Đám cưới của một cặp đôi ở Uy Hải, Sơn Đông (Trung Quốc) mới đây đã trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng mạng, nguyên nhân xuất phát từ hành động của cô dâu. Được biết, cô dâu và chú rể được người quen giới thiệu.
Chú rể chững chạc và ổn định, trong khi cô dâu rất vô tư, nhanh nhẹn, mạnh mẽ và tận tâm. Sau một thời gian tiếp xúc, hai người quyết định tiến đến hôn nhân. Để chuẩn bị cho đám cưới, nhà trai và nhà gái dậy từ sáng sớm, phối hợp với công ty tổ chức hôn lễ làm việc từ sáng đến tối.
Cô dâu phải cố gắng kiềm chế cơn khát để không ảnh hưởng đến lớp trang điểm, ngoài ra chưa ăn gì suốt ngày dài vì bận nhiều việc. Đám cưới có nghi thức cô dâu chú rể cùng nâng ly với quan khách.
Lúc này, cô dâu không tỏ vẻ ngại ngùng, trái lại một tay cầm rượu, tay kia chống nạnh, nâng ly chúc mừng đám cưới của chính mình một cách táo bạo, chẳng còn vẻ e thẹn trước đó. Có lẽ cô dâu đang cảm thấy rất đói và mệt. Đứng bên cạnh cô dâu, chú rể cũng cầm ly rượu lên uống.
Cô dâu chống nạnh, nâng ly rượu lên uống cạn với khách mời.
Ngay sau khi được đăng tải lên mạng, hình ảnh về đám cưới nhanh chóng thu hút sự chú ý của đông đảo cư dân mạng. Thay vì thấy phản cảm và chỉ trích, phần lớn mọi người lại vô cùng thích tính cách của cô dâu. Thậm chí, có cư dân mạng chia sẻ muốn tìm được con dâu như vậy, tự nhiên, thoải mái nhưng không bị lố.
Cách đây không lâu, đám cưới của một cô dâu ở Sơn Tây (Trung Quốc) cũng gây xôn xao cõi mạng khi khách mời được sắp xếp theo trình độ học vấn và bằng cấp. Có bàn dành cho nghiên cứu sinh, bàn dành cho học viên cao học, bàn dành cho bạn học cùng thời đại học, tiếp đó là học cùng cấp ba, cấp 2.
Cô dâu chia sẻ sắp xếp theo cách như vậy có thể tránh việc những người không quen biết ngồi chung bàn, dẫn đến sự ngượng ngùng, khó nói chuyện. Tuy nhiên, việc này đã dấy lên những tranh cãi trên mạng xã hội.
Đa số cư dân mạng đều tỏ ra bất bình, cho rằng làm như vậy không ổn, cô dâu thực sự đang phân biệt đối xử với khách mời. Dù vậy, vẫn có người nhận định hành động của cô dâu thể hiện sự chu đáo vì một người người không quen mà phải ngồi ăn chung mâm sẽ rất ngại, không biết nói chuyện với ai.
“Ban đầu cô dâu làm vậy là vì muốn mọi người có thể trò chuyện cùng nhau nhiều hơn. Việc sắp xếp bàn tiệc này cũng đã báo trước với mọi người.
Tiệc cưới được cô dâu chú rể tổ chức khá tươm tất, hoàn hảo. Mọi người đến ăn uống rất vui vẻ, không ai cảm thấy mình bị phân biệt đối xử cả. Chính cô ấy cũng không ngờ việc này lại gây ra tranh cãi dữ dội như vậy”, bạn cô dâu cho hay.
Đinh Kim (T/h)