Sáng 29/4, bà Đặng Thị Dung (74 tuổi trú tại TP Hải Phòng) đang cùng gia đình đi du lịch nhân dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) thì xuất hiện đau ngực trái, đau từng cơn kèm theo buồn nôn và nôn, không đau bụng được gia đình đưa vào Bệnh viện Bãi Cháy cấp cứu.
Sau khi vào viện được các bác sĩ thăm khám lâm sàng và cho làm các xét nghiệm cận lâm sàng, kết quả: xét nghiệm máu có Troponin T: 1,08 ng/ml, Glucose: 18,8 mmol/L; điện tâm đồ ST chênh lên ở D1,aVL; V2-> V6; chênh xuống ở D2,D3,aVF; Siêu âm doppler tim: Giảm vận động vùng thành trước, trước vách và vùng vách tim; EF: 51%. Bà Dung được chẩn đoán: Nhồi máu cơ tim cấp trước rộng cấp giờ thứ 20/ ĐTĐ typ II và có chỉ định chụp và can thiệp mạch cấp cứu.
Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Danh Trình, cùng Ekip đang tiến hành can thiệp đặt stent mạch vành cấp cứu bệnh nhân
Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Danh Trình, Phó trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Bãi Cháy cùng ekip đã tiến hành can thiệp đặt stent mạch vành cấp cứu thành công cho bệnh nhân. Sau can thiệp, sức khỏe bệnh nhân ổn định.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Đinh Danh Trình, nhồi máu cơ tim là bệnh lý nguy hiểm và rất phổ biến hiện nay, ngoài thực hiện lối sống lành mạnh, người dân cần thường xuyên khám, tầm soát để kịp thời điều trị các bệnh lý về tim mạch.
Với các bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp, đột quỵ tim cấp, thời gian là cơ tim. Người bệnh được tái thông mạch vành càng sớm thì tỷ lệ tử vong và các biến chứng nặng càng thấp. Do vậy, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất có can thiệp tái thông mạch vành khi có biểu hiện đau ngực trái để gia tăng cơ hội điều trị thành công, giảm tỷ lệ tử vong và biến chứng của bệnh.