Bác Trần Văn Phúc (65 tuổi), người thôn Nhật Kiến, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội vừa kết thúc hành trình đạp xe xuyên Việt trong 27 ngày. Chuyến đi có bốn bác chơi thân với nhau và có chung niềm đam mê đạp xe khám phá cảnh đẹp.
Bác Trần Phúc (65 tuổi) vừa kết thúc chuyến đạp xe xuyên Việt dài hơn 2000km. (Ảnh: NVCC)
Hành trình đạp xe xuyên Việt của bác Trần Phúc bắt đầu từ Hà Nội đến Cà Mau với quãng đường hơn 2000km. Để thực hiện hành trình, đoàn phải băng qua nhiều dốc, đèo hiểm trở trong thời tiết khắc nghiệt. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, quyết tâm, bác Trần Phúc đã hoàn thành chuyến đi trong niềm tự hào, hạnh phúc.
Bác Phúc cùng những người bạn già đi dọc đất nước Việt Nam, qua nhiều tỉnh thành khác nhau.
Chuyến đi nhận được sự quan tâm của nhiều người dân địa phương và khách dọc đường đi. Bác Trần Phúc không quên check-in khi qua mỗi địa danh.
Bác Trần Phúc hồ hởi chia sẻ với Đời sống & Pháp luật: “Ngày thường, tôi rèn luyện sức khỏe nhờ việc đạp xe. Mỗi ngày, tôi đạp từ 30-50km. Ngày cuối tuần, tôi đạp khoảng 100km. Khi quyết định đi xuyên Việt, dù có bệnh nền huyết áp cao nhưng tôi không lo lắng bởi đã rèn luyện thể thao hằng ngày. Tôi giấu gia đình mãi tới hôm gần đi mới thông báo cho vợ con. Mọi người kịch liệt phản đối. Cậu con trai đang làm việc tại Hàn Quốc tỏ thái độ gay gắt, lo lắng sức khỏe của bố”.
“Nhưng việc gì đã quyết thì tôi sẽ làm cho kỳ được. Tôi động viên vợ con yên tâm bởi sức khỏe hiện đang tốt. Nếu cảm thấy mệt, tôi sẽ bắt xe khách hoặc đi máy bay về. Trong đoàn có một bác 72 tuổi tham gia, người ta lớn hơn tôi nhiều tuổi còn đi được cơ mà. Ngoài ra, bác Nguyễn Văn Phong trong đoàn có kinh nghiệm đi xuyên Việt nhiều rồi. Cuối cùng, vợ con cũng chấp thuận, tôi vui sướng lắm”, bác Trần Phúc cho biết thêm.
Khi thông báo sẽ đạp xe xuyên Việt, vợ con bác nhất quyết không muốn cho đi bởi lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe và nguy hiểm dọc đường. Bác Trần Phúc đã thuyết phục để gia đình chấp thuận.
Ngày bình thường, bác Trần Phúc vẫn đạp xe rèn luyện sức khỏe. Bác thường đạp khoảng 50km/ngày; ngày cuối tuần thì đạp những chặng xa hơn.
Khách nước ngoài xin chụp ảnh cùng đoàn bác Trần Phúc bởi ngưỡng mộ, thán phúc nghị lực phi thường của đoàn.
Vật dụng mang theo gồm vài bộ quần áo, mũ chuyên dụng chạy xe, đồ sửa xe, bông băng, một số loại thuốc, máy sấy tóc, áo mưa… Bác Trần Phúc bắt đầu đạp xe vào lúc 5h sáng tới 7h tối, thời gian nghỉ trưa từ 1,5 - 2 tiếng. Đi qua những danh lam thắng cảnh, các bác ở lại lâu hơn để tham quan, chụp hình kỷ niệm.
Dù đã chuẩn bị tinh thần hành trình sẽ vất vả, khó khăn nhưng nhiều lúc bác Trần Phúc cũng thấy “oải” vô cùng bởi quãng đường nhọc nhằn quá. Có khi đường sau mưa trơn trượt, nguy hiểm; trở vào miền Trung trời lại nắng nóng, cơ thể mệt mỏi. Nhiều lúc xe bị hỏng, các bác lại cùng nhau hì hục sửa, có khi mất vài tiếng đồng hồ.
Xe hỏng giữa đường là chuyện bình thường. Nhiều hôm, các bác hì hục sửa xe hết vài tiếng dưới nắng hè oi ả.
Hành trình của bác nhiều cung bậc cảm xúc: Háo hức, vui sướng, hạnh phúc, tự hào, mệt mỏi, đôi khi là cả sự hậm hực, cáu gắt...
“Tôi nhớ lúc vượt đèo Khánh Lê từ Nha Trang đi Đà Lạt dài khoảng 30km. Xuống tới chân đèo, mấy anh em khấp khởi mừng thầm. Phóng tầm mắt ra xa, chúng tôi thấy một con dốc khác dựng đứng. Tổng quãng đường vượt dốc đèo là 84km, cứ đi ngược chiều gió thôi. “Xuống 1 lên 3”, sau hôm đó, mấy anh em mệt mỏi rã rời”, bác Trần Phúc nhớ về quãng đường vất vả nhất.
Kỷ niệm về chặng đường vất vả nhất là đạp vượt đèo Khánh Lê bởi đoạn đường liên tục có những con dốc thẳng đứng, dài khoảng 90km.
Dọc cuộc hành trình chinh phục đam mê, bác Trần Phúc nhận được tình cảm mến mộ từ nhiều người. Đó là những anh "Tây balo" đang khám phá Việt Nam, những cậu bé vùng dân tộc xa xôi hay những cô, những chị bán hàng nước ven đường. Tuy lần đầu gặp gỡ nhưng họ đã “tay bắt mặt mừng”, bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với đoàn của bác.
Sau những giờ vất vả, bác Trần Phúc quây quần cùng đội bạn già ăn uống nghỉ ngơi, giao lưu với người dân địa phương.
Cung đường đã qua in đậm nhiều cung bậc cảm xúc. Đó là sự háo hức, mong chờ khi sắp tới miền đất mới; là niềm tự hào, hạnh phúc khi vượt qua những đỉnh núi chênh vênh; đôi khi lại là nỗi niềm bực dọc, buồn rầu vì thành viên trong đoàn chưa hiểu nhau…Kết thúc cuộc hành trình 27 ngày với hơn 2000km, chỉ còn lại niềm hạnh phúc tột cùng khi bác Trần Phúc đã vượt qua được chính mình, quyết tâm chinh phục đam mê, không bỏ cuộc trước gian nan.
Qua chuyến đi, bác Trần Phúc muốn khích lệ tinh thần “dám nghĩ, dám làm” tới thế hệ trẻ.
Đó cũng là những đức tính mà bác Trần Phúc muốn giáo dục các con và khích lệ tinh thần “dám nghĩ, dám làm” tới thế hệ trẻ. Sau chuyến đi, ngoài tinh thần được thỏa mãn sung sướng, sức khỏe bác cũng được cải thiện đáng kể.
Thời gian tới, bác Trần Phúc đặt mục tiêu sẽ sớm chinh phục tứ đại đỉnh đèo Việt Nam, hoàn thành khát vọng trải nghiệm, khám phá danh lam thắng cảnh bằng chiếc xe đạp. Bác cũng mong muốn chuyến đi tới sẽ có sự góp mặt của con trai.
Ứng Hà Chi