Năm 2024, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) tuyển sinh 39 ngành đào tạo (trong đó có 4 ngành mới là Thiết kế Vi mạch, Kinh tế Xây dựng, Địa kỹ thuật Xây dựng và Khoa học Dữ liệu) thông qua 5 phương thức xét tuyển. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến là 5.150 chỉ tiêu.
Xét tuyển kết hợp là phương thức tuyển sinh chủ đạo, chiếm 75-90% chỉ tiêu của trường Đại học Bách khoa TP.HCM. Trong đó, tiêu chí học lực chiếm 90% trọng số, thành tích cá nhân (5%) và hoạt động xã hội, văn thể mỹ (5%).
Với tiêu chí học lực, thí sinh phải đạt 3 mức sàn: điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM từ 600/1.200 (chiếm tỷ lệ 70%)); tổng điểm ba môn thi tốt nghiệp THPT từ 18 (chiếm 10%) và điểm học bạ (20%) theo tổ hợp ba môn trong 6 học kỳ là 54/90 điểm trở lên.
So với năm ngoái, trọng số điểm thi đánh giá năng lực giảm 5%, điểm học bạ tăng 5%.
Khuôn viên trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM, tại quận 10. (Ảnh: HCMUT)
Công thức tính điểm xét tuyển kết hợp của Đại học Bách khoa TP.HCM:
Điểm xét tuyển = (0.7 x điểm đánh giá năng lực quy đổi ) + (0.2 x điểm thi tốt nghiệp THPT x3) + (0.1 x Điểm học lực THPT)
Trong đó, điểm thi tốt nghiệp THPT là tổng điểm thi 3 môn theo tổ hợp xét tuyển (tối đa 30 điểm); Điểm học lực THPT là tổng điểm trung bình năm 3 môn theo tổ hợp xét tuyển trong 3 năm lớp 10, 11, 12 (tối đa 90 điểm).
Với thí sinh thi đánh giá năng lực: Điểm quy đổi = Điểm thi đánh giá năng lực x 90/990.
Những thí sinh không tham gia thi: Điểm quy đổi = 0.75 x (Điểm thi tốt nghiệp THPT/30 x 1200) x 90/990.
Ngoài xét tuyển kết hợp, trường Đại học Bách khoa dành 15-20% chỉ tiêu để ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia TP.HCM.