Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo, một chính khách nổi tiếng, là nhà lãnh đạo của Đảng, của nhân dân không những ở trong nước mà đồng chí luôn được bạn bè quốc tế dành một tình cảm rất đặc biệt.
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách toàn diện, đồng bộ
Là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với quyết tâm chính trị rất cao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá, gắn liền giữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh bày tỏ, với cương vị Tổng Bí thư từ Đại hội XI (năm 2011 đến nay), có thể khẳng định, trên lĩnh vực xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã những cống hiến lớn và có những điểm nổi bật.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng với Trung ương, Bộ Chính trị xác định được rõ xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách toàn diện, đồng bộ cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức cán bộ.
Trong xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh quan điểm: "Trong sự nghiệp đổi mới lấy xây dựng Đảng là then chốt, trong xây dựng Đảng thì lấy công tác cán bộ là then chốt". Vì thế, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đẩy lên một bước rất quan trọng.
Theo ông Phúc, lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội XIII chúng ta đã đưa xây dựng Đảng về đạo đức vào văn kiện. Bộ Chính trị cũng đã công bố quy định số 144 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới.
"Đây chính là những công lao, cống hiến của Tổng Bí thư đối với xây dựng, chỉnh đốn Đảng", ông Phúc nói.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày 9/12/2021.
Trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư nhấn mạnh tính quan trọng, tính then chốt của công tác cán bộ. Có nghĩa là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, đặc biệt cấp chiến lược. Đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế.
Trong xây dựng đội ngũ cán bộ, Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh vai trò nêu gương của cán bộ, đặc biệt là trách nhiệm của những người đứng đầu.
Đến Đại hội XIII cũng chú trọng bảo vệ những cán bộ "7 dám – dám nghĩ – dám nói – dám làm - dám chịu trách nhiệm – dám đổi mới sáng tạo - Dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung".
"Do đó, chúng ta xây dựng được một đội ngũ cán bộ từng bước thực hiện ngang tầm với đòi hỏi của nhiệm vụ", ông Phúc nêu.
Tổng Bí thư cũng hết sức chú trọng xử lý các mối quan hệ như: Mối quan hệ giữa xây dựng và chỉnh đốn. Xây dựng là cơ bản, chiến lược lâu dài.
Lấy cái chống, chỉnh đốn những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, "tự diễn biến, tự chuyển hóa", chống tham nhũng tiêu cực.
"Việc chỉnh đốn này là bức thiết và thường xuyên, làm sao xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa "xây" và "chống". Đấy cũng là một phương châm chỉ đạo, chỉ đạo mạnh mẽ hơn cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực", ông Phúc chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc- nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Thêm nữa là mối quan hệ giữa xây dựng Đảng với xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị. Đặc biệt chú trọng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. "Hệ thống chính trị mạnh, Nhà nước mạnh thì Đảng cũng mạnh lên. Vì thế, đây là mối quan hệ mật thiết", ông Phúc cho hay.
Cùng với đó, mối quan hệ giữa hệ thống tổ chức Đảng ở các cấp từ Trung ương đến cơ sở cũng được chú trọng, xây dựng mạnh ở tất cả các cấp. Do đó, Tổng Bí thư đề ra phương châm "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt".
Song song với đó là mối quan hệ giữa cá nhân và tổ chức, tổ chức tốt là phải nhờ những cá nhân, những cán bộ Đảng viên tốt. Ngược lại, chính cán bộ Đảng viên tốt, hết lòng hết sức sẽ thúc đẩy, củng cố sức mạnh tổ chức.
"Thêm một mối quan hệ được Tổng Bí thư xử lý rất thành công đó là mối quan hệ giữa Đảng với dân. Việc động viên được nhân dân tham gia vào xây dựng Đảng, có ý kiến, phản biện, thúc đẩy xây dựng và chỉnh đốn Đảng rất quan trọng. Bởi, chính nhân dân là người hiểu rõ và cũng là nguồn gốc, sức mạnh để Đảng ta trưởng thành, phát triển và nâng cao sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của Đảng", ông Phúc nói và cho biết đây là những thành công lớn trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong những năm qua, nhất là từ năm 2011 đến nay.
Không khoan nhượng, không có vùng cấm
Năm 2011, tại Đại hội XI, để đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng, Tổng Bí thư đã trực tiếp đảm nhận cương vị Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
"Ở cương vị này, Tổng Bí thư đã chỉ đạo rất quyết liệt cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, không khoan nhượng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ", ông Phúc nói.
Trải qua những nhiệm kỳ vừa qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Đây là cuộc chiến không ngừng nghỉ và với sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư và của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhiều vụ án đã được xử lý.
Qua đó ngăn chặn, đẩy lùi, cảnh báo, cảnh tỉnh những người có ý định hay có vi phạm về các quy định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thông qua cuộc đấu tranh này, đã siết chặt được kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, đẩy mạnh giáo dục trong Đảng và tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh và củng cố niềm tin của nhân dân.
Bộ Chính trị trao Huân chương Sao Vàng tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vì có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc.
Ngày 18/7, Đảng, Nhà nước đã trang trọng tổ chức Lễ trao tặng Huân chương Sao vàng tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đánh giá về ý nghĩa của Huân chương Sao Vàng, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, Huân chương Sao Vàng là phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Huân chương này có từ thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Huân chương Sao Vàng dành để trao tặng cho những cá nhân, tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhà nước và của đất nước; là người có nhiều cống hiến cho hoạt động phụ trách.
Ý nghĩa của Huân chương Sao Vàng chính là ghi nhận công lao, đóng góp, thành tích của cá nhân cho thành tích chung của đất nước. Đồng thời, khẳng định vai trò, vị trí của cá nhân đó trong quá trình đấu tranh cách mạng của Đảng, của đất nước, của dân tộc.
Trong hệ thống Huân chương, cao nhất là Huân chương Sao Vàng, sau đó là Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập…
"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo, một chính khách nổi tiếng, là nhà lãnh đạo của Đảng, của nhân dân không những ở trong nước mà còn được biết đến và kính trọng trên trường quốc tế", ông Phúc bày tỏ.
Theo chuyên gia, trong 3 nhiệm kỳ qua, đặc biệt từ Khóa XI (năm 2011), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những cống hiến lớn đối với công cuộc phát triển đất nước, đặc biệt là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế, thực hiện chiến lược về bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.
Đặc biệt, Tổng Bí thư có cống hiến lớn về mặt lý luận, với công trình dày công nghiên cứu và có phát hiện mới là tác phẩm: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam". Đây chính là sự tổng kết quá trình đổi mới gắn liền với con đường xã hội chủ nghĩa mà Bác Hồ đã lựa chọn.
Ngoài tác phẩm lý luận lớn này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng có nhiều cống hiến trên các lĩnh vực lý luận chuyên ngành.
Trong đó, Tổng Bí thư là một nhà lý luận chuyên sâu với chuyên ngành xây dựng Đảng. Tổng Bí thư đã có những tác phẩm viết về xây dựng Đảng có ý nghĩa, tổng kết công tác xây dựng Đảng của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới. Đáng chú ý nhất là xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức cán bộ.
Tổng Bí thư còn có tác phẩm viết về Nhà nước pháp quyền, cuốn sách "Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam" mới ra mắt cách đây vài ngày.
Trong lĩnh vực nào, về mặt lý luận hay thực tiễn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng có những cống hiến đặc biệt xuất sắc. Điều này đã được toàn Đảng, toàn dân ta ghi nhận.
"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo "hai trong một", vừa là một nhà lãnh đạo lỗi lạc, vừa là nhà một nhà lý luận, nhà khoa học. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa vai trò của một chính khách, của một nhà lãnh đạo với một nhà khoa học, một nhà lý luận được thể hiện rất rõ", ông Phúc nhấn mạnh.