Báo Sức khỏe & Đời sống đưa tin, sáng 26/2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận thêm một trường hợp bệnh nhân tử vong vì bệnh dại. Đây là trường hợp bệnh nhân tử vong do dại thứ 4 tính từ đầu năm đến nay.
Bệnh nhân là Y.L.W.N (SN 1996, trú tại xã Ea Yông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk).
Trước đó, ngày 23/2, bệnh nhân N xuất hiện các triệu chứng khó thở, tức ngực khi uống nước, người nhà đưa đi khám tại Trung tâm Y tế huyện Krông Pắk, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên. Tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên, bệnh nhân N được chẩn đoán theo dõi bệnh dại lên cơn. Sau đó, bệnh nhân đã tử vong lúc 22h30 ngày 25/2.
Người dân cần chú trọng việc tiêm phòng dại cho vật nuôi trong nhà. Ảnh minh họa
Theo người nhà bệnh nhân N, cách ngày nhập viện khoảng 4 tháng, bệnh nhân N bị chó nuôi trong nhà cắn vào lòng bàn tay trái và không đi tiêm vaccine phòng bệnh dại.
Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do bệnh dại, trong đó 3 trường hợp trên địa bàn huyện Krông Pắc và 1 trường hợp trên địa bàn huyện Krông Búk. Các trường hợp tử vong đều không tiêm vaccine phòng bệnh dại sau khi bị chó cắn, mèo cào.
Trong khi đó, cả năm 2023, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chỉ ghi nhận 4 trường hợp tử vong do bệnh dại. Điều đáng lo ngại là hiện nay thời tiết ở Đắk Lắk đang bước vào thời kỳ cao điểm của mùa khô năm 2024, đây là mùa nắng nóng nên nguy cơ bùng phát nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhất là bệnh dại.
Để chủ động phòng, chống bệnh dại trong điều kiện thời tiết nắng nóng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp như: Tiêm vaccine phòng bệnh dại đầy đủ cho chó, mèo, vật nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó, mèo; khi chó ra đường phải được đeo rọ mõm; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
Với những người tiếp xúc thường xuyên với động vật như nhân viên thú y, kiểm lâm... cũng cần chích ngừa định kỳ. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần rửa sạch và sát trùng vết thương, nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để tiêm vaccine, huyết thanh kháng dại kịp thời. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa hay nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh. Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền virus dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương. Người đã bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Trên thế giới hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh dại nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được, thông tin trên báo Nhân Dân.
Thùy Dung (T/h)