trường bớt đi nỗi lo khi mùa tuyển sinh sắp đến”, TS.Phan Công Chính - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc công ty cổ phần công nghệ YOOT đánh giá.

Tại hội nghị, lãnh đạo sở GD&ĐT TP.HCM nhấn mạnh, ngành giáo dục TP.HCM hướng đến mục tiêu mỗi học sinh đều được trang bị những kỹ năng tiếp cận, phát hiện, khám phá, lựa chọn và phát triển nghề nghiệp bản thân phù hợp với sở thích, năng lực, điều kiện kinh tế gia đình và nhu cầu của xã hội.

Theo định hướng đang thực hiện, chương trình giáo dục phổ thông được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn từ lớp 1 đến lớp 9 là giáo dục cơ bản và từ lớp 10 đến lớp 12 là giáo dục định hướng nghề nghiệp.

Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM chỉ ra: “Thời gian 3 năm ở bậc THPT, học sinh sẽ được định hướng nghề nghiệp thông qua các môn học được lựa chọn phù hợp năng lực, sở thích và nghề nghiệp sau này. Do đó, các thầy, cô giáo có nhiệm vụ truyền đạt kỹ năng, phương pháp, công cụ cho học sinh định hướng nghề nghiệp phù hợp”.

Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM

Tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, mỗi trường phổ thông có từ 1-2 giáo viên thực hiện công tác tư vấn hướng nghiệp, tiếp xúc từng cá nhân học sinh để có hướng dẫn, hỗ trợ học sinh lựa chọn tổ hợp môn học phù hợp định hướng nghề nghiệp sau này. Nhưng công tác hướng nghiệp của nhà trường tại Việt Nam hiện nay đa phần là kiêm nhiệm.

Vì thế, ông Dũng yêu cầu: “Mỗi nhà trường cần có kế hoạch cụ thể, nâng cao hiệu quả tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, xây dựng trong chương trình giáo dục buổi 2 để tổ chức các hoạt động giáo dục hướng nghiệp nhằm phát huy hơn nữa vai trò định hướng, hỗ trợ học sinh của ngành giáo dục TP.HCM”.

H.N

Tin nổi bật