Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đấu giá tòa nhà cao nhất Bạc Liêu xây thời Trịnh Xuân Thanh còn tại vị

(DS&PL) -

Tòa nhà Bạc Liêu Tower là tổ hợp thương mại, khách sạn và cao ốc văn phòng, có tổng mức đầu tư là trên 230 tỷ đồng.

Tòa nhà Bạc Liêu Tower là tổ hợp thương mại, khách sạn và cao ốc văn phòng, có tổng mức đầu tư là trên 230 tỷ đồng, được xây dựng và hoàn thành lúc Trịnh Xuân Thanh còn nắm quyền tại PVC.

Ngày 19/12, nguồn tin của PV Dân trí cho biết, Công ty Bán đấu giá tài sản Nguyên Tâm (Cần Thơ) chính thức thông báo bán đấu giá tòa nhà Bạc Liêu Tower.

Tòa nhà Tower Bạc Liêu là tài sản của Chi cục Thi hành án dân sự TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu). Đây là tòa nhà 18 tầng được cho là cao nhất Bạc Liêu, được xây dựng trên diện tích 1.541m2, do Công ty Cổ phần phát triển đô thị Dầu khí- PVC MêKong, một công ty con của Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam- PVC) làm chủ đầu tư.

Tòa nhà là tổ hợp thương mại, khách sạn và cao ốc văn phòng, có tổng mức đầu tư là trên 230 tỷ đồng. Đây là tòa nhà được xây dựng và hoàn thành lúc Trịnh Xuân Thanh còn nắm quyền tại PVC.

Thông báo đấu giá cho biết, giá khởi điểm của tòa nhà được niêm yết là trên 147 tỷ đồng. Thời gian dự kiến đấu giá vào ngày 25/1/2019.

Trước đó, tòa nhà này cũng tổ chức đấu giá nhiều lần nhưng không thành công.

Đấu giá tòa nhà cao nhất Bạc Liêu xây thời Trịnh Xuân Thanh còn tại vị. Ảnh: Vietnamnet

Thực tế, PV Gas là đơn vị đầu tiên tham gia dự án nêu trên, sau đó chuyển lại cho PVC-Mekong - công ty mà Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí (PVC) thời Trịnh Xuân Thanh góp vốn.

Tính đến cuối 2013, số tiền PVC dưới thời Trịnh Xuân Thanh rót vào PVC-Mekong là 153 tỷ đồng, trong đó có 30 tỷ đồng lấy từ tiền tạm ứng hơn 1.300 tỷ của dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Số tiền này được cho là chi sai mục đích. Kết quả kinh doanh của PVC Mekong khi ấy cũng không mấy tươi sáng, lâm vào thua lỗ.

Sau khi tiếp nhận lại Dự án Bạc Liêu Tower từ PV Gas, PVC-Mekong đã kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn thực hiện dự án, tuy nhiên không có nhà đầu tư tham gia. Để đủ nguồn lực triển khai dự án, PVC-Mekong đã xây dựng phương án tăng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng vay vốn sản xuất kinh doanh và thực hiện dự án. Ngày 26/4/2011, ĐHĐCĐ PVC-Mekong đã thông qua Nghị quyết số 01 việc tăng thêm 400 tỷ đồng vốn điều lệ, nhưng đến tháng 2/2012, các cổ đông góp vốn chỉ đạt 180/400 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2017, PVC-Mekong còn nợ gốc vay tại Oceanbank là hơn 119 tỷ đồng và chi phí lãi vay tính đến 31/12/2016 là 115 tỷ đồng (bao gồm lãi, phạt chưa thanh toán là 47 tỷ đồng), các chi phí vay này làm cho PVC-Mekong mất cân đối về tài chính.

Vào tháng 9/2016, UBND tỉnh Bạc Liêu và PVN cùng thống nhất chuyển nhượng tòa nhà với giá trị khoảng 198 tỷ đồng. Có thời điểm, UBND tỉnh Bạc Liêu định mua lại tòa nhà để làm trụ sở làm việc cho một số cơ quan ban ngành của tỉnh, tránh gây lãng phí tài sản. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với các Bộ, ngành liên quan không đồng ý việc Bạc Liêu dùng ngân sách mua lại tòa nhà này. Hơn nữa, tòa nhà không còn của PVN mà đây là tài sản đã thế chấp ngân hàng nên đã đề nghị Bạc Liêu thận trọng khi mua lại.

Vũ Đậu (T/h)

Tin nổi bật