(ĐSPL) - "Dự tính đến năm 2020, Hòa Phát sẽ đạt sản lượng 1 triệu tấn thức ăn gia súc, 1 triệu đầu lợn. Chúng tôi sẽ làmThận trọng nhưng Máu lửa” – ông chủ Hòa Phát nhấn mạnh.
Hòa Phát là đại gia tiếp theo có quyết định bước chân vào lĩnh vực nông nghiệp. Mới đây, Tập đoàn này đã có quyết định thành lập công ty con 100\% vốn thực hiện các hoạt động chăn nuôi, chế biến thực phẩm, chế biến thức ăn gia súc và các ngành nghề liên quan đến nông nghiệp với vốn điều lệ 300 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi cổ đông về lý do bước chân vào một lĩnh vực rất mới này, tại Đại hội đồng cổ đông diễn ra sáng nay (31/3), ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Hòa Phát cho hay, thức ăn chăn nuôi là một ngành thiết yếu với quy mô khoảng 200 nghìn tỷ đồng, lớn hơn cả ngành thép nên đi kèm với thách thức là rất nhiều cơ hội phát triển.
Thêm vào đó, tuy là một ngành mới nhưng lại có nhiều điểm phù hợp với truyền thống kinh doanh của công ty và từng được đề xuất triển khai từ hơn chục năm trước đây. "Có ý kiến cho rằng lĩnh vực này là mốt mà các tập đoàn lớn nhảy vào nhưng trường hợp Hòa Phát không phải như vậy. Việc người khác làm tôi không quan tâm, Hòa Phát đi đúng yêu cầu và đúng truyền thống của Hòa Phát", ông Long nói.
Tập đoàn này đã có quyết định thành lập công ty con 100\% vốn thực hiện các hoạt động chăn nuôi, chế biến thực phẩm, chế biến thức ăn gia súc và các ngành nghề liên quan đến nông nghiệp với vốn điều lệ 300 tỷ đồng. |
|
Nói về lợi thế cạnh tranh của Hòa Phát trong ngành mới này, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cho rằng: “Không phải cứ mạnh gì thì anh mới vào. Ngay cả với mặt hàng thép ngày trước, suy cho cùng đều là mới hết, Hòa Phát đều đi từ con số 0”.
“Năm 1999, khi bắt đầu bắt tay vào sản xuất thép xây dựng, ngành thép mọi người biết nhiều đến thép của Tổng Công ty Thép Việt Nam, thép Việt Úc..., không ai biết Hòa Phát là gì. Mọi người còn bảo Hòa Phát biết gì mà làm. Cứ 11 người thì 10 người bảo chúng tôi thất bại. Ngày hôm nay Hòa Phát thế nào mọi người thấy rồi”.
Về kết quả sản xuất kinh doanh, kết thúc năm 2014, toàn Tập đoàn đạt 25.852 tỷ đồng doanh thu và 3.250 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, bằng 112\% và 148\% so với kế hoạch đề ra. Với thành quả đạt được, Hòa Phát đã tăng trưởng mạnh so với năm 2013 về doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 35\% và 62\%.
Tuy nhiên, ngược lại với kết quả sản xuất kinh doanh khả quan nói trên, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2015 của Hòa Phát khá khiêm tốn. Cụ thể, doanh thu kế hoạch 2015 là 22.500 tỷ đồng, tương đương 87\% doanh thu năm 2014. Lợi nhuận sau thuế kế hoạch là 2.300 tỷ đồng, chỉ bằng 70\% lợi nhuận năm 2014.
Video: Vì sao các đại gia đổ xô đi làm nông nghiệp
Lý do sụt giảm mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận, Hòa Phát cho biết bên cạnh yếu tố ảnh hưởng của dự án Mandarin Garden chỉ đóng góp thêm khoảng 100 tỷ vào lợi nhuận 2015, mảng sắt thép – mảng cốt lõi của Hòa Phát - sẽ chứng kiến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Theo ông Long, lĩnh vực nào cũng khó khăn, thậm chí ngành chăn nuôi còn khó khăn và nhiều cạnh tranh hơn cả ngành thép. Việc triển khai cũng mới chỉ đang trong giai đoạn nghiên cứu với rất nhiều thận trọng nhưng nếu gặp cơ hội tốt sẽ phát triển ngành này thành ngành hàng mũi nhọn của Tập đoàn với mục tiêu năm 2020 sẽ có 1 triệu tấn thức ăn gia súc, 1 triệu đầu lợn, doanh thu đạt 15.000-20.000 tỷ đồng, tương đương với ngành thép hiện tại.
"19 năm trước khi bước chân vào ngành thép nhiều người nghĩ "Hòa Phát biết gì mà làm" nhưng đôi khi không phải cứ có thế mạnh mới làm được. Đối với nền kinh tế mở như Việt Nam thì không có gì là hoàn toàn mang tính truyền thống, hầu hết đều phải bắt đầu từ con số 0. Nếu cứ e ngại cạnh tranh thì không có gì để làm cả. Tuy nhiên, sẽ chỉ làm rộng, làm lớn nếu thực sự có hiệu quả", ông Long nhấn mạnh.
"Chúng ta không mù quáng, lao đầu vào làm, mà phải làm sao vừa tồn tại phát triển, vừa không ảnh hưởng đến các ngành hàng truyền thống hiện tại của Hòa Phát", ông Long khẳng định.
Chủ tịch Trần Đình Long cho biết, việc đầu tư vào sản xuất thức ăn gia súc đang ở trong quá trình nghiên cứu, phát triển thử nghiệm chứ chưa chắc bước vào làm ồ ạt. Và mặc dù Hòa Phát mới bước vào ngành nông nghiệp chưa đầy 2 tháng nhưng giới chăn nuôi đã bắt đầu lo ngại Tập đoàn này.
"Tuy nhiên, vẫn phải khẳng định chiến lược đầu tư phát triển của Tập đoàn là tập trung theo chiều sâu, củng cố quản trị doanh nghiệp, giảm bớt nợ tiến tới không còn nợ", đại diện Tập đoàn Hòa Phát nói.
Cũng tại Đại hội đồng cổ đông, chia sẻ về kế hoạch kinh doanh năm 2015, lãnh đạo Hòa Phát cho biết, Tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 22.500 tỷ đồng và 2.300 tỷ đồng. Mức chi trả cổ tức năm 2015 dự kiến là 20\%. "Kế hoạch lợi nhuận năm 2015 khá khiêm tốn so với năm ngoái là do năm nay không có nguồn lợi nhuận từ dự án Madarin khoảng 700 tỷ đồng. Ngoài ra, trong bối cảnh thị trường khó khăn, giá thép liên tục sụt giảm để giữ được kế hoạch lợi nhuận như vậy đã tốt lắm rồi", ông Long nói tiếp.
Đối với những cạnh tranh trong ngành thép, dù khẳng định đủ khả năng cạnh tranh với thép Trung Quốc và Formosa nhưng ông Long cũng thừa nhận, cạnh tranh trên thị trường hết sức gay gắt, áp lực cũng rất lớn. Phía Tập đoàn đặt mục tiêu đảm bảo sản lượng và doanh số không giảm còn lợi nhuận thì cũng phải phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến thị trường.
"Nhu cầu sắt thép trên thế giới dự kiến sẽ tăng khoảng 10-12\%, trong khi năng lực sản xuất tăng trưởng trên 20\% khiến cung dư thừa, cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn. Việt Nam cũng tham gia sâu hơn vào FTA, dự kiến sắp tới có thể có thêm 5-7 FTA nữa khiến độ mở thị trường rộng hơn, cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Đây là khó khăn nhưng cũng là cơ hội để ngành thép mở rộng thị trường", ông Long cho biết thêm.
Ngọc Anh (Tổng hợp)