Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đạo chích day dứt đem trả tài sản đã ăn trộm, ra tòa khóc nức nở

(DS&PL) -

Khi biết chỗ ở của người đàn ông này, Định đến nhà trộm chiếc két sắt có nhiều tài sản. Sau đó, vì thấy hối hận nên Định đem trả lại toàn bộ cho khổ chủ.

Trương Huy Định từng có thời gian làm việc tại Nhật Bản nên biết tiếng Nhật. Sau khi về nước, Định gặp và làm quen với 1 người đàn ông quốc tịch Nhật Bản. Khi biết chỗ ở của người đàn ông này, Định đến nhà trộm chiếc két sắt có nhiều tài sản. Sau đó, vì thấy hối hận nên Định đem trả lại toàn bộ cho khổ chủ.

Nhờ ăn năn hối hận, Định được giảm án.

Trộm tài sản rồi nhờ công an trả cho khổ chủ

Bị cáo Trương Huy Định (SN 1997, quê tỉnh Tiền Giang) là bị cáo trong vụ án Trộm cắp tài sản xảy ra hồi đầu năm 2019. Nạn nhân của vụ án là ông Matsubara Masakazu (quốc tịch Nhật Bản). Nội dung vụ án được thể hiện cụ thể như sau: Ngày 5/1/2019, Định đến 1 quán ăn ở khu Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM và gặp ông Matsubara Masakazu. Do có biết tiếng Nhật nên cả hai trò chuyện cùng nhau, từ đây, Định làm quen và có ý định xin ông Matsubara Masakazu việc làm để có tiền chữa đôi chân đang trong tình trạng xấu đi mỗi ngày.

Khi ông Masakazu lên xe hơi về nhà, Định vội vã bám theo và biết căn hộ ông Masakazu ở trong chung cư Riverside Residence (quận 7). Hai ngày sau, Định tìm đến nơi ở của ông Masakazu nhưng người đàn ông này không có nhà. Thấy trong nhà không có ai nên Định leo qua cửa sổ phòng tắm vào bên trong. Phát hiện két sắt, máy ảnh cùng một số tài sản, giấy tờ khác, Định quyết định lấy trộm.

Để tránh bị phát hiện sau khi trộm tài sản, Định lấy quần áo của nạn nhân mặc vào, rồi ung dung ra về từ cửa chính căn hộ cùng với số tài sản vừa trộm được.

Bị cáo phải ngồi xe lăn hầu tòa

Sau đó, Định gói két sắt, tài sản và hành lý cá nhân với ý định đi thẳng ra nước ngoài. Tuy nhiên, khi vào khu vực ga quốc tế cân hành lý, két sắt vượt quá trọng lượng quy định nên kế hoạch xuất ngoại không thành. Vì vậy, Định quay về quận Tân Bình (TP.HCM) thuê khách sạn nghỉ tạm.

Đến ngày 8/1/2019, Định mang tài sản trộm được về quê ở tỉnh Tiền Giang. Tại đây, Định dùng máy mài phá két sắt. Bên trong két có hơn 7.000 USD, 52.000 Yên Nhật và nhiều tài sản, giấy tờ khác. Bị cáo Định đổi 200 USD ra tiền Việt Nam để tiêu xài nhưng sau đó đột nhiên Định cảm thấy day dứt, muốn trả lại bị hại số tài sản còn lại.

Định bỏ toàn bộ số đồ đã trộm cắp vào thùng xốp rồi âm thầm mang đến trụ sở Công an phường Phú Mỹ (quận 7), lén lút bỏ đồ vào thùng xe công an cùng tờ giấy kèm mảnh giấy ghi nội dung nhờ công an trả lại tài sản cho ông Masakazu.

Chưa hết day dứt sau khi trả tài sản, một ngày sau đó, Định đến công an đầu thú. Tuy nhiên, khi cơ quan tố tụng khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Định bất ngờ có thái độ không hợp tác, không khai báo. CQĐT đã đưa bị cáo đi giám định tâm thần.

Kết quả giám định tâm thần kết luận: “Trước và sau khi thực hiện hành vi phạm tội, bị can có tình trạng tâm thần bình thường. Sau khi phạm tội đến nay bị can có ý thức (chứng giả bệnh)". Tổng giá trị tài sản Định chiếm đoạt trị giá hơn 207 triệu đồng. Người bị hại đã nhận tiền bồi thường và số tài sản bị mất không có thắc mắc khiếu nại gì.

Mức án khoan hồng

Việc Định bị bắt vì hành vi trộm cắp khiến nhiều người bất ngờ, bởi Định là người hiền lành và khá trung thực. Tại tòa, Định nhiều lần bật khóc và trình bày rằng, trong lúc túng quẫn vì không có tiền điều trị bệnh teo chân, Định mới đi trộm tài sản, chứ nếu bình thường sẽ không bao giờ làm thế.

Bị cáo Trương Huy Định trần tình, Định sinh ra trong gia đình không mấy khá giả. Sau khi học xong cấp 3, Định không học lên nữa mà ở nhà phụ gia đình. Công việc ở quê không giúp Định tích lũy được nhiều tiền, nên một ngày Định quyết định xin cha mẹ cho mình được đi xuất khẩu lao động ở Nhật. Từ năm 2016, Định lao động ở Nhật. Nhưng đến năm 2018, Định phải về nước chữa bệnh ở chân.

Do có thời gian lao động ở Nhật nên Định khá thành thạo tiếng Nhật. Khi gặp được ông Masakazu, bị cáo bắt chuyện và có ý định một ngày nào đó sẽ sang nhà tìm gặp người đàn ông này, xin một công việc để có tiền trang trải cuộc sống và chữa trị đôi chân. Do một phút bồng bột và vì đang túng quẫn nên Định mới gây ra tội chứ ngay từ đầu bản thân bị cáo không có ý định trộm cắp.

Ăn năn hối hận, được giảm án

Dù đã hối hận, trả lại tài sản cho nạn nhân, nhưng hành vi của Định đã cấu thành tội Trộm cắp tài sản nên Định bị khởi tố, truy tố về tội danh này.

Phiên tòa sơ thẩm trước đó, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Định mức án 3 năm tù giam. Sau phiên tòa này, Định kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt vì muốn được nhanh tự do để chữa trị đôi chân, phụng dưỡng cha mẹ già. Một ngày giữa tháng Bảy, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên xử phúc thẩm theo kháng cáo của bị cáo Định. Ngày ra tòa, Định phải ngồi xe lăn do chân bị teo, không thể tự đứng hay đi lại được.

Theo hồ sơ bệnh án, bị cáo này bị viêm đa xoang mạn tính, thoái hoá polyp hai bên... khiến chân teo. Bị cáo Định nói rằng, mình đã không thể tự di chuyển được từ hơn một năm nay nên phải ngồi xe lăn. Cũng trong thời gian đó, bị cáo nằm viện nhiều hơn ở nhà, bác sĩ nói có khả năng phải ngồi xe lăn vĩnh viễn, do tình trạng bệnh ở chân ngày càng tồi tệ, tỉ lệ hồi phục ngày càng thấp.

Theo bị cáo Định, việc đem trả lại tài sản sau khi trộm cắp được là do lương tâm cắn rứt. Bị cáo biết và thừa nhận hành vi của bản thân là sai trái nên rất hối hận bởi một phút nông nổi đã khiến bị cáo vướng lao lý, còn cha mẹ bị cáo phải phiền lòng. “Là do bị cáo trẻ người non dạ nên mới hành động thiếu kiểm soát, nhưng giờ bị cáo đã nhận thức được sai lầm, nên bị cáo hối hận vô cùng. Bị cáo xin được hoàn lương...”, Định trình bày.

Sau giờ nghị án, HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo đã gây mất trật tự xã hội, làm mất hình ảnh của người Việt Nam trong mắt người nước ngoài, cần có mức phạt tương xứng để có tác dụng giáo dục riêng với bị cáo và răn đe, phòng ngừa chung đối với xã hội. HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng, bản án sơ thẩm đã tuyên với bị cáo Định là tương xứng, tuy nhiên, tại phiên xử phúc thẩm, bị cáo đã thật sự ăn năn hối hận, tự ra đầu thú, trả lại tài sản cho nạn nhân... nên HĐXX đã chấp nhận kháng cáo của Định, tuyên giảm cho bị cáo Định từ 3 năm xuống còn 2 năm tù về tội Trộm cắp tài sản.

Được giảm án, một lần nữa Định bật khóc. Một phút sai lầm của tuổi trẻ khiến Định phải trả giá, nhưng thái độ ăn năn hối hận, quyết tâm hướng thiện của Định đã giúp Định được giảm án. Với việc chỉ bị tuyên phạt 2 năm tù, ngày về của Định đã không còn xa nữa…

Công Thư

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống& Pháp luật số 112

Tin nổi bật