Lễ hội làng Triều Khúc được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia từ năm 2019. Tổ chức hằng năm từ ngày 9-12 tháng Giêng (Âm lịch), lễ hội làng Triều Khúc nhằm tưởng nhớ và tri ân Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, vị anh hùng dân tộc đã có công lớn trong việc chống giặc ngoại xâm và bảo vệ đất nước.
Lễ hội đã có từ nhiều năm với nhiều nghi thức từ xưa truyền lại, trong đó mở đầu là lễ rước kiệu để tỏ lòng thành kính của người dân Triều Khúc với Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Tướng cầm kiếm bạc đi trước kiệu rước Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng.
Hai đội sênh tiền gồm 6 thiếu nữ.
Điểm đặc sắc nhất của Lễ hội làng Triều Khúc là điệu múa "Con đĩ đánh bồng"- một trong 10 điệu múa cổ của đất Thăng Long xưa - do trai làng đóng giả gái với má phấn, môi son, đầu chít khăn mỏ quạ, váy nhiễu màu đen với những dải màu ngũ sắc, vừa múa nhún nhảy, vừa vỗ trống bồng.
Tục xưa kể rằng, vào thế kỷ thứ 8, Vua Phùng Hưng Bố Cái Đại Vương tập kết các nghĩa sỹ tại làng Triều Khúc để bao vây đạo quân nhà Đường. Để khích động tướng sỹ và cũng là để giải trí cho nghĩa quân, Nhà vua đã cho binh lính đóng giả làm gái, ăn mặc sặc sỡ và đeo trống múa bồng. Kể từ đó, hàng năm vào mùa Xuân, từ ngày 9/12 tháng Giêng Âm lịch, dân làng lại tổ chức lễ hội rước Thành Hoàng Phùng. Trong lễ rước trang trọng, lễ hội của cả làng có nhiều nghi thức từ xưa truyền lại.
Nhiều người khi nghe từ “đĩ” thấy phản cảm nhưng trước kia từ này không phải là một từ mang ý nghĩa tiêu cực. Nó chỉ dùng để ám chỉ những người con trai giả dạng nữ nhân. Cũng bởi vì thấy thuộc hạ nam nhân giả gái, múa may quá lả lơi mà Vua Phùng Hưng gọi họ bằng từ này.
Các chàng trai điểm phấn tô son giả gái. Động tác múa phải uyển chuyển, mềm mại nhưng cũng phóng khoáng, linh hoạt, không kém phần mạnh mẽ.
Hội làng Triều Khúc được đánh giá là vẫn giữ được nét nguyên sơ nhất của lễ hội truyền thống, nó mang cốt cách, nét đẹp tâm linh của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Ảnh: Tiền phong, Lao động