Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đấu thầu tại Sở GD&ĐT Thanh Hóa: Sản phẩm “đội giá”, dấu hiệu phạm luật?

(DS&PL) -

Trúng thầu sát giá, nhiều sản phẩm có giá cao bất thường, vi phạm luật đấu thầu,… đó là tình trạng đang diễn ra tại các gói thầu do Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư

Trúng thầu sát giá, nhiều sản phẩm có giá cao bất thường, vi phạm luật đấu thầu,… đó là tình trạng đang diễn ra tại các gói thầu do Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư.

Vi phạm luật đấu thầu

Đánh giá một cách khách quan, tỉnh Thanh Hóa vẫn còn nhiều vùng địa phương đặc biệt khó khăn. Vì vậy, mua sắm trang thiết bị và đồ dùng học tập để tăng cường chất lượng dạy và học cho học sinh là một trong mục tiêu hàng đầu của UBND tỉnh Thanh Hóa và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa (Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa).

Nắm bắt tinh thần đó, năm học 2019-2020, ngoài việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học trên địa bàn. Một nguồn ngân sách không nhỏ cũng được chi tiêu mua sắm đồ dùng học tập, sách giáo khoa và thiết bị đồ dùng cho khu nội trú,… để chăm sóc tốt hơn cho các em học sinh. Lợi ích các em học sinh được hưởng thì đã thấy rõ nhưng, được hưởng xứng đáng với số tiền ngân sách chi ra hay không còn là một dấu hỏi lớn.

Theo tìm hiểu, thống kê 7 gói thầu mua sắm hàng hóa do Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa tổ chức đấu thầu năm 2019-2020, với vốn chi ngân sách 81.429.406.490 đồng. Sau đấu thầu, chỉ tiết kiệm cho ngân sách chưa đầy 1%. Cá biệt, nhiều gói thầu mua sắm trực tiếp có giá dự toán bằng giá trúng thầu.

Sở GD&ĐT Thanh Hóa

Tìm hiểu sâu hơn, dường như chỉ có 3 nhà thầu là Công ty TNHH Thiết bị Giáo dục Nam Hoa (Công ty Nam Hoa); Công ty cổ phần Đầu tư Hoàng Đạo (Công ty Hoàng Đạo); Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Thanh Hóa (Công ty Thanh Hóa) thay nhau trúng thầu.

3 nhà thầu thay nhau trúng hàng loạt các gói thầu mua sắm tại Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa

Theo đó, tại gói thầu “Gói thầu số 02: Mua sắm thiết bị đồ dùng học tập và đồ chơi cho học sinh của 41 trường Mầm non năm 2019”, có 3 đơn vị tham gia đấu thầu là Công ty Tuyết Nga, Công ty Nam Hoa (đơn vị trúng thầu) và Công ty Thanh Hóa. Giá dự toán của gói thầu là 4.462.435.490 đồng, Công ty Tuyết Nga xếp thứ nhất với giá dự thầu chỉ 3,18 tỷ đồng nhưng bị đánh trượt vì lý do không đạt về năng lực và kinh nghiệm.

Điều khó lý giải là, Công ty Tuyết Nga cách đó không lâu đã từng trúng một gói thầu tương tự về quy mô, tính chất tại chính Sở GD&ĐT Thanh Hóa. Công ty Thanh Hoa năm 2017 cũng từng trúng một gói thầu tương tự quy mô gần gấp đôi tại chính Sở GD&ĐT Thanh Hóa nhưng năm 2018 bỗng nhiên bị “đánh trượt” do bỏ giá thầu cao hơn Công ty Nam Hoa gần 1 triệu đồng.

Một trong những điểm bất thường trong công tác đấu thầu tại Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa là yêu cầu về nhãn hiệu hàng hóa và đưa ra các công nghệ độc quyền của hãng trong yêu cầu kỹ thuật tại các gói đấu thầu rộng rãi.

Cụ thể, tại “Gói thầu số 03: Mua sắm thiết bị dạy học cho học sinh 41 trường THCS năm 2019”, đơn vị trúng thầu là Công ty Thanh Hóa. Trong gói Hồ sơ mời thầu của chủ đầu tư lập ra một loạt hàng rào phi kỹ thuật, đưa ra các“công nghệ độc quyền trong sản phẩm” nhưng gần như chỉ định nhãn mác hàng hóa. Đơn cử, hạng mục mua sắm “Tivi” cho học sinh bán trú với giá Smart TV 43inch giá 16.751.000 đồng (cùng thương hiệu, thông số trên thị trường chưa tới 10 triệu đồng). Hơn nữa, tại Hồ sơ mời thầu Chủ đầu tư đưa vào một số điều kiện là những công nghệ độc quyền trên TV LG: “Hệ điều hành, giao diện: WebOS; Điều khiển tivi bằng điện thoại: LG Tivi Plus; Công nghệ âm thanh: Clear Voice, Dolby Audio, One Touch Sound Tuning, LG Sound Sync, DTS”.

Tương tự, cũng tại gói thầu này, hạng mục mua sắm “Tủ lạnh” cũng đưa những công nghệ độc quyền vào gói Hồ sơ mời thầu như yêu cầu: “Công nghệ khử mùi, kháng khuẩn: Hybrid Bio, Double Deodorizer” lại chỉ có trên hãng Toshiba.

Tại Gói thầu số 02: Mua sắm thiết bị đồ dùng nhà ăn, nhà bếp và thiết bị đồ dùng khu ở nội trú cho các trường TPDTBT THCS thuộc “Chương trình mục tiêu Giáo dục vùng núi, dân tộc thiểu số, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2018 và năm 2019”. Hồ sơ mời thầu yêu cầu cụ thể nhãn hàng hóa cho hạng mục vật tư chính mang nhãn hiệu Kizt

Liên quan đến vấn đề trên, Luật sư Mai Quốc Việt - Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng cho biết: Theo Quy định tại điểm i, khoản 6 Điều 89 Luật Đấu thầu 2013, về các hành vi bị cấm trong đấu thầu: “Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế”.

“Như vậy, hành vi yêu cầu về nhãn hiệu hàng hóa và đưa ra các công nghệ độc quyền của hãng trong yêu cầu kỹ thuật tại các gói đấu thầu rộng rãi của Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đấu thầu”, luật sư Việt nhận định.

Sản phẩm trúng thầu có giá cao bất thường so với thị trường

Một tình trạng đáng báo động trong các gói thầu tại Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa là hàng loạt hàng hóa mua sắm có dấu hiệu cao bất thường so với giá thị trường.

Theo tài liệu PV có được, tại “Gói thầu số 02: Mua sắm TB đồ dùng NA, NB và TB đồ dùng khu ở nội trú cho các trường PTDTBT THCS thuộc Chương trình mục tiêu GD vùng núi, vùng DTTS, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh TH năm 2018 và 2019”, có nhiều hạng mục “đội giá” như: Thau Inox D52 giá 845.000 đồng; van điều áp cấp 1 (40kg) giá 3.490.000 đồng (Van điều áp cùng loại trên thị trường chỉ chỉ có 700.000 đồng – giá bán lẻ); Bát con giá 35.000 đồng, đĩa đựng thức ăn 60.000 đồng; Đàn Organ Trung Quốc 25.200.000 đồng (một sản phẩm đảm bảo đầy đủ yêu cầu kỹ thuật theo Hồ sơ mời thầu giá thị trường chưa đến 2 triệu đồng),…

Có sản phẩm bị đội giá gấp nhiều lần so với giá thị trường

Hay tại Gói thầu số 03: Mua sắm thiết bị dạy học cho học sinh 41 trường THCS năm 2019” tình trạng cũng diễn ra tương tự. Với danh mục 340 hạng mục mua sắm đều có xuất xứ từ Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học TP Hồ Chí Minh – hàng Việt Nam. PV vào đúng website của nhà cung cấp này để lấy báo giá so sánh. Dường như, hiện tượng “đội giá” gói thầu đã trở thành hệ thống khi báo giá tại website: http://stb.com.vn/vi/ có những loại hàng hóa mua sắm thấp hơn rất nhiều so với giá trúng thầu của Công ty Thanh Hóa. Cụ thể, PV liệt kê một số hạng mục dưới đây.

Bảng so sánh giá từ Website: http://stb.com.vn/vi/ của Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học TP. Hồ Chí Minh


Thấu kính phân kỳ có báo giá 93.500 đồng từ nhà cung cấp, Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa mua giá gấp 3 lần

Đánh giá về tình trang này, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Đấu thầu là quá trình chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu đáp ứng các yêu cầu của mình. Trong đó, bên mua sẽ tổ chức đấu thầu để bên bán (các nhà thầu) cạnh tranh nhau. Mục tiêu của bên mua là có được các hàng hóa và dịch vụ thỏa mãn các yêu cầu của mình về kĩ thuật, chất lượng và chi phí thấp nhất. Mục đích của nhà thầu là giành được quyền cung cấp mua hàng hóa với giá đủ bù đắp các chi phí đầu vào và đảm bảo mức lợi nhuận cao nhất có thể. Thế nhưng, tôi không hiểu tại sao giá Smart TV 43inch giá thị trường chưa tới 10 triệu đồng lại được đẩy lên mức giá 16.751.000 đồng. Vậy đây là một dấu hiệu bất thường, trái với tinh thần của Luật Đấu thầu”.

Trước dấu hiệu vi phạm Luật Đấu thầu 2013, “đội giá” thiết bị, không công khai Model và xuất xứ hàng hóa trên mạng đấu thầu Quốc gia. Những nghi ngại về việc sử dụng vốn đầu tư công có đảm bảo cần câu trả lời từ phía Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa. Cũng không hiểu lý do gì, sau nhiều ngày liên hệ làm rõ những điểm nghi vấn nêu trên, Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa hoàn toàn im lặng.

Lê Tuấn - Duy Trung

Tin nổi bật