Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đám cưới trên chiến trường Điện Biên của vị trung tướng

(DS&PL) -

Giữa chiến hào vừa ngưng tiếng súng ở Điện Biên, cô dâu Nguyễn Thị Ngọc Toản và chú rể Cao Văn Khánh chụp ảnh cưới trên tháp pháo xe tăng, hướng về đồi A1.

Giữa chiến hào vừa ngưng tiếng súng ở Điện Biên, cô dâu Nguyễn Thị Ngọc Toản và chú rể Cao Văn Khánh chụp ảnh cưới trên tháp pháo xe tăng, hướng về đồi A1.

Căn phòng nhỏ trong khu tập thể Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Trần Thánh Tông, Hà Nội) bày biện đơn sơ, ấm cúng. Những bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ảnh kỷ niệm của gia đình được gìn giữ cẩn thận. Hơn 34 năm sau ngày trung tướng Khánh đi xa, bà Toản ở một mình. Bước sang tuổi 85, vị nữ giáo sư, bác sĩ vẫn giữ được sự minh mẫn.

Ảnh cưới của vợ chồng Trung tướng Cao Văn Khánh và giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Toản chụp trên tháp pháo xe tăng ngày 22/5/1954. Ảnh: NVCC.

Bà và trung tướng Cao Văn Khánh gặp nhau lần đầu tiên năm 1951. Vì mải đánh giặc mà vị Đại đoàn phó Đại đoàn quân Tiên Phong (Đại đoàn 308) vẫn chưa lập gia đình dù đã 34 tuổi. Ông tâm nguyện: "Tôi chỉ muốn là công dân tốt, tổ quốc cần thì đi đánh giặc, xong lại về dạy học, thế là mãn nguyện rồi". Ngọc Toản là nữ sinh y khoa Việt Bắc. Bà vốn là con gái dòng dõi hoàng tộc ở Huế, sớm thoát ly gia đình theo Giải phóng quân từ năm 15 tuổi.

Một lần, tướng Lê Quang Đạo cho vị đoàn phó xem bức ảnh chụp ba cô gái. Ông Đạo chỉ vào người trẻ nhất, nói cô này là nữ sinh trường Đồng Khánh, em vợ giáo sư Đặng Văn Ngữ và đang học y khoa. Lời giới thiệu của ông khiến đoàn phó Cao Văn Khánh ấn tượng mạnh. Ông đạp xe nửa ngày từ Thái Nguyên tới trường y khoa ở Chiêm Hóa (Tuyên Quang) mong gặp mặt người con gái đồng hương.

Nghe tiếng Ngọc Toản là người tài sắc, đồng đội ông Khánh hết sức vun vào. Đích thân Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ trực tiếp đến gặp mẹ bà để xin phép cho ông Khánh được làm quen với Ngọc Toản.

Bà Toản ngại ngùng từ chối vì tuổi còn trẻ, muốn học tiếp y khoa và chưa có ý định lấy chồng. Ông Khánh viết thư cho bà, nói rõ mong muốn "tìm người vừa là đồng hương, đồng đội, đồng chí để cùng nhau xây dựng gia đình, cùng nhau chiến đấu và phấn đấu". Trước sự chân thành của ông, bà đồng ý giữ liên lạc. Hai người thư từ qua lại, tình cảm nảy nở dần qua chiến tranh.

Năm 1954, cả hai được điều động tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông nằm trong ban chỉ huy Đại đoàn 308, một trong những đoàn quân chủ lực của Việt Nam. Bà là y sĩ cứu thương trong đội điều trị trọng thương ở chiến trường. Hai người hẹn ngày chiến thắng sẽ về chiến khu xin phép gia đình làm lễ cưới.

Giữa chiến hào, những lá thư kể chuyện Điện Biên được ông tranh thủ viết lúc ngưng tiếng súng. Kết thúc chiến dịch, Đại đoàn 308 phải ở lại nhận nhiệm vụ trao trả tù binh, thu dọn chiến trường. Ý định về chiến khu tổ chức đám cưới không thành.

Bức ảnh hai vợ chồng chụp năm 1955. Ảnh: NVCC.

Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Trần Lương có mặt tại chiến trường Điện Biên Phủ đã gọi bà Ngọc Toản đến gặp. Ông nói nhiệm vụ còn lâu dài, giặc vẫn phải đánh mà hạnh phúc vẫn phải xây dựng, nên cưới ngay. Nữ y sĩ chần chừ vì nghĩ đến mẹ già, việc cứu thương còn bận rộn. Nhưng cuối cùng, bà đồng ý vì nghĩ đó cũng là đích đến của tình yêu.

Hôm đó là ngày 22/5/1954, bộ đội trang trí lại hầm Đờ Cát thành phòng cưới. Vải dù được chăng lên, trên có dòng chữ Vui duyên mới không quên nhiệm vụ. Quan viên hai họ là những đồng đội có mặt ở chiến trường.

Chú rể chỉnh bộ quần áo còn vương mùi thuốc súng, cô dâu chải lại mái tóc cho gọn gàng rồi nắm tay nhau bước vào phòng cưới. Ông Trần Lương làm chủ hôn, tuyên bố hai người hôn nhau trước mặt mọi người để thừa nhận là vợ chồng. Chú rể góp vui bài hát Bộ đội về làng, cô dâu hát Em bé Mường La. Tiếng cười, tiếng vỗ tay vang lên giữa hầm, hân hoan với đám cưới Điện Biên.

Đôi vợ chồng đứng trên tháp pháo xe tăng chụp vài tấm ảnh cưới, họ cùng nhau hướng về phía đồi A1. "Bất chợt lúc ấy, tôi nghĩ đến những thương binh mất ngay trên tay mình khi tuổi mới đôi mươi. Tôi nói với anh Khánh rằng, bao nhiêu người còn chưa được yêu nằm xuống cho mình được sống, được hạnh phúc thì phải sống sao cho xứng đáng. Người chồng, người đồng đội của tôi cũng đồng ý như vậy", bà Toản kể lại bằng giọng Huế trầm ấm, thân thương.

Bà cho hay, ngoài vợ chồng bà, một số đôi uyên ương cũng được đơn vị tác thành trước và sau chiến dịch. Trong đó, có đám cưới của Trưởng phòng tuyên huấn mặt trận Hoàng Xuân Tùy với văn công Tổng cục Chính trị, Song Ninh; đám cưới của bác sĩ  Vũ Trọng Kính, đội trưởng đội điều trị Quyết Thắng với nữ y sĩ Bích Hoàn.

Đánh thắng giặc Pháp, Đại đoàn phó Cao Văn Khánh tiếp tục giữ nhiều trọng trách trong quân đội. Ông tham gia chỉ huy nhiều trận đánh trong kháng chiến chống Mỹ. Một mình bà Toản chăm sóc và nuôi dạy 4 người con để chồng yên tâm đánh giặc. Bà vừa đi học, vừa công tác trong Bệnh viện Quân đội 108.

Thời gian đánh giặc nhiều hơn thời gian dành cho gia đình, nhưng trong mắt vợ con, trung tướng Cao Văn Khánh vẫn là người rất mực tình cảm. Sau mỗi trận đánh, ông đều viết thư về cho gia đình. Con gái Bảo Vân được cha thương yêu, thường viết thư động viên và dặn bao giờ thống nhất ba về với con.

Những cánh thư là cầu nối duy nhất, giúp cho cả gia đình cùng chung ý nghĩ với nhau. Khi báo tin thắng trận Khe Sanh, ông viết: "Chiến thắng của anh và đồng đội có cả công em và các con động viên. Cầu mong cho các gia đình đều được hạnh phúc như gia đình ta".

Trải qua hai cuộc trường chinh kháng chiến, hầu như chưa được nghỉ ngày nào thì vị trung tướng qua đời năm 1980. Ông mắc bệnh ung thư gan do ảnh hưởng của chất độc da cam. Trước khi mất, ông chỉ kịp nhắn nhủ mọi người động viên bà Toản tiếp tục ở lại chăm sóc các con.

Dù 85 tuổi nhưng bà còn minh mẫn, đi nhiều nơi và tham gia hoạt động xã hội. Ảnh:Hoàng Phương.

Mộ ông đặt trong nghĩa trang Yên Kỳ lộng gió, bên cạnh người con trai thân yêu và những đồng đội cũ của Đại đoàn 308. Trên bia ghi giản dị Tướng Cao Văn Khánh, ngày sinh, ngày mất và quê quán, không thêm một dòng chức tước. Hai người con trai của ông mất sớm, còn lại một người con trai và một người con gái đều trưởng thành, có nhiều đóng góp cho xã hội.

Nghỉ công tác ở Bệnh viện 108 từ năm 1996, bà Ngọc Toản tham gia nhiều hoạt động đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam. Năm nay, bà không về thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ mà dành thời gian đi thăm người thân và những nạn nhân chất độc da cam. Bà nói thời gian không còn nhiều nên phải làm hết những việc cần làm.

Nói về tình yêu với trung tướng Cao Văn Khánh, bà Toản rưng rưng xúc động: "Tôi may mắn gặp và yêu đúng người. Tình yêu đó làm chúng tôi trưởng thành, vững vàng hơn trong chiến tranh và gian khổ. Tình yêu thời chiến là vậy, có thể ngày mai ngã xuống nhưng hôm nay vẫn sống và yêu hết mình".

Xem thêm Video Màn múa súng độc đáo trong buổi lễ diễu binh tại Điện Biên Phủ:

Tin nổi bật