Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đấu thầu tại Sở GD-ĐT Thanh Hóa: Tiết kiệm 0 đồng, giá sản phẩm gấp đôi thị trường

(DS&PL) -

Là đơn vị nhận được nhiều sự “ưu ái” đến từ Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, khi liên tục trúng nhiều gói thầu trị giá hàng chục tỷ đồng. Song điều đáng nói ở các gói thầu mà doa

Là đơn vị nhận được nhiều sự “ưu ái” đến từ Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, khi liên tục trúng nhiều gói thầu trị giá hàng chục tỷ đồng. Song điều đáng nói ở các gói thầu mà doanh nghiệp này trúng gần như tiết kiệm cho ngân sách là 0 đồng. Ngoài ra, nhiều giá trị hàng hóa mua sắm có giá cao gấp đôi giá thị trường.

Gần đây, Tạp chí Đời sống & Pháp luật nhận được phản ánh của độc giả về tình trạng doanh nghiệp tham gia đấu thầu tại Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, trúng nhiều gói thầu có giá trị tiết kiệm 0 đồng. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm trong gói thầu mua sắm có giá trị cao hơn rất nhiều so với thị trường. Một trong những doanh nghiệp được chỉ đích danh là Công ty TNHH Thiết bị giáo dục Nam Hoa (Công ty Nam Hoa), có địa chỉ tại 36 Quang Trung, phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hoá.

Đấu thầu tiết kiệm 0 đồng

Một trong những điểm đáng chú ý ở các gói thầu mà Công ty Hoa Nam trúng thầu, ngân sách nhà nước gần như không tiết kiệm được đồng nào, nếu có cũng không đáng kể. Đơn cử như 3 gói thầu gần đây nhất mà doanh nghiệp này trúng trong năm 2020, chỉ duy nhất gói thầu gần 100 tỷ (QĐ 7/9) có thay đổi về giá. Cụ thể, giá gói thầu đưa ra là 88.597.160 đồng. Giá liên danh các nhà thầu trúng là 86.968.916.800 đồng. Như vậy, tiết kiệm ngân sách được 1,6 tỷ - tương ứng 1,8% (chưa được 2%).

Trong khi đó, tại gói thầu số 2 “Mua sắm thiết bị đồ dùng nhà ăn, nhà bếp và thiết bị đồ dùng khu ở nội trú cho các trường PTDTBT THCS thuộc Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn năm 2020” được Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa phê duyệt cho Công ty Nam Hoa ngày 8/4, có giá trị là 11.160.351.000 VNĐ. Với mức giá trúng thầu bằng với giá dự toán ban đầu. Điều này đồng nghĩa, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước ở mức 0 đồng.

Cũng với “kịch bản” tương tự, tại gói thầu số 1 “Mua sắm thiết bị đồ dùng học tập và đồ chơi cho học sinh 30 Trường Mầm non năm 2020”, Công ty Nam Hoa tiếp tục được Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa “chọn mặt gửi vàng”. Và ở gói thầu này, giá dự toán cũng bằng với giá mà doanh nghiệp này đưa ra đó là 3.263.340.000VNĐ.

Giá trị sản phẩm nhảy múa

Ngoài những bất thường trong việc trúng nhiều gói thầu tại Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, với giá trị tiết kiệm ngân sách 0 đồng. PV còn phát hiện tại một số gói thầu mà công ty Nam Hoa tham gia tại Sở này có nhiều hàng hóa mua sắm cao bất thường so với giá thị trường.

Chẳng hạn, tại gói thầu số 2 “Mua sắm TB đồ dùng NA, NB và TB đồ dùng khu ở nội trú cho các trường PTDTBT THCS thuộc Chương trình mục tiêu GD vùng núi, vùng DTTS, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2018 và 2019” có nhiều hạng mục “đội giá” như: Thau Inox D52 giá 845.000 đồng; van điều áp cấp 1 (40kg) giá 3.490.000 đồng (Van điều áp cùng loại trên thị trường chỉ chỉ có 700.000 đồng – giá bán lẻ); Bát con 35.000 đồng, đĩa đựng thức ăn 60.000 đồng; Đàn Organ Trung Quốc 25.200.000 đồng (một sản phẩm đảm bảo đầy đủ yêu cầu kỹ thuật theo Hồ sơ mời thầu giá thị trường chưa đến 2 triệu đồng),…

Giá dự toán do bên mời thầu đưa ra cao gấp đôi so với giá thị trường với cùng một loại sản phẩm

Tương tự, tại gói thầu số 03 “Mua sắm thiết bị dạy học cho học sinh 41 trường THCS năm 2019”. Với danh mục 340 hạng mục mua sắm đều có xuất xứ từ Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học TP.Hồ Chí Minh. Khi truy cập vào website của nhà cung cấp này để lấy báo giá so sánh. PV nhận thấy, hiện tượng “đội giá” gói thầu gần như đã trở thành hệ thống, khi báo giá tại website: http://stb.com.vn/vi/ có những loại hàng hóa mua sắm thấp hơn rất nhiều so với giá trúng thầu của Công ty Nam Hoa. 

Đơn cử như sản phẩm thấu kính hội tụ có giá 181.500VNĐ, trong khi giá doanh nghiệp dự thầu là 357.400VNĐ). Hay sản phẩm giá quang học có giá 223.300VNĐ, còn giá doanh nghiệp dự thầu là 405.700VNĐ. Ngoài ra, một số sản phẩm như thấu kính phân kì, âm thoa, búa cao su,động cơ điện, máy phát điện…. đều có giá chênh lệch cao gấp 2 lần so với giá thị trường.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu, việc đấu thầu công khai, minh bạch các gói thầu của dự án là để đảm bảo chủ đầu tư lựa chọn được nhà thầu có năng lực tốt nhất thực hiện dự án, tiết giảm được tối đa cho vốn đầu tư. Vì vậy, nếu không công bằng và minh bạch sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.

Trong khi đó, nhiều gói thầu tại Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa lại xuất hiện tình trạng giá dự thầu bằng với giá dự toán, hay giá trị của sản phẩm ngoài thị trường cao hơn rất nhiều so với yêu cầu của bên mời thầu đưa ra.

Từ những bất thường này, các cơ quan thanh tra, kiểm toán cần vào cuộc điều tra, làm rõ xem có dấu hiệu tiêu cực trong hoạt động đầu tư, móc ngoặc giữa chủ đầu tư và nhà thầu hay không? Trường hợp, phát hiện sai sót, hoặc có dấu hiệu “đi đêm” giữa các bên liên quan thì cần phải có biện pháp xử lý nghiêm, nhằm bảo đảm sự minh bạch, trong sạch trong hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu. Từ đó bảo đảm nguồn ngân sách được sử dụng hiệu quả.

Dương Nguyễn

Tin nổi bật