Hãng tin Nga Sputnik cho hay, “trong khi quân đội Chính phủ Syria (SAA) đang giành được chiến thắng ở miền Đông đất nước thì một số lượng các chỉ huy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) lại được giải thoát khỏi Deir ez-Zor bởi đặc nhiệm Mỹ” với lý do để “sử dụng kinh nghiệm của họ cho mục đích khác”.
Ảnh minh họa |
Nguồn tin này nói rằng, hoạt động “giải cứu chỉ huy IS” diễn ra lần đầu vào hôm 26/8, khi “một chiếc trực thăng của Không quân Mỹ” đã đưa 2 chỉ huy IS “đến từ châu Âu” cùng các thành viên gia đình họ rời khỏi một khu vực ở phía Tây Bắc Deir ez-Zor vào ban đêm.
Hai ngày sau, trực thăng Mỹ tiếp tục chuyển 20 kẻ đầu sỏ của IS và các chiến binh thân cận từ khu vực Đông Nam thành phố Deir ez-Zor tới miền Bắc Syria.
“Những chiến binh IS mất chỉ huy thường sẽ dừng mọi hoạt động đã được lên kế hoạch từ trước, rời khỏi vị trí và tham gia các đơn vị khác của IS, hoặc từng người sẽ chạy trốn. Điều đó cũng đóng góp cho sự thành công của các chiến dịch do SAA tiến hành ở phía Đông Syria”, nguồn tin tiết lộ.
Tuy nhiên, khi Sputnik liên lạc với bộ phận báo chí của liên quân do Mỹ dẫn đầu tại Syria, cơ quan này đã bác bỏ những cáo buộc từ các nguồn tin trên.
Một góc hoang tàn của Deir ez-Zor (Syria), thành phố IS kiểm soát gần 3 năm qua. |
Các nguồn tin đối lập khác cho hay Washington chỉ đang di tản “một số người quan trọng”.
Dù chưa được xác nhận, nhưng thông tin trên làm dấy lên những nghi vấn về mối quan hệ giữa Mỹ và IS. Các bên liên quan đã tỏ ra nghi ngờ điều này, kể từ khi Washington tham gia chống khủng bố ở khu vực.
Theo chuyên gia Igor Korochenko, Tổng Biên tập tạp chí National Defense (Nga), ông tin rằng, những thông tin do tờ Sputnik cung cấp là xác thực và “không cần bất kỳ bình luận nào từ phía Lầu Năm Góc, hay cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA)” về vấn đề này.
“Người cần bình luận về thông tin này là Tổng thống Donald Trump. Ông ấy cần nêu rõ việc đưa các chỉ huy IS tới một địa điểm khác là yêu cầu của Tổng thống, hay do đặc nhiệm Mỹ tự ý hành động mà không có sự chấp thuận từ phía ông Trump”, Korochenko nói.
Ông này lưu ý, nếu thông tin trên được xác nhận, Tổng thống Trump nên yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp khởi động một cuộc điều tra và đưa tất cả những người chịu trách nhiệm liên quan ra trước pháp luật vì dính líu tới chủ nghĩa khủng bố quốc tế.
Phó Giám đốc thứ nhất Ủy ban Quốc phòng An ninh Thượng viện Nga Franz Klintsevich cho hay, việc sơ tán chỉ huy IS trên thực tế có diễn ra.
“Dù liên minh chống khủng bố (của Mỹ) có cố gắng bác bỏ những báo cáo về việc sơ tán 20 chỉ huy IS khỏi Deir ez-Zor, song tất cả những hành động của Mỹ chúng ta biết lâu nay, bao gồm cả ở Afghanistan cho thấy, đó gần như 100% là sự thật”, ông Klintsevich viết trên Facebook.
Theo lý giải của Klintsevich, Mỹ vẫn coi sự hiện diện của IS tại khu vực này như một sự đối đầu với Nga.
Vì thế, Washington vẫn tìm cách hỗ trợ các phiến quân để cản đường tiến của lực lượng Chính phủ Syria và đồng minh, trong đó có Moscow.
Hiện tại, vòng vây của IS tại thành phố Deir ez-Zor đã bị phá vỡ, trong khi lực lượng thánh chiến cực đoan phải chịu thiệt hại nặng nề từ các đợt tấn công của SAA.
Câu hỏi mà giới quan sát đặt ra là, sau khi Mỹ di chuyển các chỉ huy IS rời khỏi Deir ez-Zor, họ sẽ được đưa tới đâu? Phải chăng Washington lại muốn đưa IS trở lại Iraq gây dựng lực lượng và tìm thời cơ thích hợp để đẩy họ sang Syria? Hay Lầu Năm Góc còn có kế hoạch nào khác hơn?
Điều đó chưa ai có khả năng biết một cách chính xác.