Được biết, đám cưới độc lạ trên là của cô dâu Nguyễn Huyền Trang (SN 1999, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) và chú rể Nguyễn Sơn Tùng (SN 1997), sống cách nhà vợ khoảng 300m.
Huyền Trang chia sẻ với Vietnamnet: “Lễ cưới của vợ chồng tôi diễn ra từ ngày 28/11 đến ngày 1/12. Ngày 28/11, chúng tôi tổ chức lễ ăn hỏi bên nhà gái.
Hôm đó, chồng tôi dùng 10 chiếc xe rùa chở sính lễ đến nhà gái. Đoạn video quay lại đoàn xe rùa nối đuôi trên đường đã thu hút cộng đồng mạng.
Chúng tôi rất bất ngờ, hạnh phúc khi nhận được nhiều lời chúc phúc từ người lạ”.
Chú rể Nguyễn Sơn Tùng dẫn đầu đoàn bê tráp. Ảnh: Vietnamnet.
Sau 3 năm 8 tháng yêu nhau, Sơn Tùng mạnh dạn cầu hôn, rồi lên kế hoạch tổ chức lễ cưới cùng cô hàng xóm.
Do nhà trai và nhà gái gần nhau nên chú rể dự tính vào lễ ăn hỏi và rước dâu, mọi người sẽ cùng nhau đi bộ. Tuy nhiên, Tùng băn khoăn, thương đội hình bê tráp vất vả, khệ nệ sính lễ nặng nề.
Vì vậy, chú rể lên kế hoạch dùng xe cải tiến chở 9 người trong đội bê tráp. Thế nhưng, một chuyến xe lại không thể chở hết.
Từ đây, Tùng nảy ra ý tưởng thuê xe rùa để đưa sính lễ sang nhà gái. Đề xuất này của chú rể được cô dâu đồng tình, ủng hộ.
Huyền Trang chia sẻ: “Chồng tôi đã hỏi qua người lớn, bố mẹ hai bên. Mọi người đều vui vẻ, chấp nhận cho chúng tôi dùng xe rùa chở sính lễ.
Khi video đoàn xe rùa chở sính lễ phổ biến, một số bình luận tiêu cực xuất hiện nhưng gia đình, họ hàng thấy vui là đủ rồi”.
Theo cô dâu Huyền Trang, 10 chiếc xe rùa được thuê từ đại lý chuyên sản xuất và phân phối loại xe này trong vùng. Tất cả đều là xe mới, sạch sẽ, chưa từng lăn bánh.
Cả hai đã trải qua mối tình đẹp trước khi quyết định đi đến hôn nhân. Ảnh: Vietnamnet.
Tùng nhận xe về nhà, tiến hành trang trí cho thêm phần trang trọng. Chú rể được sự giúp sức của anh trai cô dâu đã phủ vải đỏ, làm biển số đẹp, thắt nơ… lên 10 chiếc xe.
Trong quá trình trang trí xe rùa, cô dâu Huyền Trang chỉ việc ngồi xem, động viên, còn chú rể tỉ mỉ hoàn thiện từng công đoạn.
Đến tận bây giờ, mỗi lần kể lại chuyện tình, cô dâu trẻ Huyền Trang vẫn ngỡ như chuyện vừa xảy ra hôm qua. Cô đã trải qua một mối tình êm đềm, đẹp như thơ.
Huyền Trang kể, từ lúc còn nhỏ, cô và Sơn Tùng thường chuyện trò, đi chơi cùng nhóm bạn trong xóm. Ban đầu, họ xem nhau như anh em, bạn bè thân thiết, chứ không xác định yêu đương.
Thế nhưng, qua thời gian gắn bó, hai người quý mến, rồi yêu nhau lúc nào không rõ. Huyền Trang không nhớ nổi ai là người mở lời, thổ lộ tình cảm trước. Dường như, cả hai ngầm hiểu đôi bên đã thích nhau.
Bạn bè biết hai người yêu nhau thì bất ngờ, không tin hoặc dự đoán mối tình chẳng thể kéo dài.
“Mọi người cho rằng, hai người yêu nhau mà sống gần nhà thì hiểu rõ tính nết, khó đi đến hôn nhân. Có người nói ra nói vào nhưng chúng tôi không nghĩ đến xa xôi, cứ thích thì yêu thôi”, Huyền Trang tâm sự.
Bố mẹ hai nhà biết đôi trẻ chung xóm yêu nhau cũng có chút ngạc nhiên, ngỡ ngàng. Tuy nhiên, họ không cấm cản mà còn vun vén.
Vì nhà gần nhau nên Huyền Trang có nhiều cơ hội sang nhà người yêu, phụ mẹ chồng tương lai nấu cơm. Trang rất vụng trong việc nấu nướng nhưng mẹ chồng không khó chịu mà dịu dàng chỉ dạy. Càng gần gũi, Trang cảm nhận bà rất yêu thương và chiều chuộng mình.
Lúc tình cảm chín muồi, Tùng đặt nhà hàng, tổ chức buổi lễ cầu hôn Trang với nhẫn và hoa. Từ khoảnh khắc đó, Trang chỉ cần vui vẻ, chuẩn bị làm cô dâu, còn mọi chuyện có chồng lo.
Sơn Tùng là người đàn ông ấm áp, chu đáo, cầu toàn. Mọi thứ liên quan đến lễ cưới do Tùng một tay sắp xếp.
Vì nhà gần nhau nên mỗi ngày, cô về nhà mẹ hơn 10 lần mà không bị ai trách móc, nhắc nhở.
Được biết, Huyền Trang buôn bán phụ kiện ngành nail, còn chồng kinh doanh cửa hàng của gia đình. Vì vậy, Trang thường về cửa hàng ở nhà mẹ làm việc, thỉnh thoảng sang ăn cơm.
Được gia đình quan tâm, vợ chồng trẻ có cuộc sống đơn giản, không phải lo nghĩ quá nhiều. Tuy nhiên, cả hai không ỷ lại mà càng nỗ lực làm việc và hiếu thuận với bố mẹ hai bên.
Trước đó vào hồi tháng 10, một chú rể ở Thái Bình cũng đã xin dâu theo cách tương tự.
Chú rể ở Thái Bình cũng đã có cách xin dâu tương tự. Ảnh: Dân Trí.
Theo Dân Trí, đám cưới là của cô dâu Nguyễn Hải Yến (23 tuổi, ở Vũ Thư, Thái Bình) và chú rể Ngô Văn Quang (30 tuổi).
Nhà Yến cách nhà trai chỉ hơn 500m nên cô nghĩ chắc đoàn nhà trai sẽ đi bộ, các tráp lễ vì thế cũng được bê trên tay sang nhà gái.
Tuy nhiên, đến giờ đẹp, Yến cùng các vị đại diện trong họ, bố mẹ và người thân thấy từ xa một đoàn xe rùa được các chàng trai mặc áo dài di chuyển hàng dọc đẩy sang. Trên xe là những sính lễ trầu cau, hoa quả, bánh, thuốc lá…
Nhìn cảnh ấy, cô dâu cùng nhà gái vô cùng bất ngờ. Ai nấy đều ngỡ ngàng không nghĩ nhà trai lại đưa sính lễ đến theo cách độc đáo như vậy.
Chia sẻ về ý tưởng này, chú rể cho biết: "Do nhà tôi và nhà bạn gái chỉ cách nhau 500m. Nếu đi ô tô thì không hợp lý mà đi bộ bê tráp thì cũng không ổn.
Các tráp lễ ở quê tôi rất nặng, nếu một người bê đi bộ chỉ một đoạn sẽ mỏi, không thể đi tiếp được. Vì vậy, tôi nghĩ ra cách thuê xe rùa để chở các sính lễ".
Quang giữ kín chuyện này với nhà gái và xin ý kiến của mẹ mình. Mẹ anh lo lắng cách dẫn lễ như vậy có hơi khác thường, sợ hàng xóm bàn luận, dị nghị. Tuy nhiên, sau khi nghe anh thuyết phục, người mẹ đã đồng ý.
Cư dân mạng thích thú với cách đón dâu độc lạ của chú rể. Ảnh: Dân Trí.
Để triển khai ý tưởng, Quang tìm thuê 7 chiếc xe rùa mới. Thuê được xe rùa, Quang đem về nhà tháo rời từng bộ phận, thay đổi màu sơn từ xanh sang đỏ cho hợp với đám ăn hỏi. Anh cũng cẩn thận lắp thêm biển số với những dãy số đẹp để tạo điểm nhấn cho chiếc xe.
Ngày 7/10, Quang nhờ 7 người bạn phụ trách 7 xe rùa. Họ dễ dàng vận chuyển các sính lễ có trọng lượng lớn qua nhà gái mà không gặp bất cứ khó khăn nào.
"Tôi giữ kín mọi chuyện với nhà gái nên khi sang đến nơi mọi người rất bất ngờ. Nhìn những chiếc xe trang trí đẹp mắt, ai cũng thích thú, hưởng ứng", Quang chia sẻ.
Hình ảnh về đoàn dẫn lễ độc, lạ của chú rể Ngô Văn Quang sau đó được quay lại và chia sẻ lên mạng xã hội.
Nhiều cư dân mạng đã dành lời khen ngợi cho sự sáng tạo của chú rể. Hình ảnh giản dị nhưng vẫn để lại ấn tượng với nhiều người.
Anh Đỗ Văn Huy (Hà Nội) chia sẻ: "Tôi cũng cưới vợ gần nhà 500m, đi ô tô không được mà đi bộ bê tráp thì mệt. Chú rể đúng là quá sáng tạo khi nghĩ ra cách này".
Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến cho rằng việc dùng xe rùa trong đám hỏi chưa phù hợp với nghi lễ truyền thống mang tính trang trọng của người Việt Nam.
Một số người lại đoán chắc hẳn chú rể làm chủ thầu xây dựng hay kinh doanh vật liệu xây dựng nên mới đi hỏi vợ bằng xe rùa. Tuy nhiên, anh Quang cho biết, anh là một thợ chụp ảnh còn vợ đi xuất khẩu lao động mới về nước.
Cả hai trải qua quãng thời gian yêu xa nhiều năm. Khi Hải Yến hết hạn hợp đồng về nước, gia đình hai bên đã nhanh chóng bàn bạc, tổ chức lễ thành hôn.
Cũng theo chú rể, anh rất bất ngờ khi đám hỏi nhận được sự quan tâm trên mạng xã hội. Bên cạnh những lời khen, Quang cũng không quá bận tâm đến những ý kiến trái chiều bởi anh cho rằng, mỗi người đều có cách suy nghĩ khác nhau.
Phương án anh lựa chọn là phù hợp với điều kiện của hai gia đình và sau cùng đôi bên ai cũng vui vẻ, ủng hộ.
Thùy Dung (T/h)