Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đàm Vĩnh Hưng: Từ cậu bé thiếu ăn đến "ông hoàng nhạc Việt"

(DS&PL) -

Nhắc đến Mr Đàm, người ta thường nhớ đến những liveshow chục tỷ, thú chơi kim cương sang chảnh,... nhưng ít ai biết đến hành trình lập nghiệp nhiều gian nan của anh.

Đàm Vĩnh Hưng là một trong những ca sĩ thành công bậc nhất của làng nhạc Việt. Nhắc đến Mr Đàm, người ta thường nhớ đến những liveshow chục tỷ, thú chơi kim cương sang chảnh,... nhưng ít ai biết đến hành trình lập nghiệp nhiều gian nan của anh. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, lần đầu tiên Đàm Vĩnh Hưng trải lòng về tuổi thơ dữ dội, những ngày tháng mới vào nghề nhiều tủi hờn và quyết tâm vượt qua cái nghèo để thay đổi số phận.

Nghèo đến mức không có cái để ăn

“Ông hoàng nhạc Việt” bắt đầu cuộc trò chuyện bằng ánh mắt đăm chiêu, nét mặt ưu tư và lời nhận định “tuổi thơ của tôi không hề bình yên”. Khi còn là một cậu bé, Đàm Vĩnh Hưng ước mơ lớn lên sẽ trở thành bác sĩ để được giúp người, cứu người. Thế nhưng, ông trời lại không chiều lòng người, vì tai ương bất ngờ ập xuống gia đình mà cậu bé Hưng bị đẩy ra ngoài xã hội để bươn chải kiếm sống và giấc mơ được khoác trên mình chiếc áo blouse cũng vì vậy mà vụt tắt.

“Xã hội thay đổi, bố mẹ thay đổi và gia đình cũng thay đổi theo. Trước những sóng gió cuộc đời ập đến bất ngờ, tôi bị xô đẩy, phải từ bỏ ghế nhà trường để ra đời bươn chải. Cuộc sống nhọc nhằn đó đã cuốn phăng đi ước mơ trở thành bác sĩ của tôi”, Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ.

Chuyện nợ nần của gia đình đã trở thành thứ ám ảnh và thành vết hằn đau đớn đè lên tuổi thơ của Đàm Vĩnh Hưng. Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” trong khi bạn bè được vui chơi, được yêu thương thì Mr Đàm phải hứng chịu những lời chửi rủa của ba mẹ, những câu nói hằn học của ông bà. Vậy nên, ký ức tuổi thơ của Đàm Vĩnh Hưng chỉ là những bữa đói, những lời chửi rủa, những cuộc cãi vã và những giọt mồ hôi mặn chát.

Cho đến tận bây giờ, anh vẫn không thể hiểu, tại sao cậu bé Hưng ngày đó lại bản lĩnh đến vậy, lại có thể vượt qua được chuỗi ngày khốn cùng ấy. Để sống sót, để giúp đỡ gia đình, cậu bé Hưng bước ra đời, kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau. Một cậu bé có dáng người nhỏ nhắn nhưng chẳng nề hà bất cứ công việc gì từ giúp việc ở quán cà-phê, bán đồ lót đến may gia công,... cái gì anh cũng làm miễn là có tiền để giúp đỡ gia đình trang trải nợ nần.

“Tôi đã từng rơi vào những cảnh khốn cùng. Ở thời điểm ấy, tôi chỉ mong ai đó cho mình một số tiền, nhỏ thôi cũng được để có cuộc sống bớt nhọc nhằn, bớt lo toan. Khi bố bị ốm nặng, tôi đã chạy vạy khắp nơi để kiếm tiền chữa bệnh cho bố, nhưng vì gia đình nghèo quá nên chẳng ai cho vay. Cũng đúng thôi, cho tôi vay biết bao giờ mới lấy lại được vì gia đình nghèo quá. Nghèo đến mức không có cái để ăn thì ai dám cho vay? Còn nhớ, tôi đi chiếc xe đạp màu nho không có gác-đờ-xen và xích xe lúc nào cũng cắn nát cái quần. Một chiếc xe cũ kĩ đến mức có vứt đi cũng chẳng ai lấy”, Mr Đàm trải lòng.

Bước qua nhọc nhằn

Đàm Vĩnh Hưng cho biết, tuổi thơ với nỗi lo kiếm ăn, tủi hổ vì nghèo đói lại chính là động lực để nam ca sĩ sống quật cường và có được thành công như hôm nay. Anh tin rằng, bất cứ đứa trẻ nào sống trong hoàn cảnh đó cũng sẽ có bản lĩnh sống rất mạnh mẽ. Những đứa trẻ này giống như loài cỏ dại, dù nắng mưa, dù bão táp vẫn sẽ vượt qua nghịch cảnh để vươn lên.

“Sau khi lên Sài Gòn sống, tôi gặp một cô trong xóm, cô ấy chỉ làm tóc thôi mà nuôi cả gia đình rất đông người và xây được nhà lớn. Tôi ngưỡng mộ lắm và muốn được như cô ấy. Trước đó, tôi học may và định làm may, nhưng nhìn cô hàng xóm tôi mới ngẫm, người ta một năm chỉ may đồ vài lần, nhưng tóc thì tháng nào cũng phải cắt”, Mr Đàm chia sẻ.

Với suy nghĩ ấy, Đàm Vĩnh Hưng quyết tâm đổi nghề. Thế nhưng, ở thời điểm đó, chẳng dễ để anh kiếm được số tiền học phí, vậy nên anh chọn cách học lỏm qua khung cửa sổ. Đứng bên ngoài quan sát nhất cử nhất động của “thầy” qua những tấm gương và càng nhìn anh càng thấy yêu những đường cắt. Anh quyết tâm phải học bằng được nghề này. Sau nhiều ngày tích góp, anh cũng có đủ tiền học phí và đường đường chính chính bước vào lớp học.

“Khi có đủ tiền để vào học tôi lại gặp phải tình huống vô cùng oái oăm. Do trước đây học lỏm qua gương, nên toàn cắt lệch bên, trái thành phải và phải thành trái, vì trong gương ngược với bên ngoài. Tuy nhiên, tôi là đứa thông minh, nhanh nhẹn nên chỉ mất 5 tháng đã học được hết những mánh khóe của nghề làm tóc”, Mr Đàm tâm sự.

Trong những ngày đầu, nghề cắt tóc cũng chẳng thể giúp anh kiếm được đủ tiền trang trải cho cuộc sống và giúp đỡ bố mẹ. Vậy là Đàm Vĩnh Hưng vẫn phải lao đi khắp nơi làm những công việc lặt vặt kiếm thêm thu nhập. Nói về quãng thời gian đó, “ông hoàng nhạc Việt” chia sẻ: “Ở thời điểm đó, gia đình tôi vô cùng khó khăn. Tôi vừa phải tự nuôi sống bản thân, vừa giúp đỡ gia đình và nuôi mẹ đang ở trong tù. Mẹ đi tù vì nợ nần, nợ nhiều quá không trả nổi nên phải vào tù ở”.

Cuộc sống khốn khó lúc đó khiến Đàm Vĩnh Hưng chỉ chú tâm kiếm tiền chứ chẳng màng đến chuyện hát hò. Với anh, hát chỉ để cho vui chứ không phải là nghề sẽ gắn bó suốt cuộc đời. Nhưng rồi, vì thích tiếng vỗ tay, thích đứng trên sân khấu mà anh tham gia tất cả các cuộc thi hát.

“Tôi thi cứ trượt hoài, thi cuộc nào là nát bét cuộc đó. Tuy nhiên, tôi lạ lắm, dù trượt hoài mà vẫn cứ lao lên sân khấu để thi. Đúng là số phận đã đưa đẩy. Từ việc cứ lao như con thiêu thân vì thích tiếng vỗ tay, tôi dần dần quen người nọ người kia và rồi đến với ca hát lúc nào không hay”, “ông hoàng nhạc Việt” trải lòng.

Giống như nhiều nghệ sĩ khác, những ngày mới vào nghề, anh cũng phải chịu nhiều đắng cay, tủi hổ nhưng bản lĩnh sống quật cường đã giúp chàng ca sĩ trẻ không gục ngã. Ai đó đã từng nói, chẳng có con đường nào tự dưng mà có, mọi con đường đều được hình thành từ những lối mòn. Thành công ngày nay của Mr Đàm cũng được hình thành từ những lối mòn nhỏ mà anh đã kiên trì tạo dựng ở tuổi thanh xuân.

Trong những ngày đầu, anh gặp nhiều khó khăn trong việc kiếm show, bởi chẳng có người nâng đỡ cũng chẳng có tiền bạc hay quan hệ. Mỗi tuần, Đàm Vĩnh Hưng chỉ nhận được một show với mức cát-xê bèo bọt 7 ngàn đồng. Nhiều lúc nhìn đồng nghiệp khác mà tủi thân, nghe họ kể chuyện bay show mà chỉ muốn rơi nước mắt. Nhìn thấy người ta nhận cả tập tiền cát-xê mà ngẫm đau cho bản thân.

Thời điểm đó, ca hát với anh chẳng phải để vui nữa mà đã là niềm đam mê, là nghề muốn gắn bó cả đời. Vậy nên, anh chấp nhận đói khổ để được hát, được đứng trước khán giả và được nghe tiếng vỗ tay. Cuộc đời của Đàm Vĩnh Hưng có lẽ được gói gọn trong một chữ Duyên. Anh đến với âm nhạc một cách ngẫu nhiên, gặp gỡ nghệ sĩ Hoài Linh rất tình cờ và rồi nổi danh một cách bất ngờ nhờ một ca khúc.

“Âm nhạc đến với tôi giống như cái duyên đã định sẵn. Sự nghiệp ca hát của tôi có 2 dấu mốc đáng nhớ: Đầu tiên là khi được giải tư trong cuộc thi tiếng hát truyền hình TP.Hồ Chí Minh. Tôi phải thú thật là có đến 10 người được giải Tư và tôi là người xếp thứ chín. Mốc thứ hai, quan trọng hơn và được coi là bước ngoặt của cuộc đời tôi chính là lúc gặp anh Hoài Linh. Anh Hoài Linh cho tôi cái tên Đàm Vĩnh Hưng và cho tiền làm CD đầu tiên”, Mr Đàm tâm sự.

Thế nhưng, chẳng ai có thể chạm đến thành công chỉ nhờ một chữ Duyên và Đàm Vĩnh Hưng cũng như vậy. Để có thể trở thành “ông hoàng nhạc Việt”, trở thành một trong những nghệ sĩ thành công nhất của làng giải trí Việt, Mr Đàm đã phải bước qua những nỗi đau, những cám dỗ, những gian nan để chạm đến thành công.

“Một trong những điều khiến tôi tự hào chính là mọi thứ đến tự nhiên như vốn phải thế. Tôi chẳng cần phải chà đạp lên ai để kiếm cho mình ánh hào quang. Tôi chỉ nỗ lực để hoàn thành tốt công việc của bản thân. Tôi tập trung vào điều mình cần làm chứ không để mình bị chi phối, sao nhãng vì những người xung quanh”, Mr Đàm trải lòng.

Lê Anh

Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật tháng số 32

Tin nổi bật