Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đào tạo nghề theo kiểu "may đo"

  • Thủy Tiên
(DS&PL) -

Học viên trường nghề là giải pháp cung ứng nguồn lao động, nhưng việc phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp vẫn chưa thực sự tốt.

Theo dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 đang được xây dựng, việc hỗ trợ an sinh xã hội, đào tạo nghề, phát triển thị trường lao động là một trong những nội dung quan trọng. Nhiều giải pháp đang được nghiên cứu để hỗ trợ các doanh nghiệp, trong đó có vấn đề đào tạo nghề nghiệp để góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng lao động, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Hiện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang xây dựng hai phương án nhằm tăng nguồn cung lao động tránh đứt gãy sản xuất. Phương án thứ nhất, đưa 500 nghìn học sinh, sinh viên cơ bản của năm nhất, năm hai; 500 nghìn sinh viên thành thạo của năm hai, năm ba vào làm việc tại các doanh nghiệp.

Đào tạo nghề theo kiểm "may đo".

Trong cuộc trao đổi với ĐS&PL, PGS.TS Dương Đức Lân, Chủ tịch Hiệp hội GDNN và Nghề Công tác xã hội Việt Nam, đã đưa ra những nhóm giải pháp đào tạo nghề để đảm bảo hiệu quả.

ĐS&PL: Thưa ông, giải pháp đào tạo, đào tạo lại tay nghề cho người lao động cần phải thực hiện như thế nào để đảm bảo hiệu quả?

PGS.TS Dương Đức Lân: Tôi chia ra hai nhóm giải pháp đó là cập nhật đào tạo, nhóm thứ hai là nhóm công nghệ mới, chuyển đổi số.

Về việc cập nhật đào tạo lại, cần đào tạo những gì doanh nghiệp cần và còn thiếu. Phương pháp này chúng ta không nên làm sẵn chương trình dạy và đủ người là tổ chức đào tạo – đây là có gì dạy nấy, theo kiểu hướng cung.

Thay vào đó là phải đào tạo theo kiểu hướng cầu, dạy theo kiểu "may đo", với những nhu cầu khác nhau, đáp ứng nguồn lao động phù hợp với yêu cầu. Các doanh nghiệp phải cung cấp yêu cầu của mình, từ đây người dạy xây dựng bài giảng, đào tạo đúng kỹ năng cho lao động.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp không biết mình muốn gì, vẫn cần có sự gợi ý của nhà trường. Điều này đặt ra cần đào tạo theo hai hướng.

Việc này được ví như vào nhà hàng ăn sẽ có hai loại: Gọi món, hoặc buffet. Khi doanh nghiệp không biết mình muốn gì thì nhà trường nên đào tạo tất cả các chuyên ngành trong khả năng của mình. Và doanh nghiệp sẽ dựa vào những chương trình đào tạo để lựa chọn. Mỗi một nghề chúng ta nên thiết kế những modun, với nhiều kỹ năng khác nhau.

Thứ hai thuộc về nhóm công nghệ mới, chuyển đổi số: Vì nhóm này còn khá mới, chưa nhiều người biết, nên có thể xây dựng những bài giảng chuẩn, cơ bản, cung cấp đầy đủ thông tin.

PGS.TS Dương Đức Lân, Chủ tịch Hiệp hội GDNN và Nghề Công tác xã hội Việt Nam.

ĐS&PL: Theo ông, việc thực hành nghề nghiệp hiện nay ở các trường đào tạo nghề có mang lại hiệu quả?

PGS.TS Dương Đức Lân: Để người học làm được nghề cần có sự phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường trong việc đào tạo. Các học viên có thể đi thực tập ở trường hoặc thực tập ở doanh nghiệp.

Nhưng điều này cũng phụ thuộc vào điều kiện của nhà trường và doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp hiện nay cũng chưa sẵn sàng để các em sinh viên có thể thực tập, không có những giáo viên hướng dẫn nghề nghiệp cho các em, chỉ có một số doanh nghiệp lớn mới có thể đáp ứng vấn đề này.

Trong thời gian tới, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp đã có phương án xây dựng 3 trung tâm thực hành vùng. Trung tâm này, được trang bị đầy đủ các thiết bị máy móc hiện đại, có giáo viên có trình độ. Từ đây giúp các sinh viên có thể thực hành nâng cao sau khi thực hành tại nhà trường. Việc này tạo điều kiện cho những trường không có các doanh nghiệp để thực hành thì có thể đến đây và đào tạo tay nghề, và có thể làm việc được ngay sau khi đào tạo.

ĐS&PL: Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) mới đây dự báo đến năm 2025, thời gian dành cho các công việc hiện tại của con người và máy móc sẽ bằng nhau. Theo ông, trong tương lai người trẻ có mất việc vì robot hay không?

PGS.TS Dương Đức Lân: Việc máy móc thay thế con người là xu hướng đang diễn ra, nhưng mới diễn ra ở những nước phát triển. Còn đối với Việt Nam, tôi dự đoán trong khoảng 10 năm tới robot thay thế lao động vẫn chưa phải là nhiều.

Trong thời gian tới, robot sẽ thay thế cho lao động trong các dây chuyền sản xuất. Nhưng việc thay thế này cũng cần bởi tính toán kỹ, để chế tạo được robot làm việc được trong các nhà máy cần rất nhiều chi phí và cần phải tính hiệu quả.

Đối với Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp đều là vừa và nhỏ, siêu nhỏ, chi phí thuê lao động ở Việt Nam hiện nay ở mức thấp. Nên việc thay thế này trong tương lai gần chưa hiệu quả về mặt kinh tế. Nhưng tương lai xa hơn thì câu chuyện này có thể xảy ra.

ĐS&PL: Xin cảm ơn ông!

Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) mới đây cũng cho rằng, những ảnh hưởng sâu sắc của sự phát triển công nghệ, toàn cầu hóa, chuyển đổi mô hình phát triển và đại dịch Covid-19 đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ của thế giới việc làm và thúc đẩy nhu cầu nâng cao kỹ năng lao động.

Dự báo đến năm 2025, thời gian dành cho các công việc hiện tại của con người và máy móc sẽ bằng nhau; khoảng 40% người lao động sẽ cần được đào tạo lại; 84% người sử dụng lao động sẽ chuyển sang số hóa nhanh chóng các quy trình làm việc; một số lượng lớn công ty cũng dự kiến sẽ thay đổi địa điểm, chuỗi giá trị và quy mô lực lượng lao động do các yếu tố công nghệ tác động.

Báo cáo này kêu gọi các Chính phủ ưu tiên nguồn lực và hành động quyết liệt để nâng cao kỹ năng nghề trong các kế hoạch khôi phục quốc gia sau đại dịch Covid-19, nhất là trong bối cảnh chỉ có 21% doanh nghiệp được khảo sát cho biết có thể sử dụng ngân sách của mình để hỗ trợ đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho nhân viên của họ; việc đầu tư quy mô rộng vào đào tạo nâng cao kỹ năng có tiềm năng thúc đẩy GDP tăng thêm 0,5-2%, tương đương với 6,5 nghìn tỷ đô la vào năm 2030. 

Hoa Trà

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 4(177)

Tin nổi bật