Mới đây, Đại học Quốc gia TP.HCM chức Hội nghị Tổng kết công tác tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực giai đoạn 2018- 2023, dự thảo kế hoạch năm 2024 và định hướng kỳ thi năm 2025.
Thông tin về kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết kỳ thi tiếp tục được phát triển theo hướng ổn định, tổ chức 2 đợt trước kỳ thi tốt nghiệp THPT: đợt 1 dự kiến tổ chức vào ngày 7/4/2024 và đợt 2 dự kiến tổ chức ngày 2/6/2024.
Ngoài 21 địa điểm đã tổ chức trong năm 2023 (gồm TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ và Bạc Liêu), năm 2025 sẽ bổ sung 2 điểm thi tại tỉnh Bình Phước và Tây Ninh.
Đại học Quốc gia TP.HCM đổi cấu trúc đề thi đánh giá năng lực năm 2025. Ảnh minh họa
Đề của kỳ thi đánh giá năng lực năm 2025 được cấu trúc lại, sẽ điều chỉnh để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo đó, năm 2025, kỳ thi đánh giá năng lực tiếp tục được thực hiện theo hướng phát triển ổn định, căn cứ trên nền tảng của giai đoạn trước. Kỳ thi sẽ tiếp tục được triển khai theo phương thức thi trắc nghiệm khách quan trên giấy, tổ chức đồng thời tại nhiều địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh tham dự. Cấu trúc đề thi được điều chỉnh phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết để cấu trúc nội dung đề thi phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ cuối năm 2022, Đại học Quốc gia TP.HCM đã thực hiện nhiều hoạt động chuyên môn với sự tham gia của các chuyên gia giáo dục và nhiều bên liên quan.
Cấu trúc đề thi đánh giá năng lực từ năm 2025 vẫn gồm 3 phần. Thí sinh sẽ được lựa chọn thực hiện 3 trong số 6 nhóm vấn đề trong quá trình làm bài.
Dự thảo cấu trúc đề thi năm 2025.
Tờ Công thương dẫn lời TS. Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, những năm qua, cấu trúc đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm, thời gian làm bài 150 phút, thang điểm 1.200 với ba phần: Sử dụng ngôn ngữ; Toán học, Tư duy logic và Phân tích số liệu; Giải quyết vấn đề.
Phần Sử dụng ngôn ngữ gồm 20 câu tiếng Việt và 20 câu tiếng Anh, điểm tối đa là 400. Các câu hỏi, bài đọc đánh giá kiến thức văn học, khả năng dùng từ, đọc hiểu, phân tích bài viết tiếng Việt và tiếng Anh.
Phần Toán học, Tư duy logic và Phân tích số liệu có điểm tối đa là 300, gồm 10 câu toán học phổ thông; 10 câu tư duy logic theo dạng suy luận và xác định các quy luật logic; 10 câu phân tích số liệu với bảng dữ liệu được cho trước.
Phần Giải quyết vấn đề là những câu hỏi liên quan đến kiến thức khoa học tự nhiên và xã hội, tối đa 500 điểm. Mỗi lĩnh vực Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử có 10 câu.
TS. Nguyễn Quốc Chính cho biết từ tháng 9, đội ngũ chuyên gia của Đại học Quốc gia TP.HCM đã bắt đầu xây dựng ma trận ngân hàng câu hỏi và đề thi mẫu theo định hướng mới. Cuối năm nay, đơn vị này sẽ tổ chức các hội thảo, lấy ý kiến các bên liên quan để hoàn thiện cấu trúc đề thi và ma trận ngân hàng câu hỏi.
Mẫu đề thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM từ năm 2025 sẽ được công bố vào đầu năm sau.
Thủy Tiên (T/h)