Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đại tá tình báo và cuộc chiến cân não với “toà án Ngụy quyền” Tết 1972

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Đại tá tình báo quân đội Lê Văn Trọng kể rằng, qua 40 lần đón tết trong cuộc đời quân ngũ của mình, có lẽ Tết Nhâm Tý 1972 khiến ông phải ưu tư nhiều nhất.

(ĐSPL) - Năm nay dù đã ngoài 80 tuổi, nhưng mỗi khi nhắc đến những kỷ niệm trên mặt trận đấu tranh thầm lặng năm xưa, Đại tá tình báo quân đội Lê Văn Trọng vẫn tỏ ra rất sôi nổi. Ông kể rằng, qua 40 lần đón tết trong cuộc đời quân ngũ của mình, có lẽ Tết Nhâm Tý 1972 khiến ông phải ưu tư nhiều nhất.

Lê Văn Trọng (ảnh chụp ngày 6/8/1972 tại Sài Gòn).

Tết của thời "khói lửa"

Đại tá Lê Văn Trọng (SN 1929), quê huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà. Từ năm 1945, khi mới 16 tuổi Lê Văn Trọng đã tham gia hoạt động cách mạng. Sau khi nghỉ hưu với quân hàm Đại tá, ông sống cùng gia đình trong một khu tập thể cũ tại phường Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội. Kể về những năm tháng hoạt động cách mạng, Đại tá Trọng tâm sự: "Cuộc đời tôi đã trải qua 40 lần đón tết trong quân ngũ. Vì thế, có rất nhiều kỷ niệm mãi in đậm mà cho đến tận bây giờ tôi vẫn không thể quên được. Đó là cái tết trong kháng chiến chống Pháp ở chiến trường gian khổ Nam Trung Bộ. Hay năm 1954 khi hoà bình lập lại, chúng tôi tập kết ra Bắc và lần lượt được đón xuân thanh bình trên đất Thanh Hoá, Thái Bình, Phú Thọ và Thủ đô Hà Nội rực rỡ pháo hoa... Thế rồi, ngày xuân đâu còn trọn vẹn nữa, vì kẻ thù cố tình chia cắt hai miền Nam, Bắc.

Theo tiếng gọi trở về giải phóng quê hương miền Nam, tôi cũng đã từng ăn tết trên tuyến đường Trường Sơn đầy khói lửa. Bước vào cuộc chiến đấu trên “mặt trận thầm lặng” trong kháng chiến chống Mỹ, tết đến âm thầm ở căn cứ tại Đà Nẵng cũng là những ngày tết đáng nhớ trong tâm trí của tôi".

Thế rồi, yêu cầu của cuộc chiến đã cuốn hút bước chân người chiến sỹ tình báo từ Vùng I chiến thuật Ngụy chuyển vào hoạt động giữa thành phố Sài Gòn (sào huyệt của Mỹ - Ngụy). Gian truân, trắc trở bị địch phát hiện, ông đã phải ngậm ngùi bước chân vào nhà lao khi chỉ còn 5 ngày nữa là đến tết Nhâm Tý.

Theo hồi tưởng của vị Đại tá già, cuối năm 1969, Lê Văn Trọng được lệnh rời khỏi Đà Nẵng ra Bắc nhận nhiệm vụ mới là vào Sài Gòn tiếp quản một tổ tình báo. Giữa tháng 11/1971, sau chuyến liên lạc với giao thông viên (giao liên - PV) Trung ương tại Nha Trang, trên đường về đến xa lộ Biên Hoà thì Lê Văn Trọng bị địch khám xét, phát hiện “sử dụng căn cước giả mạo mang tên Trịnh Hà”. Điều đó vô cùng nguy hiểm, vì căn cước này do cục Tình báo ngoài Hà Nội cấp để ông đi hoạt động. Cơ quan an ninh của địch nghi ông là “gián điệp” của Cộng sản Bắc Việt. Chúng tra tấn ác liệt, nhưng ông quyết không khai, chỉ nhận mình mua căn cước giả để trốn đi lính ngụy vì sợ khổ.

Nhớ về kỷ niệm đó, Đại tá Trọng tâm sự: "Chỉ còn 5 ngày nữa là tới tết Nhâm Tý 1972, mà tôi thì bị giam chặt trong lao 3F2 Khám lớn Chí Hoà. Không hiểu tại sao những can phạm nhốt ở đây vài ngày thì toà án gọi ra xét xử, còn tôi thì cứ nằm im lìm hơn hai tháng kể từ khi biện lý Toà án tỉnh Gia Định ra lệnh tống giam. Bọn an ninh Ngụy quyền nghi tôi là “Việt cộng nằm vùng” nên liệt kê vào danh sách “can cứu chính trị”. Căn cước của tôi được cấp tốc gửi lên Tổng nha cảnh sát quốc gia để điều tra và được phúc đáp ngay: “Căn cước của Trịnh Hà về phẩm chất cũng như lý lịch hoàn toàn giả mạo. Tuy nhiên, đây là căn cước giả loại mới, chúng tôi giữ lại để nghiên cứu và sẽ gửi đến toà khi quý toà yêu cầu”".

Kỷ niệm chương Chiến sỹ Cách mạng bị địch bắt, tù đày của Đại tá Lê Văn Trọng.

Giấy của chính quyền Sài Gòn trả tự do cho Lê Văn Trọng vào tháng 2/1972.

Kiên cường, khôn khéo trong cảnh “cá chậu, chim lồng”

Sau khi bị bắt, địch đã đưa Lê Văn Trọng đến hết nhà lao này rồi nhà lao khác để tra tấn. Nhưng người chiến sỹ kiên trung vẫn ráng chịu đòn và đánh lạc hướng điều tra, nhằm giữ bí mật xuất xứ của căn cước giả. Cuối cùng bọn thẩm vấn hung dữ cũng phải kết cung theo lời khai của ông.

Trong hoàn cảnh nguy hiểm đó, Lê Văn Trọng buộc phải khai tên của mình là Lê Phương. Vì vậy, bọn thẩm vấn đã kết cung: “Lê Phương sử dụng căn cước giả (mang tên Trịnh Hà) để trốn quân dịch”.

Trong câu chuyện của mình, vị Đại tá già cười mà bảo rằng: "Chính vì bọn thẩm vấn kết cung như vậy nên tôi sẽ phải chịu án tư pháp, thoát được án chính trị. Thời kỳ đó, tội chính trị làm “gián điệp” chống Chính phủ quốc gia (tức Ngụy quyền) là một trọng tội, có thể bị địch bí mật thủ tiêu, đày ra Côn Đảo hoặc kết án tử hình. Khi nghe địch kết cung mình sử dụng căn cước giả chỉ vì mục đích trốn đi lính cho Ngụy thì tôi cũng thở phào. Tuy nhiên, vẫn đang trong tâm trạng bồi hồi lo âu, chẳng biết bao giờ mình mới thoát khỏi chốn tù đày thì bỗng nghe bọn trật tự gọi “1394 được trả tự do”. Tôi giật thót người. 1394 đúng là số tù của mình rồi. Sao mình chưa ra toà mà được thả tự do? Tên đại diện nhà lao thúc giục tôi đi theo bọn trật tự dẫn đến văn phòng. Văn phòng trao cho tôi “Giấy trả tự do” sau khi tôi đã lăn tay vào đó. Tôi xem lướt thấy họ tên, số tù, tội trạng, địa chỉ cư trú đều đúng là của mình. Mọi phân vân ban đầu đều được xua tan. Chúng thả tôi tại cổng nhà lao Chí Hoà".

Nhấp ngụm trà nóng, Đại tá Trọng ngừng một lát rồi nói tiếp: "Quả thực khi đó tôi như con chim xổ lồng bay về tổ ấm, tới nhà - thực ra là cơ sở bí mật của tôi ở đường Minh Mạng, quận Phú Nhuận (Sài Gòn), ai cũng mừng. Tôi chưa kịp cởi bỏ đồ tù hôi hám thì chủ nhà hồ hởi kể: “Chú bị tù, ở nhà khổ lắm, lính an ninh đến khám nhà, hạch hỏi lai lịch chú, đòi bắt gia chủ. Sợ lắm, nhưng khi chú nhắn về, vợ chồng tôi đi thuê luật sư liền. Hai luật sư Lê Tất Hào và Lai Đình Cẩn là những luật sư của toà Thượng thẩm Sài Gòn nhận bào chữa cho chú. Trong đơn có đoạn viết: Cuộc điều tra sơ vấn của nhân viên hữu trách cũng phát hiện rằng mục đích của việc sử dụng căn cước giả mạo này không ngoài việc trốn tránh quân dịch, chứ không phải nhằm các hành vi chính trị có lợi cho đối phương. Cuộc thẩm vấn về phần bị can coi như là kết thúc, với lời xác nhận tội trạng thành khẩn và minh bạch... Sự giam giữ bị can nghĩ không còn cần thiết, nên trân trọng thỉnh cầu ông Dự thẩm ban hành tự do tạm cho bị can...”

Thấy mai vàng nở rộ mà vẫn bộn bề lo âu!

Nhắc về tết Nhâm Tý 1972, Đại tá Trọng bảo: "Mai vàng nở rộ báo hiệu xuân về. Thấy mai vàng mà lòng tôi vẫn bộn bề trăn trở, tôi nhớ tết hoa đào ở Hà Nội, nhớ tết Mậu Thân - cái tết đầm ấm bên gia đình ở Đà Nẵng... Đêm trường thao thức với tâm tư trĩu nặng. Dù bản thân được tạm trả tự do nhưng vụ án vẫn chưa kết thúc, tôi vẫn phải chịu cảnh “cá chậu, chim lồng”, chờ ngày xét xử. Bao nỗi lo dồn nén, căng thẳng, trong đầu tôi hiện lên các câu hỏi: Không biết sẽ bị toà xử án nặng hay nhẹ? Bọn mật vụ có ngầm theo dõi mình không? Trốn thoát chăng? Lúc này, tôi bị đứt liên lạc với Trung tâm chỉ đạo Tình báo Trung ương, địch thu giữ hết giấy tờ tuỳ thân, làm sao để bắt lại liên lạc?...

Trong khi người ta chúc tụng vui xuân, còn mình thì gian nan chồng chất. Tuy vậy, tôi vẫn quyết tâm tính một phương án để sớm nối lại liên lạc với Trung tâm chỉ đạo Tình báo Trung ương và lên kế hoạch hoá giải vụ án nguy hiểm này… Đến nay, đã hơn 40 năm trôi qua, nhưng tôi vẫn còn nhớ mãi cái tết “trong vòng toà án” trên mặt trận thầm lặng năm xưa".

Tin nổi bật