Tin từ ông Bùi Văn Vỹ, Chủ tịch UBND xã Phổ Nhơn, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) cho biết, 4/6 người bị thương trong vụ nổ đầu đạn đang được các y bác sĩ Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi tập trung cứu chữa.
Hiện 2 người đã hồi phục và xuất viện gồm Phạm Văn Sinh và Phạm Văn Hoàng. Riêng 4 anh em Phạm Văn Trị, Phạm Thị Trinh, Phạm Thị Trệ và Phạm Văn Đăng, tuy sức khoẻ dần hồi phục, nhưng vẫn đang tiếp tục điều trị, chăm sóc tại bệnh viện Quảng Ngãi. Trong đó, trường hợp chị Phạm Thị Trinh phải điều trị tại bệnh viện thời gian dài do nhiều vết thương nặng trên người, như trên bụng và chân.
Được biết hoàn cảnh của 6 người bị thương đều khó khăn, hàng ngày phải đi làm thuê phát rẫy, đốn cây. Tuy ở huyện Ba Tơ, số người trên làm thuê đi theo đoàn xuống thôn Phước Thượng, xã phổ Nhơn, huyện Đức Phổ, hàng ngày chặt mía rẫy thuê, tối về ngủ chòi gần rẫy.
Chị Phạm Thị Trinh với nhiều vết thương trên người. Ảnh: T.T |
Anh Phạm Văn Trị kể lại: “Lúc đó khoảng 15h ngày 9/4, sau khi phát rẫy xong, chúng tôi quay về chòi nghỉ ngơi. Một mình tôi đi tìm rau rừng về nấu ăn, tình cờ phát hiện một cục sắt dài khoảng 30cm. Tôi nghĩ là cục sắt bình thường nên nhặt lên bỏ túi đem về căn chòi”. Lúc này tại căn chòi có nhiều người, đa số là phụ nữ chuẩn bị bếp núc cơm tối. Số đàn ông còn lại ra suối tắm. Anh Trị cầm cục sắt quơ cho mọi người xem. Anh Phạm Văn Đăng là chồng chị Trệ la to: “Coi chừng nổ đấy. Đó là đầu đạn”. "Lúc này tôi mới biết cục sắt trên tay mình là đầu đạn, kinh hãi tôi vội ném đầu đạn đi, thì cũng là lúc đầu đạn phát nổ. Tiếng nổ long trời, tôi ngã xuống choáng váng mặt mày. Tỉnh lại tôi mới biết mình cùng các em ruột và một số người khác bị thương”, anh Trị kinh hãi kể lại.
Quảng Ngãi năm nào cũng xảy ra vụ thương vong bom, đạn. Biết rằng bom, đạn hết sức nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn đùa giỡn với tử thần. Bom đạn còn sót lại sau chiến tranh vẫn còn nhiều trong lòng đất. Trong khi đó, nhiều người dân còn thiếu hiểu biết, không biết phân biệt bom, đạn. Đặc biệt là trẻ em nhỏ tuổi, thường đùa nghịch bom đạn khi nhặt được. Chị Phạm Thị Trệ bộc bạch: “Trình độ học vấn chúng tôi ít nên không rành về nguy hiểm bom, đạn. Trong khi đó hàng ngày chúng tôi tiếp xúc làm việc trên nương rẫy cũng hay gặp những cục sắt không biết có nổ hay không”.
Một đầu đạn được người dân phát hiện. Ảnh: T.T |
Được biết những năm qua, ở huyện Đức Phổ thường xảy ra những vụ thương vong do “đùa giỡn” bom, đạn còn sót lại sau chiến tranh. Cách đây không lâu, đầu năm 2013, ông Nguyễn Ái Minh (38 tuổi, ở thôn Lâm Thượng, xã Đức Phong, huyện Mộ Đức) nhặt 2 đầu đạn B41 tại khu đất keo ở xã Phổ An, huyện Đức Phổ. Ông Minh bí mật đem 2 đầu đạn trên đến nhà một người dân ở thôn An Phổ, xã Phổ An. Tại đây ông Minh trong lúc đục đầu đạn thì đầu đạn phát nổ. Hậu quả ông Minh bị thương nặng.
Ngoài chuyện ngành chức năng rà soát thu hồi vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, thì việc tuyên truyền nâng cao, hiểu biết kiến thức cho người dân nhận biết vật liệu nổ cũng như tác hại, nguy hiểm gây ra là vô cùng quan trọng để ngăn chặn không còn xảy ra những vụ nổ bom, đạn thương tâm.
C.P (theo ANTĐ)