Theo The Guardian đưa tin vào hôm 19/5, người đàn ông ở quần đảo Solomon, phía nam Thái Bình Dương sau khi phát hiện số bom, đã ngay lập tức trình báo vụ việc với chính quyền địa phương.
Những quả bom được phát hiện ở nhà của một người dân tại Solomon. Ảnh: Georgina Kakea.
Cơ quan Xử lý Vật liệu Nổ (EOD) của Lực lượng Cảnh sát Quần đảo Hoàng gia Solomon (RSIPF) được điều động đến đến hiện trường sau khi nhận được tin báo, vô hiệu hóa và loại bỏ 101 quả bom với xuất xứ được cho là từ Mỹ.
Một sĩ quan cảnh sát tham gia thực hiện nhiệm vụ cho biết tất cả các đầu đạn đều đã được di dời và bảo quản một cách an toàn trước khi việc tháo kíp nổ được triển khai.
Lực lượng chức năng đang xử lý số bom mìn từ Thế chiến thứ 2. Ảnh: The Guardian.
Hàng nghìn quả bom đã được thả xuống các hòn đảo ở Thái Bình Dương như quần đảo Solomon, Papua New Guinea và Palau từ Thế chiến thứ 2, trong đó có nhiều quả không phát nổ. Các kho đạn cũng được thành lập trên khắp các hòn đảo.
Sau chiến tranh, các nước đồng minh có nhiệm vụ phải phải xử lý số bom mìn trên đúng cách nhưng một số đã bị sót lại. Hồi đầu tháng 5, hai người đàn ông đã thiệt mạng khi một quả bom tương tự phát nổ tại khu dân cư ở Honiara.
Trước sự việc nói trên, thanh tra viên của EOD là ông Clifford Tunuki kêu gọi tất cả người dân sinh sống trên quần đảo Solomon trước khi tiến hành việc xây dựng hay cải tạo tại khu đất thuộc sở hữu của mình cần liên hệ với các công ty rà phá bom mìn để kiểm tra và xử lý mặt bằng nếu như phát hiện có bom chưa nổ trong khu vực thi công.
Thùy Dương (Theo The Guardian)