Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đắng đót được mùa nông sản

(DS&PL) -

Không chỉ Hải Dương, Hải Phòng ùn ứ nông sản mà hàng trăm tấn nông sản trên địa bàn TP.Hà Nội và nhiều tỉnh, thành như Nghệ An, Đắk Lắk cũng đang trong tình trạng vậy.

Không chỉ Hải Dương, Hải Phòng ùn ứ nông sản mà hàng trăm tấn nông sản trên địa bàn TP.Hà Nội và nhiều tỉnh, thành như Nghệ An, Đắk Lắk cũng đang trong tình trạng đến vụ thu hoạch nhưng giá rớt thảm hoặc phải đổ bỏ, bón gốc cây, cho bò ăn khiến người nông dân điêu đứng.

Nông sản rớt giá thảm

Chiều 25/2, sở Công Thương Hà Nội đã làm việc với UBND hai huyện Mê Linh và Bắc Từ Liêm nhằm nắm bắt thông tin sản xuất và bàn giải pháp kết nối, tiêu thụ nông sản trong các mùa vụ tại hai địa phương này.

Nông dân phá bỏ bắp cải vì không tiêu thụ được.

Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc sở Công Thương - cho biết, Sở đã nhận được thông tin về nông sản của bà con ở Hà Nội gặp khó khăn phải vứt bỏ do giá giảm sâu, sức mua giảm. Sở đã cùng các đơn vị liên quan đi thực tế để nắm bắt thông tin sản xuất và bàn giải pháp kết nối, tiêu thụ nông sản.

Theo đó, do ảnh hưởng dịch Covid- 19, nhiều địa phương trên địa bàn cả nước và TP.Hà Nội gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Việc kết nối, tiêu thụ nông sản trên địa bàn các quận huyện gặp nhiều khó khăn. Nhiều nhà hàng tại Hà Nội tạm thời đóng cửa, dừng hoạt động khiến việc tiêu thụ hàng của người dân các quận huyện bị ách tắc, giá thành giảm sâu. Ngoài ra, hệ thống bếp ăn của các trường học chưa hoạt động nên ảnh hưởng đến công tác tiêu thụ sản phẩm rau, quả trên địa bàn.

Để kịp thời nắm bắt thông tin sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ nông sản thực phẩm đến thời điểm thu hoạch tại các vùng sản xuất trên địa bàn thành phố, ứng phó với diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 trong năm 2021, tại buổi làm việc, ông Hoàng Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Mê Linh - cho biết, tính đến ngày 25/2/2021, tổng diện tích gieo trồng vụ xuân 2021 trên địa bàn huyện khoảng 5.900 ha, trong đó: Cây lúa 3.800 ha, cây rau các loại khoảng 355 ha trồng tập trung chủ yếu ở các xã Tiền Phong, Tiến Thắng, Văn Khê, Tráng Việt, Thanh Lâm; hoa các loại khoảng 670 ha, trồng tập trung tại các xã Mê Linh, Văn Khê, Thanh Lâm, Đại Thịnh; cây trồng khác khoảng 1.100 ha. Ngoài ra, diện tích rau các loại vụ đông năm 2020 đang trong giai đoạn thu hoạch khoảng 700 ha, sản lượng khoảng 14.500 tấn.

Giá thành rau, củ, quả xuống thấp (củ cải 1.000đồng/kg; cà chua 1.000 - 1,500đồng/kg; cà rốt 2.000 đồng/kg), tiêu thụ chậm, việc đưa rau vào các trường học, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, chợ truyền thống đã bị ngừng lại, các thương lái bỏ cọc không thu mua, các doanh nghiệp liên kết e ngại việc tiêu thụ do không thể xuất hàng đi các tỉnh khác và các nước bạn. Nếu tình trạng tiêu thụ nông sản chậm kéo dài có thể nhiều rau, củ, quả trên địa bàn huyện sẽ bị quá lứa, giảm chất lượng và không thể sử dụng được.

Rau không tiêu thụ được, người dân nhổ bỏ đắp gốc cây.

Bà Lê Thị Thu Hương - Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm - cho biết, hiện nay tại quận Bắc Từ Liêm có khoảng 30 ha trồng hành tại phường Liên Mạc. Hiện, các thương lái đang thu mua hành lá với giá 2.500 - 3.000đồng/kg. Đối với hoa tại phường Tây Tựu, hoa hồng có giá từ 2.000 – 4.000 đồng/bông, hoa cúc có giá 4.000 – 6.000đồng/bông.

"Đối với hành lá trong vòng 10 ngày từ 21/2 ước tính trên địa bàn quận có 90 tấn hành cần phải tiêu thụ, từ 21 - 24/2 đã tiêu thụ được 40 tấn, ước tính từ 25/2 sẽ tiêu thụ nốt 50 tấn, quận đã liên hệ với các doanh nghiệp giúp đỡ bà con. Tuy nhiên, giá hành tươi quá rẻ, nên người nông dân gặp nhiều khó khăn", bà Hương cho biết.

Quyền Giám đốc sở Công Thương đánh giá, giá nông sản hiện nay rớt giá rất mạnh trên cả nước không chỉ riêng địa bàn TP.Hà Nội, do nguyên nhân chủ yếu là dịch Covid-19. Về giải pháp, theo bà Lan, sở Công Thương đã đề nghị các hệ thống phân phối đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cho xã Tráng Việt nói riêng và huyện Mê Linh nói chung để địa phương kịp thời chuẩn bị điều kiện gieo trồng cho vụ sau.

Đồng thời, xây dựng hệ thống phân phối thu mua ổn định lâu dài nhằm giúp đỡ bà con nông dân và đến thời điểm này, các hệ thống phân phối đã sẵn sàng đồng hành cùng các địa phương đẩy nhanh tiêu thụ sản phẩm. Quyền Giám đốc sở Công Thương cũng đề nghị địa phương thu hoạch đảm bảo chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm, đối với những sản phẩm không đạt phải tiêu hủy theo đúng quy trình, tránh trường hợp vứt bỏ giữa cánh đồng gây hiểu lầm trong dư luận nhân dân.

"Còn đối với quận Bắc Từ Liêm, thì hiện nay đối với hành lá tươi, quận vẫn có thương lái mua bình thường, còn các nông sản khác do chưa đến mùa, nên việc tiêu thụ nông sản đang diễn ra bình thường. Nhưng, nếu đẩy được giá lên thì cho bà con đỡ thiệt thòi. Đề nghị quận cung cấp thông tin chi tiết về những thương lái, doanh nghiệp sản xuất chế biến thu mua hành lá cho người dân để Sở có văn bản cụ thể yêu cầu các doanh nghiệp giúp đỡ người dân nhiệt tình hơn", bà Lan cho hay.

Tự tay phá bỏ sản phẩm của mồ hôi nước mắt

Không chỉ địa bàn Hà Nội, đến mùa thu hoạch, rau củ chỉ có giá từ 1.000 - 2.000 đồng/kg nhưng người dân vẫn không bán được cũng là câu chuyện được ghi nhận ở Đắk Lắk.

Cụ thể, những ngày qua, người dân tại địa bàn tổ dân phố Tân Tiến (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) như ngồi trên đống lửa vì rau, củ đến mùa thu hoạch, chỉ với giá 1.000 - 2.000 đồng/kg nhưng vẫn không tiêu thụ được.

Có thâm niên trồng rau hàng chục năm nay, bà Nguyễn Thị Phụ, 69 tuổi, trú tại tổ dân phố Tân Tiến cho biết, chưa bao giờ bà chứng kiến người trồng rau rơi vào tình cảnh thê thảm, dở khóc dở cười như hiện nay.

Được biết, gia đình bà Phụ trồng gần 2 sào rau xanh, xà lách, bắp cải, cà rốt..., với tổng chi phí gần 5 triệu đồng chưa kể tiền công nhưng đến nay mới chỉ thu lại được khoảng 500 ngàn đồng nhờ bán rau dịp Tết.

Giá rau quá thấp, nhiều loại chỉ từ 1.000 - 2.000 đồng/kg nhưng không có người mua nên gia đình bà phải nhổ bỏ hết bắp cải đắp ở bờ ao và trong các gốc cây. Riêng vườn cà rốt bắt đầu thu hoạch cũng không biết bán cho ai.

Cà chua gần đến mùa thu hoạch nhưng dân lo lắng không biết bán cho ai.

Tương tự, ông Lê Văn Khang (56 tuổi, trú tại tổ dân phố Tân Tiến) cho biết, năm nay ông canh tác 4,5 sào bầu, cải dưa và cà chua. Tuy nhiên, do không có đầu ra nên những ngày qua gia đình ông đành phải nhổ bỏ 3 - 4 tấn cải dưa bỏ đi.

Không chỉ vậy, giá bầu chỉ có 500 đồng/kg nhưng cũng không tiêu thụ được. Gia đình ông chuẩn bị thu hoạch gần 7 tấn cà chua, hiện tại chỉ với giá 1.000 đồng/kg nhưng chưa biết những ngày tới giá cả ra sao.

Ông Bùi Duy Bình - Tổ trưởng tổ dân phố Tân Tiến - cho biết, trên địa bàn có 170 hộ trồng rau với diện tích khoảng 30 ha. Giá rau, củ xuống thấp chỉ với 1.000 đồng/kg nhưng không bán được nên những ngày qua, người dân phải phá bỏ khoảng 400 tấn rau, củ các loại.

Theo ông Phạm Quang Mười - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư M’gar, nguyên nhân dẫn đến thực trạng nói trên chủ yếu vẫn là do đợt lũ cuối năm 2020, rau không trồng được nên giá lên cao. Vì vậy, người dân ào ạt trồng rau dẫn đến việc cung vượt cầu. Đây là tình hình chung, chứ không phải là được mùa mất giá.

Công sức bỏ ra nhiều, thu về chẳng bao nhiêu

Trước tình trạng ế ẩm, người dân bỏ hoang rau giữa ruộng, chẳng buồn thu hoạch dù rau xanh đang mùa chính vụ. Sự thật đáng buồn này được PV tiếp tục ghi nhận tại Nghệ An.

Những ngày gần Rằm tháng Giêng, trên các ruộng rau tại tỉnh Nghệ An bắt đầu khô héo thế nhưng người dân chẳng buồn thu hoạch.

Tại vựa rau xã Hưng Thành (Hưng Nguyên), rau chính vụ xanh tốt bạt ngàn cả cánh đồng ven sông Lam. Thế nhưng giá rau quá rẻ nên người dân chẳng buồn thu hoạch đem bán, cũng không có thương lái đến hỏi mua. Ông Hoàng Đức Lâm (64 tuổi) trú xóm 2, xã Hưng Thành, cho biết ruộng rau của gia đình trồng từ tháng Mười dương lịch và bắt đầu thu hoạch thời điểm trước Tết Nguyên đán. Thế nhưng đến thời điểm hiện tại thì không bán được nên gia đình vẫn để ngoài ruộng.

“Trước Tết Nguyên đán, bắp cải bán với giá 8.000 đến 10.000 đồng/bắp, thế nhưng hiện nay 2.000 đồng/bắp cũng chẳng ai mua. Gia đình ăn không hết nên lấy về cho bò ăn, còn lại vẫn để như vậy”, ông Lâm nói.

Trước tình cảnh rau ế ẩm, một số hộ đành phải bỏ hoang rau giữa ruộng, chẳng buồn thu hoạch. Cũng vì vậy xảy ra tình trạng sâu phá hoại. Nhìn cảnh rau xanh đang mùa chính vụ khô héo giữa trời nắng khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Bà Võ Thị Thành (60 tuổi) cho biết, gia đình có 2 sào rau bắp cải, xà lách. Do rau quá rẻ, thậm chí không ai mua, nên gia đình đang dự định phá đi để trồng vụ rau khác. “Sắp đến vụ lạc rồi mà rau củ vẫn còn rất nhiều, giờ không biết bán đi đâu nên đành phá đi. Công sức bỏ ra nhiều, thu về chẳng bao nhiêu nên chúng tôi nản lắm”, bà Thành thở dài.

Ông Hoàng Đức Thông - Chủ tịch xã Hưng Thành - cho biết, nguyên nhân là vì được mùa nên mất giá. “Thời tiết thuận lợi nên rau củ quả phát triển, người dân được vụ mùa. Thế nhưng cũng vì vậy mà giá cả bị giảm rất nhiều ảnh hưởng đến kinh tế của người nông dân”, ông Thông nói.

Tại vùng bãi ngang huyện Quỳnh Lưu, tình trạng còn thê thảm hơn. Rau xanh các loại được bà con nhổ lên chất thành hàng đống dài trên bờ ruộng. Bà Phan Thị Tràng, nông dân xóm 7 (xã Diễn Thành, Diễn Châu) cho biết, các loại rau, trong đó có khoai tây và su hào dù rất rẻ, nhưng khó tiêu thụ nên không buồn thu hoạch.

Xã Quỳnh Minh là một trong những địa phương có nhiều diện tích rau nhất vùng bãi ngang Quỳnh Lưu. Toàn xã hiện có khoảng 160 ha rau các loại. Thế nhưng, dịp ra Tết này, rau rớt giá tận đáy, tiền bán rau không đủ tiền công, nên nhiều hộ không thu hoạch, cũng vì vậy rau củ quả đều xuất hiện tình trạng nảy mầm.

Ông Hồ Diễn Hữu - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Minh - cho biết: “Giá rau giảm mạnh là do thời tiết thuận lợi cho rau phát triển, dẫn đến “cung quá cầu”. Hơn nữa do dịch Covid-19 tái phát ở một số tỉnh, cũng ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ”.

Dù rất tiếc nhưng nhiều hộ dân vẫn phải phá bỏ để chuẩn bị cho vụ mới. Theo tính toán, năm nay người dân thu nhập chưa được bằng một phần của năm ngoái, điều này ảnh hưởng đến kinh tế của người dân.


Không có chuyện cần giải cứu?

“Điều kiện thời tiết thuận lợi nên năng suất sản lượng rau củ, quả cao, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên tiêu thụ chậm, đến thời điểm này, huyện còn khoảng 600 tấn củ cải cần tiêu thụ. Trước tình hình đó, huyện đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ bà con nông dân và không có câu chuyện thừa hay cần phải giải cứu...

Vì vậy, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh kiến nghị sở Công Thương tiếp tục giới thiệu các đơn vị thu mua, các đơn vị thiện nguyện, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn thành phố xây dựng các điểm hỗ trợ tiêu thụ, giúp đỡ huyện giải quyết đầu ra cho sản phẩm rau, củ, quả trên địa bàn huyện để vận động nhân dân phục hồi sản xuất. Đồng thời, kiến nghị sở Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với huyện làm việc với các cơ quan báo chí nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản của huyện”, thông tin tại buổi làm việc của sở Công Thương Hà Nội với các quận, huyện.

Huyền Trang - Anh Ngọc - Khánh Ngọc

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 7(9)

Tin nổi bật